Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ thời điểm chiếc Camaro 1967 ra mắt lần đầu tiên. Có lẽ trong lịch sử hiếm có mẫu xe nào có khả năng vực dậy cả một thương hiệu và Camaro là một ví dụ hiếm hoi, bên cạnh Ford Mustang và Porsche 911.

Thế nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng toàn một màu hồng với dòng xe cơ bắp Mỹ. Đã có thời điểm tưởng chừng như Camaro sẽ biến mất mãi mãi và cũng có không ít những lần dòng xe này lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại quá khứ thăng trầm của dòng xe Chevrolet, từ những ngày đầu tiên khi mà GM vội vã tung ra một mẫu xe cạnh tranh với Mustang cho tới ngày nay với cỗ máy Camaro 2018 650 mã lực.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 1.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khó có bí mật nào có thể tồn tại lâu trên thị trường ô tô, đặc biệt là tại Detroit. Thông tin về chiếc Mustang tới từ Ford nhanh chóng tới tai giới lãnh đạo Chevrolet vào thời điểm đó. Kết quả là thương hiệu thuộc GM ngày nay đã bắn phát súng đầu tiên với concept Super Nova ra mắt vào năm 1964 tại triển lãm New York, chỉ vài ngày trước khi chính đối thủ ra mắt tại Hội chợ thế giới.

Super Nova sở hữu thiết kế khá mới lạ và hiện đại khi so với mặt bằng chung với việc trang bị cho mình ca pô dài, lớn trái ngược cùng phần đuôi ngắn, một phong cách thể thao đậm chất coupe. Khung gầm xe sử dụng lúc đó lấy từ chiếc Chevy II đang khá thành công trên thị trường. Dù nhận được phản hồi tốt nhưng Chevrolet lúc đó đã không quyết định bật đèn xanh cho Super Nova vì sợ sẽ cạnh tranh với chính chiếc Chevelle hãng đang bán ra lúc đó.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 2.

Tạm thời chuyển hướng qua Mustang. Nhiều thương hiệu xe lúc đó đã nghi ngờ về khả năng thành công của dòng xe này khi cho rằng không có mấy khách hàng có nhu cầu sở hữu 1 chiếc xe như vậy. Họ đã nhầm. Được hỗ trợ bởi chiến dịch quảng cáo rầm rộ và hùng hậu nhất vào thời điểm đó, Mustang đã lập tức gây nên một cơn sốt (có thể so sánh với Apple và Tesla ngày nay) và đã bán ra được tới 22.000 xe chỉ sau 24 giờ, một con số không tưởng.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 3.

Thành công của Mustang đã hoàn toàn gây bất ngờ cho GM, buộc tập đoàn Mỹ yêu cầu Chevrolet tìm phương án giải quyết nhanh nhất có thể và từ đó, cái tên Chevrolet Camaro xuất hiện trong lịch sử làng xe hơi toàn cầu. Tất cả công đoạn lên ý tưởng, hoàn thiện và sản xuất được tiến hành trong vòng chưa đầy 2 năm. Vào thời điểm đó giá khởi điểm xe chỉ vỏn vẹn ở mức 2.466 USD (tương đương hơn 18.500 USD hiện nay) trong khi sở hữu động cơ 3.8L I-6 với công suất 140 mã lực hoặc cao cấp hơn là động cơ V8 5.7L 295 mã lực – mạnh mẽ hơn hầu hết các đối thủ cùng phân khúc. Kết quả mà Chevrolet thu được không hề tồi với 220.000 xe bán ra trong năm đầu tiên, tuy nhiên con số này vẫn còn kém khá xa đối thủ chính Mustang.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 4.

Nhận thấy cần cải thiện hình ảnh thương hiệu của mình hơn nữa trong mắt người tiêu dùng đồng thời đáp trả lại Mustang Convertible, Chevrolet nhanh chóng giới thiệu dòng Camaro mui trần chỉ một năm sau bản coupe. Doanh số bán ra không nhiều nhưng hình ảnh của Camaro được cải thiện thấy rõ, đặc biệt là khi dòng xe này tham dự Indianpolis 500 vào năm 1967 với tư cách xe an toàn (pace car).

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 5.

Là thương hiệu hiệu suất cao của GM vào thời điểm đó, Pontiac đã yêu cầu đưa concept Banshee 1964 vào sản xuất nhưng không nhận được sự chấp thuận từ phía tập đoàn Mỹ. Kết quả là họ phải tạm hài lòng với giải pháp tình thế là dòng Firebird – một phiên bản sửa đổi nhẹ từ Camaro vào đầu năm 1967.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 6.

Giai đoạn những năm 60 là thời điểm mà các hãng xe liên tục cập nhật dòng sản phẩm của mình và Chevrolet cũng không ngoại lệ. 3 năm sau ngày ra mắt đầu tiên, Camaro đã nhận được nhiều cải tiến đáng kể với thiết kế thể thao, mạnh bạo hơn.  Trước đó, hãng cũng đã ra mắt 3 gói độ Camaro, trong đó gói Z/28 cao cấp nhất đã biến chiếc coupe cơ bắp Mỹ trở thành một dòng xe đua đáng gờm.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 7.

Camaro nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình trên đường đua, đặc biệt là 2 series Trans Am và Can-Am. Nhận thấy tiềm năng của một phiên bản Camaro đua nhưng cũng đạt chuẩn vận hành trên đường phố thông thường, chủ sở hữu đại lý Chevrolet tại Illinois, Mỹ là ông Fred Gibbs đã thuyết phục thành công Văn phòng kiểm soát sản xuất trung ương của GM (COPO) và thế là bản Camaro ZL-1 sử dụng động cơ V8 cho xe đua ra đời. Vào thời điểm đó có ít người thực sự quan tâm tới giá trị của dòng xe này, do đó trong tổng số 69 chiếc COPO ZL-1 được sản xuất, chỉ có 13 chiếc được bán đi và một vài chiếc được chuyển giao tới các đại lý khác. Số còn lại quay trở về với GM và ngày nay có mức giá lên tới hơn 500.000 USD mỗi chiếc vì sự đặc biệt của mình.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 8.

Thế hệ Camaro thứ 2 chính thức ra mắt thị trường Mỹ vào tháng 2/1970. Không chỉ dài và rộng hơn người tiền nhiệm, thiết kế Camaro mới còn hoàn toàn khác lạ khi sở hữu tản nhiệt cao và nhỏ hơn tách biệt hẳn với cụm đèn pha, cản trước tách rời và đèn hậu tròn tương tự người anh Chevelle trước đó. Đáng tiếc là bản mui trần convertible đã bị lược bỏ khỏi màn ra mắt này.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 9.

Giai đoạn đầu những năm 1970 thật sự là quãng thời gian đen tối với GM. Công nhân của họ ở nhà máy Norwood, Ohio biểu tình 174 ngày liên tiếp trong năm 1972, dẫn tới việc hàng ngàn chiếc Camaro chưa hoàn thiện nằm không trong dây chuyền sản xuất. Việc không thể thông qua khoản đầu tư nâng cấp số xe này nhằm đạt chuẩn an toàn đi vào hiệu lực một năm sau đó buộc GM phải cắn răng bỏ hẳn số xe trên.   

Tiếp đến, giá xăng tăng mạnh vào giai đoạn 1973 cũng khiến nhu cầu mua xe hiệu suất cao ở Mỹ đi xuống trông thấy. Các quy định mới buộc xe phải trang bị bộ kiểm soát và chuyển đổi khí thải, khiến công suất toàn hệ thống bị đẩy xuống mức chỉ còn trên dưới 100 mã lực. Khi đó, ban lãnh đạo GM đã nghiêm túc cân nhắc kế hoạch ngưng sản xuất 2 dòng Camaro và Firebird vì đối mặt quá nhiều khó khăn.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 10.

Đến năm 1974, sức ép quá lớn buộc Chevrolet phải thay đổi thiết kế Camaro để đảm bảo đạt chuẩn an toàn mới. Phần đầu xe được làm lại với ca pô hạ thấp xuống ở mũi xe, tản nhiệt mới và cản trước lớn tới mức có thể ngồi lên trên. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự biến mất của phiên bản Z/28 do không thể đáp ứng yêu cầu khí thải.

Đúng vào thời điểm này, Chevrolet Camaro lại nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía... đối thủ chính là Mustang. Thế hệ Mustang thứ 2 buộc phải chuyển đổi sang hệ thống khung gầm Pinto nhỏ hơn nhằm cải thiện hiệu suất nhiên liệu, qua đó tạm thời rút lui khỏi phân khúc của Camaro. Trong khi đó bản Mustang cao cấp hơn, với tên gọi riêng là Mercury Cougar vào thời điểm đó, lại chuyển lên phân khúc cỡ lớn hơn, sang trọng hơn một chút. Mẫu xe thể thao của Ford chỉ trở lại đúng quỹ đạo vào cuối thập niên 70. 2 đối thủ cạnh tranh khác của họ là AMC Javelin và Plymouth Barracuda cũng buộc phải rút lui từ 1974 do hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973. Nhờ đó, Camaro đã có vài năm trống quý giá để ổn định lại tình hình.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 11.

Chevrolet giới thiệu thế hệ Camaro thứ 3 vào năm 1981 với thiết kế phá cách và loại bỏ hoàn toàn bộ khung cũ mà 2 thế hệ trước xây dựng. Dáng vẻ xe là sự kết hợp giữa nét hiện đại xen lẫn hiệu quả từ các chi tiết khí động học. Tuy nhiên động cơ vẫn là một điểm lùi khi vẫn chưa thể cân bằng được giữa 2 yếu tố sức mạnh và tiết kiệm. Bản 2.5L 4 xi lanh tiêu chuẩn vào thời điểm đó chỉ có công suất... 90 mã lực và ngay cả bản V6 2.8L cũng chỉ dừng lại ở mức vỏn vẹn 112 mã lực. Ngay cả bản Z/28 được hồi sinh với động cơ V8 5.0L cũng chỉ đạt tới mốc 145 mã lực, thậm chí còn chưa cao bằng động cơ Camaro gốc ra mắt từ những ngày đầu tiên.

Để lấy lại hình ảnh của mình, Chevrolet một lần nữa mang Camaro tới Indianapolis 500 1982 với vai trò xe an toàn. Tuy vậy hãng đã phải bí mật sửa đổi chiếc coupe với động cơ V8 5.7L 250 mã lực, đơn giản bởi bản V8 5.0L hoàn toàn không đủ nhanh cho nhiệm vụ này.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 12.

Chiếc coupe thể thao của Chevrolet chỉ thật sự vào guồng từ giữa những năm 1980 với sự xuất hiện của bản IROC cho công suất tối đa 215 mã lực, sở hữu hệ thống treo mới và thiết kế được làm lại. Phiên bản đặc biệt này cũng đánh dấu sự khởi đầu cuộc đua mã lực giữa Chevrolet và Ford khi Mustang chính thức trở lại phân khúc.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 13.

Tới năm 1987, phiên bản mui trần chính thức xuất hiện trở lại trong đội ngũ Camaro sau 18 năm vắng bóng.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 14.

Phiên bản hoàn toàn mới của Camaro ra mắt vào tháng 1/1993 với thiết kế được làm lại từ A tới Z hiện đại, hợp thời hơn nhưng vẫn giữ lại trong mình chất cơ bắp Camaro nhất định. Công suất 275 mã lực và trọng lượng 1.470 kg là những thông số không hề tồi vào thời điểm đó. Doanh số khả quan hàng năm và một bản facelift được đánh giá cao (1999) tiếp tục xây dựng nền móng vững chắc cho chiếc coupe, cho đến một ngày...

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 15.

Bước vào thiên niên kỷ mới, doanh số Camaro nói riêng và cả phân khúc xe cơ bắp tại Mỹ nói chung bất ngờ chùng xuống, tới mức nhiều mối lo ngại thực sự xuất hiện về sự biến mất của dòng xe này. Chevrolet buộc phải ngưng sản xuất Camaro vào tháng 8 năm 2002 mà không có biện pháp thay thế, qua đó đặt dấu chấm lửng cho lịch sử 35 năm của dòng xe thể thao. Cùng thời điểm đó Pontiac cũng công bố ngừng bán dòng Firebird.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 16.

Đối mặt với sự phản đối của không ít fan hâm mộ trung thành của Camaro, Chevrolet đã giới thiệu lại bản concept hoàn toàn mới tại triển lãm Detroit 2006. Chiếc coupe 400 mã lực kết hợp thiết kế đã làm nên thành công rực rỡ vào những năm 1969 với những đường nét hiện đại, hợp thời hơn và kết quả thu về khá tích cực, dẫn tới màn ra mắt concept Camaro mui trần một năm sau đó và cuối cùng là...

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 17.

CEO GM, Rick Wagoner tuyên bố thương hiệu của họ sẽ bắt đầu lắp ráp trở lại Chevy Camaro từ năm 2006, tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn tới việc hãng phải tuyên bố phá sản và rồi được chính phủ Mỹ cứu trợ tài chính đã đẩy cột mốc này xuống năm 2010 – thời điểm thế hệ thứ 5 chính thức ra mắt.

Lấy ý tưởng chủ đạo từ concept ra mắt trước đó, Camaro thế hệ mới sở hữu thiết kế trau chuốt, mạnh mẽ và thể thao với công suất tương xứng: 321 mã lực trên bản V6 hoặc 426 mã lực trên bản V8. Bản mui trần convertible cũng ra mắt chỉ một năm sau đó và nhìn chung cả 2 đều được người tiêu dùng Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Xe bán chạy tới nỗi Chevrolet phải tạm ngưng xuất khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu mua xe của người dân bản địa.

Thế hệ này cũng đánh dấu bước tiến mới trong khả năng chế tạo động cơ từ phía GM  với đỉnh điểm là bản V8 6.2L 580 mã lực của ZL1 2012.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 18.

Ra mắt vào tháng 5/2015, Camaro thế hệ thứ 6 sử dụng hệ dẫn động cầu sau cải tiến lấy từ Cadillac ATS và CTS, giúp xe cắt giảm khá nhiều trọng lượng thuần. Nhờ đó, phiên bản này có thêm tùy chọn động cơ 4 xi lanh tăng áp, vốn đã không còn xuất hiện từ cuộc khủng hoảng công suất diễn ra từ những năm 1980, bên cạnh các dòng V6 và V8 truyền thống. Cũng nhờ sự bổ sung này mà giá khởi điểm của xe chỉ dừng ở mức 25.900 USD, rất phải chăng và đầy tính cạnh tranh trong khi sở hữu thiết kế ấn tượng, công suất không hề tồi và trên hết là truyền thống, di sản 50 năm của xe cơ bắp Mỹ.

Hành trình hơn 50 năm thăng trầm của Chevrolet Camaro - Ảnh 19.

Mẫu Camaro mạnh mẽ nhất từng được sản xuất mà bạn có thể thấy trên đường phố hàng ngày, Camaro ZL1 1LE 2018 sử dụng động cơ V8 siêu nạp 650 mã lực đi kèm hộp số sàn thể thao 6 cấp, hệ dẫn động cầu sau, gói độ body kit làm bằng sợi carbon và hệ thống treo thích ứng. Giá khởi điểm của mẫu xe này là 64.000 USD.