Lỗi thu hồi: Cuối năm vẫn… “đen”?

Ngược lại với một khí thế tràn trề đầu năm 2011, vụ thu hồi hơn 30 vạn xe gần đây do bị lỗi túi khí có lẽ đã làm đau đầu các lãnh đạo hãng xe Nhật Bản. Vụ việc thu hồi này cũng khép lại một năm hoạt động ảm đạm của Honda trên hầu hết các thị trường. Có vẻ như “vận xui” liên tiếp tìm tới nhà sản xuất của đất nước mặt trời mọc: Động đất và sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3, trận lũ lịch sử kéo dài nhiều tháng trời khiến hoạt động sản xuất của hãng bị ngừng trệ, mẫu xe Accord mới ra mắt không tạo được nhiều sức hút như sự trông đợi của nhà sản xuất, mẫu xe Civic bị giới chuyên môn đánh giá thấp và một số tạp chí còn “phũ phàng” loại chiếc xe ra khỏi danh sách các mẫu xe đáng mua. Và hơn thế là hàng loạt các vụ thu hồi xảy ra liên tiếp trên nhiều thị trường chính là một trong những nhân tố khiến doanh số bán hàng năm 2011 của Honda sụt giảm đáng kể.
 
img
Những sự cố cuối năm khiến kết quả kinh doanh 2011 của Honda càng thêm ảm đạm

Bất lợi dành cho Honda

Trong khi cầu ngày càng giảm, và khách hàng cũng khắt khe hơn mỗi khi lựa chọn ô tô cho mình, thì việc các mẫu xe liên tiếp “dính phốt” thu hồi quả thực sẽ là một điểm trừ lớn cho hãng xe Nhật Bản. Accord – Mẫu xe “cưng” của Honda cũng chính là cái tên đen đủi nhất trong danh sách. Bị thu hồi liên tiếp do lỗi động cơ, phần mềm, túi khí… trong suốt cả năm, đặc biệt lỗi hệ thống túi khí trên Accord và một số mẫu xe Honda khác đã khiến xuất hiện các ca tử vong cũng như bị thương nặng. Điều này có lẽ ít nhiều đã khiến Accord phiên bản mới không tạo được sức hút mãnh liệt như hãng trông đợi.
 
img
Honda Accord và Civic - Hai mẫu xe được ưa thích nhất cũng liên tục bị "triệu hồi"

Có lẽ hơn ai hết, Honda hiểu rằng việc thu hồi xe liên tiếp với số lượng lớn sẽ làm giảm đi sự uy tín và niềm tin của khách hàng. Những mẫu xe bán chạy như Accord, Civic, CR-V… cũng thường xuyên được “góp mặt” trong danh sách các dòng xe bị thu hồi. Việc liên tục phát hiện ra sự cố sẽ khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi: Phải chăng đây là dấu hiệu đi xuống của chất lượng? Không riêng gì Honda, mọi nhà sản xuất xe hơi đều không bao giờ muốn phải gật đầu trước câu hỏi đó.
 
img

Vị trí quán quân “đáng nhớ”

Cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) - Người chịu trách nhiệm giám sát các điều luật an toàn - đã thống kê con số khoảng 30 triệu chiếc xe bị thu hồi mỗi năm. NHTSA cũng có quyền buộc các hãng xe hơi phải thu hồi xe khi có phản ánh của khách hàng với số lượng lớn, thông qua đường dây nóng và e -mail. Từ đó, cơ quan này sẽ tổng hợp thành một danh sách để đánh giá và so sánh. Honda đã “ghi điểm” trong bảng xếp hạng không lấy gì làm hân hoan đối với những nhà sản xuất xe hơi: Hãng có số lượng xe bị thu hồi nhiều nhất trong năm 2011. Xét mặt bằng chung, trong năm 2011 tổng “án thu hồi” của các thương hiệu xe dừng lại ở con số 15, 5 triệu chiếc, ít hơn mức 20 triệu xe của năm 2010, và cũng là năm thu hồi ít xe nhất trong vòng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, Honda chiếm tới gần 1/ 4 “thị phần” với 3, 9 triệu chiếc. Nhớ lại năm 2006, vẫn hai mẫu Accord và Civic đã bị Honda triệu hồi với số lượng “choáng váng”: 1,2 triệu chiếc. Tuy nhiên, hãng vẫn tuyên bố rằng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến xe hơi đều cần phải thu hồi, và khẳng định rằng Honda là một trong những thương hiệu có số xe thu hồi ít nhất trong năm đó. Chưa rõ những lí lẽ của hãng xe Nhật Bản đưa ra vững vàng đến đâu, nhưng việc đứng đầu “danh sách đen” như vậy rõ ràng không phải là điều mà hãng đang cố gắng hướng tới.
 
img
Lượng xe thu hồi khổng lồ sẽ khiến uy tín của hãng xe bị ảnh hưởng rất nhiều

Những đợt thu hồi không chỉ khiến danh tiếng của hãng xe Nhật Bản bị giảm sút, mà khoản chi phí giành cho chúng cũng là vấn đề khiến Honda phải “để tâm”. Số tiền trả cho nhân công, phụ tùng thay thế và hiệu chỉnh kỹ thuật tính trung bình khoảng 150 USD/ xe. Vậy với hơn 3,9 triệu xe thu hồi năm 2011, con số đổ vào việc sửa chữa sẽ khiến nguồn kinh phí của hãng “hao” đi ít nhất 600 triệu USD, chưa kể tiền bồi thường thiệt hại cho khách hàng và các khoản phí phát sinh khác. Kèm theo đó là tâm lý bất an của khách hàng khi lựa chọn xe hơi mang nhãn hiệu Honda, tất cả đều bất lợi. Thay vì bỏ ra hàng trăm triệu USD để “chắp vá” lại sản phẩm, nên chăng hãng sử dụng để tăng độ chính xác trong các khâu sản xuất, lắp ráp của mình? Hy vọng rằng sang năm mới 2012, hãng xe đến từ đất nước mặt trời mọc sẽ có sự “vặn mình” một cách nghiêm túc, đưa tới thị trường những chiếc xe thực sự chất lượng, an toàn và tin cậy.
 
img
Người tiêu dùng chờ đợi những chiếc xe chuẩn mực từ Honda.