Trong buổi phỏng vấn trực tuyến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được VnExpress tổ chức chiều ngày 6/4, khi trả lời câu hỏi "Hình ảnh từ camera hành trình của một xe có được lấy làm cơ sở để phạt nguội các xe vi phạm khác không và người có hình ảnh thì gửi đến đâu để công an phạt xe vi phạm đó?", Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh Sát Giao Thông (CSGT) - đã cho biết phía cục đang đề xuất cơ chế trả tiền cho người gửi video vi phạm giao thông, đồng thời sẽ có cổng thông tin tiếp nhận và xác minh.

Theo đó, ông trả lời: "Chính phủ đã có danh mục thiết bị làm căn cứ xử phạt, quy định tại Nghị định 135, đã có hiệu lực thi hành, các thiết bị đo nồng độ cồn, kiểm tra ma tuý camera là căn cứ trực tiếp. Căn cứ thứ hai đang sử dụng, nhưng cần xác minh, đó là hình ảnh từ camera hành trình của cá nhân gửi về".

Ngoài ra, về vấn đề trả tiền cho video vi phạm được gửi đến Cục CSGT, ông cũng cho biết: "Chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế trả tiền cho người dân để mua lại các hình ảnh, video đó, vì không thể nơi nào cũng có camera theo hết được. Tới đây người dân có thể gửi clip tự quay hay trên camera hành trình trên xe mình tới Bộ Công an, chúng tôi sẽ có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các thông tin đó để xác minh và xử lý".

Đây là thông tin thú vị và đáng chú ý khi những người bức xúc về các tình huống giao thông có thể gửi hình ảnh hoặc video về vụ vi phạm đến cơ quan để được xử lý và thậm chí có thể nhận được khoản chi phí nhỏ nếu được xác minh chính xác.

Người dân sẽ được trả tiền khi cung cấp clip vi phạm giao thông cho CSGT? - Ảnh 1.

Thông tin rõ ràng hơn về việc CSGT sẽ được phép sử dụng thông tin do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông có thể tìm thấy trong Nghị định 135/2021/NĐ-CP, hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định về danh mục, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, xử lý dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, sẽ là căn cứ pháp lý để thực hiện việc này.

Các nội dung liên quan đến việc sử dụng thông tin do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được quy định rõ, cụ thể như sau:

Tại chương III, Điều 16 quy định về việc cung cấp dữ liệu thu được do cá nhân, tổ chức cung cấp cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt bằng các hình thức:

- Trực tiếp đến cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp.

- Qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử hoặc đường dây nóng.

- Qua dịch vụ bưu chính

- Qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin sẽ được: Bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác. Đặc biệt có quyền "Yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp" – theo Điểm C, khoản 2, Điều 16).

Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin sẽ phải có trách nhiệm: Cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền cần liên hệ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp, ngoài ra phải hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.