Hàng loạt ngân hàng đang rao bán nhiều tài sản để xử lý nợ xấu dịp cuối năm, trong đó có rất nhiều bất động sản, ô tô, máy móc.
Ngân hàng VIB đang thanh lý khu đất rộng gần 540 m2 trên đường Nguyễn Văn Khối (phường 8, quận Gò Vấp) với giá gần 60 tỷ đồng. Tại huyện Hóc Môn, ngân hàng này cũng đang thanh lý một ngôi nhà và kho bãi rộng 790 m2 với giá 28 tỷ đồng. Đây là những tài sản mà khách hàng thế chấp, không còn khả năng trả nợ.
Ngoài những tài sản nói trên, Ngân hàng VIB cũng đang thanh lý khoảng 800 bất động sản có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài chục tỷ đồng. Bất động sản tọa lạc tại nhiều địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… Bên cạnh đó, VIB cũng thanh lý 27 ô tô các loại với giá từ 250 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng.
Ngân hàng Vietinbank cũng vừa thông báo đấu giá 3 tài sản đảm bảo gồm một ngôi nhà ở quận Tân Phú và hai ngôi nhà ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Tổng giá trị 3 tài sản này là hơn 31,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng thông báo đấu giá 2 căn nhà nằm sát nhau trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận với giá khởi điểm là 14,5 tỷ đồng.
Bên cạnh những ngôi nhà trên, Vietinbank cũng đang đấu giá, tìm tổ chức đấu giá và thanh lý hàng trăm tài sản của người dân, doanh nghiệp. Giá trị các tài sản dao động từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, trong số khách hàng “dính” nợ xấu thì có cá nhân bị thu giữ khá nhiều tài sản. Điển hình như trường hợp của bà P.T.H.N và ông L.H.H bị Ngân hàng LPbank thu giữ 21 lô đất tại TP Cần Thơ. Các lô đất có diện tích từ 87 – 8.300 m2 tọa lạc tại quận Thốt Nốt.
Ngoài ra, ông H, bà N còn bị thu giữ một căn hộ cao cấp diện tích 187 m2 tại TP.HCM và một ô tô đắt tiền. Ông H và bà N bị thu giữ nhiều tài sản do không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo 2 hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Một số ngân hàng khác như VietBank, OCB cũng đang ráo riết thông báo thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo cũng như thanh lý tài sản. Hàng trăm nhà, đất, xe ô tô, máy móc được rao bán rầm rộ trong dịp cuối năm.
Anh Đinh Thành Long, chuyên viên xử lý nợ của một ngân hàng cho biết, năm 2024, lượng tài sản nợ xấu, cần thanh lý có dấu hiệu tăng mạnh hơn những năm trước. Công việc làm ăn, kinh doanh của người dân gặp nhiều khó khăn khiến họ mất khả năng trả nợ.
Theo anh Long, việc xử lý nợ trong giai đoạn này cũng gặp nhiều thách thức. Điển hình như việc thanh lý tài sản nhưng rất ít người mua. Nhiều tài sản đấu giá 4-5 lần cũng không có người chốt dù đã giảm giá hơn 10%.
“Chúng tôi bán đấu giá một ngôi nhà tại quận Phú Nhuận với giá 17 tỷ đồng nhưng không ai mua. Đến lần thứ 4, chúng tôi giảm giá còn 15 tỷ đồng cũng chưa bán được. Thanh khoản rất yếu”, anh Long nói.
Cũng theo anh Long, một số tài sản phải mất nhiều thời gian mới xử lý xong vì còn phụ thuộc vào tiến độ làm việc của tòa án, lực lượng thi hành án… Quá trình này có khi mất 2 – 3 năm mới xong.
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng. Điển hình như Vietinbank, tính đến ngày 30/9, ngân hàng này có tổng nợ xấu khoảng 23.225 tỷ đồng, tăng 40% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tăng từ 1,13% hồi đầu năm lên 1,45%.
Hay như tại VPBank, tổng nợ xấu của ngân hàng này là hơn 30.531 tỷ đồng, tăng 22% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh, từ mức 4.362 tỷ đồng lên 7.354 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước thể hiện, tính đến hết quý 3/2024, tổng nợ xấu tại các ngân hàng là khoảng 250.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,26%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (khoản nợ xấu vẫn đang được theo dõi) ở mức 4,55%, tăng mạnh so với mức 2% của năm 2022. Áp lực nợ xấu đang gia tăng ở nhiều ngân hàng.
Lý giải nguyên nhân nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nhiều khách hàng khó khăn từ dịch COVID-19 mới khôi phục lại sản xuất kinh doanh do được áp dụng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này lại tiếp tục thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua nên hầu như không có khả năng khắc phục, không đáp ứng các điều kiện vay mới, dẫn tới nguy cơ nợ xấu gia tăng.