Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần" - Clip: Kiên Nguyễn

Ở Hà Nội, có một xưởng may đặc biệt đã trở thành mái nhà chung của phần lớn nhân lực là người khuyết tật. Nơi đây không chỉ giúp họ có công ăn việc làm, mà còn có thể chia sẻ yêu thương, tìm kiếm cơ hội hòa nhập cộng đồng. Hơn cả là tìm được niềm vui trong cuộc sống, sống một cuộc đời ý nghĩa. Ngoài âm thanh đều đặn của máy may, nơi đây còn tràn ngập tiếng cười của những mảnh đời kém may mắn.

"Đây là nơi mở ra cuộc đời mới của chính mình"

Nhiều năm qua, TokyoLife đã đào tạo nghề miễn phí cho những người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật sau khi được đào tạo tại đây đã tự tìm được cơ hội mới cho bản thân. Hiện, TokyoLife có 142 người khuyết tật đang làm việc ở hầu hết các khâu như may, chăm sóc khách hàng, IT, đào tạo, bán hàng…

Chúng tôi có dịp đến thăm một cơ sở may của TokyoLife tại Long Biên (Hà Nội), nơi đây được gọi với cái tên thân thương “Xưởng may thiên thần” đã giúp nhiều người khuyết tật có việc làm, thu nhập ổn định….

Không khí làm việc của xưởng vô cùng náo nhiệt, hơn 70 công nhân thì có 41 người khuyết tật học nghề và làm việc, thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, những người tay nghề tốt đã vươn lên mức thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, ngoài ra các công nhân được bố trí chỗ ăn, nghỉ, thuốc thang khi ốm đau, đi viện hay tiền đi lại về thăm gia đình.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 2.

Bên trong xưởng may "thiên thần"

Anh Hồ Văn Xếp (33 tuổi quê ở Huế) đã làm việc tại đây được 4 năm, anh Xếp khuyết tật mất đi bàn tay trái khiến cuộc sống anh vô cùng chật vật, khó khăn. Khi bắt đầu làm việc tại đây, anh Xếp được những người quản lý sắp xếp công việc và dạy may những sản phẩm đơn giản.

Đến nay, anh đã thành thạo với chiếc máy may, thậm chí, vừa nói chuyện với chúng tôi, cánh tay khuyết của anh vẫn đưa vải vào máy, từng đường chỉ thẳng đều tăm tắp.

Anh Xếp cho biết, với thể trạng của anh, anh không thể làm được những công việc nặng nhọc, cũng không thể xin làm những công việc giống như những người bình thường khác. Nghỉ học sớm, anh lăn lộn với đủ mọi nghề tự do, nhưng bữa được bữa không, có những ngày trong túi của anh không đủ tiền để mua cái bánh mỳ.

“Trước đây, công việc của mình rất bấp bênh, có những tháng thu nhập còn không đến 1 triệu, ăn thôi cũng không đủ nên cũng không dám nghĩ đến những chuyện xa vời trong tương lai.” Anh Xếp nói.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 3.

Tâm sự với chúng tôi, anh Xếp chia sẻ anh từng chán nản bản thân vì nhiều lần đi xin việc tại Huế - quê hương của anh, nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Khi đi ra đường, không ít lần anh gặp những ánh mắt không mấy thiện cảm khiến anh rất tự ti.

Sau đó một thời gian, chàng trai chưa vợ Hồ Văn Xếp tham gia Hội người khuyết tật và được giới thiệu ra Hà Nội làm việc. Vì còn độc thân và mang trong mình hoài bão, năm 2019, anh Xếp quyết định rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” để ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống.

Khi làm việc tại xưởng may Thiên thần, anh được hòa đồng cùng những người cùng cảnh ngộ, trở nên tự tin hơn và cho đến hiện tại, công việc này đã làm hài lòng cuộc sống mới của anh.

“Thật may mắn, khi tôi được làm việc tại TokyoLife, trong lòng, tôi luôn coi đây là nơi mở ra một cuộc đời mới của mình.”

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 4.

Dù với cánh tay khuyết tật nhưng từng công đoạn trong thao tác may được anh thuần thục mà không để lại vết chỉ lệch nào

Nhìn xa hơn trong tương lai, anh Xếp cho biết muốn được duy trì công việc này, đặc biệt với một người khuyết tật như anh bị giới hạn về mặt sức khỏe, không có bằng cấp nên đi xin việc rất khó khăn.

Anh Hồ Văn Xếp hy vọng, TokyoLife sẽ càng ngày có thể tuyển dụng thêm nhiều người khuyết tật để họ có việc làm ổn định, mong cho công ty càng ngày phát triển để không chỉ những người khuyết tật mà những người bình thường cũng sẽ muốn vào đây làm.

“Nếu gặp những người khuyết tật khác, tôi chắc chắn sẽ giới thiệu vào công ty, tôi cũng muốn họ có công ăn việc làm như mình để cuộc sống đỡ khổ hơn”, anh Xếp nói.

Nhiều người, khi đến với cơ sở do chưa quen môi trường mới, nên tự ti, thu mình, không thể hòa nhập. Nhưng sau quá trình giao tiếp, chia sẻ, hướng dẫn của những người quản lý cũng như đồng nghiệp, những “vầng trăng khuyết” đã có thể tự làm ra các sản phẩm bằng chính công sức của mình, từ đó tự tin hơn.

Xưởng may của TokyoLife có rất nhiều điều đặc biệt, dạo quanh một vòng, chúng tôi gặp anh Lâm (22 tuổi, Long Biên), thật bất ngờ khi gặp chàng thanh niên điển trai này. Thoạt nhìn, Lâm giống như bao người bình thường khác, công việc của anh chàng này tại xưởng may là tạo ra những chiếc khẩu trang. Được biết, Lâm cũng là 1 trong những công nhân có mức lương cao tại xưởng.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 5.

Theo Lâm, khi làm việc tại đây, anh ổn định về kinh tế và khẳng định được bản thân, được mọi người ghi nhận.

Đang chăm chú với công việc, thấy chúng tôi hỏi chuyện Lâm ngước lên rồi đưa tay lên chỉ vào tai, một người quản lý đi đến cho chúng tôi biết Lâm là người “Điếc”, muốn giao tiếp với bạn cần ngôn ngữ riêng.

Hỗ trợ chúng tôi giao tiếp với anh Lâm là chị Cúc – một trong những thành viên trong nhóm “chăm sóc Angel của TokyoLife”.

“Mình tên là Lâm, năm nay mình 22 tuổi và làm may tại đây được 4 năm rồi, đây là nơi làm việc đầu tiên của mình. Đến với công việc này, mình có thu nhập ổn định, có môi trường tốt để phát triển bản thân. Mình rất thích, bởi ở đây giống như một mái nhà vậy,” Ánh mắt Lâm rạng rỡ, dùng ngôn ngữ ký hiệu chia sẻ về công việc hiện tại.

Cặp vợ chồng "tí hon" nên duyên tại xưởng may

Cùng bị khuyết tật lùn, anh Lương Văn Kiên (30 tuổi) và chị Phùng Kiện Bạch (25 tuổi) gặp rồi yêu nhau khi cùng làm việc tại xưởng may nằm trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). Vượt qua những tổn thương, 2 người tổ chức đám cưới cách đây hơn 1 tháng.

Chia sẻ về khoảnh khắc hạnh phúc, chị Bạch cho hay: “Bọn mình quen nhau ở đây, ai cũng vui mừng khi hai người có cùng hoàn cảnh đến được với nhau”.

Dứt câu, chị Bạch ngượng ngùng nhìn sang người chồng là anh Kiên. Gặp nhau tại xưởng may từ hơn một năm, nhưng tháng trước, anh Kiên mới quyết định đưa ra lời cầu hôn và anh chị chính thức nên duyên vợ chồng.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 6.

Anh Lương Văn Kiên (30 tuổi) và chị Phùng Kiện Bạch (25 tuổi)

Nói về anh Kiên, Chị Bạch cho biết từ ấn tượng giản dị đã đưa anh chị tới gần với nhau hơn. “Anh Kiên hiền lành, chăm chỉ và rất dễ thương” Chị Bạch ngượng ngùng nói.

Còn đối với anh Kiên, người vợ của mình luôn khiến anh bị thu hút bởi sự vui tính và đáng yêu.

Cùng làm việc, cùng chia sẻ cùng nhau những câu chuyện, rồi một ngày đẹp trời, anh Kiên mạnh dạn rủ chị Bạch đi chơi công viên hóng mát và nói ra những lời cất giữ trong lòng bấy lâu. “Mình nhớ rõ ngày hôm đó, sau khi tan làm, mình rủ Bạch đi công viên hóng mát như thường ngày, nhưng bầu không khí hôm đó lạ lắm, chẳng biết “trời xui đất khiến” thế nào, mình bộc lộ hết tâm tư tình cảm. May mắn sao những lời chân thành của mình được đáp trả.” Anh Kiên cười tươi nói.

Nói về dự định tương lai, chị Bạch kể: “Trước mắt, chúng tôi có dự định mua một chiếc xe máy bé để hai vợ chồng có thể di chuyển thuận tiện hơn. Còn ước muốn sau này vẫn là một ngôi nhà khang trang và sinh con, vì vậy hai vợ chồng cần nỗ lực làm việc, kiếm tiền chuẩn bị cho cuộc sống sau này”.

Chia sẻ về cơ hội bén duyên với công việc này, anh Kiên cho biết, trước khi đến với xưởng may, anh sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, anh cũng đã từng lăn lộn đủ mọi công việc, nhưng với vóc dáng và sức khỏe thu nhập chẳng đáng là bao.

“Mình đã từng đi học công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghị lực sống của người khuyết tật, thế nhưng, “nghề chọn người” nên đành phải bỏ. Sau chuỗi ngày tháng tìm kiếm cơ hội, mình được một người bạn giới thiệu xưởng may Thiên thần, ra Hà Nội làm việc và bén duyên từ đó.” Anh Kiên nói.

Chị Bạch, quê ở Hải Dương. Trước đây chị làm việc cho tại một công ty lắp ráp linh kiện ô-tô. Tuy nhiên, đây lại là môi trường làm việc của những người bình thường nên đòi hỏi cường suất lao động rất lớn, vậy nên chị đã không thể theo kịp các đồng nghiệp.

“Khi không theo kịp các đồng nghiệp, mọi người bàn tán, cũng không ít lời trách mắng khiến tôi dần mặc cảm, tủi thân và đành phải bỏ việc.” chị Bạch chia sẻ.

Nghỉ việc, chị lên mạng tìm kiếm việc làm thì thấy TokyoLife tuyển dụng lao động người khuyết tật. “Đọc những chế độ phúc lợi dành cho người khuyết tật, lúc đầu tôi nghĩ bị lừa nhưng đánh liều một phen đăng ký thử việc 1 tháng. Nơi làm việc giống như ngôi nhà thứ 2 vậy, mọi lo lắng trước kia biến tan, tôi cảm thấy hài lòng với yêu cầu của công việc và quyết định gắn bó với nơi đây”, chị Bạch tâm sự.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 7.

Xưởng may Thiên thần đã tạo nên một môi trường kết duyên của nhiều cặp đôi, không chỉ riêng gì anh Kiên và chị Bạch.

Anh chị cho biết, hiện tại công việc đã dần ổn định, số tiền lương nhận được đủ để trang trải cuộc sống và có thể tích cóp được một chút cho tương lai sau này.

Đặc biệt, làm việc tại xưởng may của TokyoLife , hai vợ chồng son được miễn phí tiền thuê nhà, sống tại nhà tập thể của công ty. Mặc dù phải tách nhau ra và phải ngủ riêng, chị ở phòng nữ, còn anh ở phòng nam, song hằng ngày, anh chị vẫn nấu, vẫn ăn cùng với nhau. Theo hai anh chị, việc xưởng may miễn phí nơi ăn ở giúp anh chị có thể tiết kiệm được một khoản để lo cho tương lai sau này.

Xưởng may Thiên thần đã tạo nên một môi trường kết duyên của nhiều cặp đôi, không chỉ riêng gì anh Kiên và chị Bạch. Với môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định, đời sống được công ty quan tâm mang lại tâm lý thoái mái, các cặp đôi đã nên duyên và có tình yêu “trọn vẹn” ngay chính tại ngôi nhà thứ 2 này của họ.

Họ cũng minh chứng cho thấy người khuyết tật có thể làm được nhiều việc như người lành lặn, có thể kết hôn, sinh con, chăm sóc gia đình như bao người khác.

Người quản lý “đanh đá” bỗng thay đổi vì những "thiên thần"

Làm việc tại công ty đã lâu, chị Nguyễn Thị Thoa - quản lý xưởng thừa nhận rằng, chị từng con người vô cùng đanh đá, công nhân ai nhìn thấy chị đều “kinh hồn, khiếp vía”; vậy mà từ khi tiếp nhận quản lý, hướng dẫn những “thiên thần”, tính cách chị hoàn toàn thay đổi.

Chia sẻ về việc bén duyên với xưởng may đặc biệt, chị Thoa cho biết, tháng 7/2018 dự án Thiên thần ra đời. “Tôi nhớ, ngày hôm đó, lãnh đạo công ty nói về con số hơn 6 triệu người khuyết tật, làm sao để có thể giúp đỡ mọi người? Đặt xong câu hỏi cũng là lúc dự án Thiên thần ra đời, tôi được chọn làm mama tổng quản của xưởng may, trực tiếp làm việc với những người khuyết tật.” Chị Thoa kể.

“Tôi ghê gớm lắm, vì nói to cùng hay nổi nóng nên mọi người gọi là “hổ báo”, vậy mà các lãnh đạo vẫn tin tưởng giao phó trọng trách lớn như vậy.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 8.

Khi nghe đề cập, tôi giãy nảy bởi với tính tình của mình, sao có đủ kiên nhẫn, sự bao dung để làm một vị trí tiếp xúc và quản lý nhiều người yếu thế như vậy. Làm sao làm với những người hay mặc cảm được đây?", Chị Thoa nhớ lại.

Rời cuộc họp tại công ty, về nhà chị Thoa lên mạng tìm kiếm những thông tin về người yếu thế, vô tình chị đọc được câu chuyện của Chú bé Xương thủy tinh. Những giọt nước mắt chảy không ngừng với câu hỏi: Tại sao hoàn cảnh khổ như vậy mà một đứa trẻ có thể vươn lên, vượt qua nghịch cảnh như vậy?

Sau 3 ngày suy nghĩ tìm hiểu về những số phận kém may mắn, chị Thoa mỉm cười gật đầu với các lãnh đạo công ty về đề xuất này. Là người dày dặn kinh nghiệm trong tuyển dụng và đào tạo công nhân may, nhưng với bước ngoặt sự nghiệp này, chị gần như phải học lại từ đầu.

“Phải thật dịu dàng, thật kiên nhẫn và tiếp nhận những kỹ năng mới trong chăm sóc, đào tạo người khuyết tật. Làm việc cùng các bạn khuyết tật tôi như trở thành một con người khác, nhiều khi chồng, con, bố mẹ còn đùa: “Có phải là Thoa đây không?”. “ Chị Thoa cười, nói.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 9.

Chị Thoa bên cạnh các "thiên thần" của mình

Niềm hạnh phúc của chị Thoa sau 5 năm phụ trách Xưởng may thiên thần là chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của các công nhân. Theo chị Thoa, không những chị mà cả những anh , chị,em khác trong xưởng may đều thay đổi tính cách hoàn toàn. Mọi người biết yêu thương hơn, không còn ích kỷ vì lợi ích bản thân, không tham lam, bon chen trong công việc, trong cuộc sống như ngày xưa. ‏

Đến hiện tại, người quản lý từng được coi là “đanh đá” có thể nhớ được tất cả tên, tuổi, quê quán cũng như những câu chuyện của các công nhân khuyết tật trong xưởng.

"Các bạn rất nhạy cảm, dễ tự ti. Mình phải thực sự chân thành để các bạn tin tưởng, thậm chí trở thành chỗ dựa về tinh thần. Giờ đây, tôi rất tự hào vì được các bạn gọi là cô, xưng con, lắng nghe lời dạy bảo và có những bạn còn gửi tiền tiết kiệm để tôi giữ giúp" - Chị Thoa hạnh phúc nói.

Hy vọng đổi đời của những người yếu thế

Không ít người cho rằng, người khuyết tật thường nhận nhiều tình thương thay cho sự phấn đấu. Thực tế, những người khuyết tật luôn mong muốn có công việc ổn định, bền vững, muốn khẳng định bản thân, được xã hội ghi nhận chứ không trông chờ lòng thương hại của bất cứ ai. Chính vì thế, TokyoLife không tặng con cá, nhưng cũng không chỉ tặng cần câu, mà còn tạo ra cả những hồ câu vui vẻ cho các bạn, để từ đó chắp cánh cho những đôi tay thiệt thòi nỗ lực vươn lên khẳng định mình và đóng góp cho xã hội.

Những mẩu chuyện đáng yêu bên trong xưởng may "thiên thần", nơi một cặp đôi "tí hon" đã nên duyên vợ chồng - Ảnh 10.

Đào tạo kỹ năng với người khuyết tật là một việc khó khăn. Thực tế, những nhân sự khiếm khuyết vận động thường sẽ chỉ sản xuất được sản phẩm đơn giản như khẩu trang. Nhân sự khiếm khuyết thính giác vẫn có đôi bàn tay khéo léo, chỉ là khả năng tiếp nhận thông tin cần quá trình dài hơn, họ được phân để sản xuất áo giữ nhiệt. Ở xưởng may sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn của TokyoLife chưa có nhiều người khuyết tật.

Sau xưởng may Thiên thần, vào tháng 2/2021, TokyoLife ra mắt mô hình Ngôi nhà Thiên thần. Đây là những cửa hàng đặc biệt trong hệ thống của người Điếc, đảm nhận những công việc từ đơn giản như đón khách, chăm sóc hàng hóa đến phức tạp hơn như tư vấn.

img
img
img
img

Đến nay, TokyoLife đang có 4 Ngôi nhà Thiên thần tại Hà Nội và Đà Nẵng, tiến tới tương lai 10% cửa hàng trong toàn hệ thống TokyoLife sẽ được chuyển đổi thành không gian do người khuyết tật vận hành, đạt mục tiêu nâng tổng số người khuyết tật trong công ty lên khoảng 300 người.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

https://humanactprize.org/