Đường tới Buriram

Trước khi tới Buriram – nơi diễn ra chặng đầu tiên của ARRC 2018, Cao Việt Nam là cái tên không quá xa lạ. Tay đua sinh năm 1996 đã bắt đầu sự nghiệp từ năm 2013 khi mới 17 tuổi. Anh từng đứng thứ 16 ARRC 2017 ở hạng underbone 150cc, đứng thứ hai giải đua mô tô Việt Nam 2016 ở hạng 110cc, đứng nhất giải đua mô tô Việt Nam 2015 ở hạng 150cc và 135cc.

Trong khi đó, Nguyễn Vũ Thanh hoàn toàn mới lạ trên đường đua tốc độ quốc tế. Chàng trai sinh năm 1999 rụt rè ngay từ khi tiếp xúc và ngây thơ trong từng câu chữ. Thành tích của Thanh chỉ dừng lại ở vị trí dẫn đầu giải đua xe của Honda ở Bình Dương, hạng 110cc.

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 1.

Gương mặt mới Nguyễn Vũ Thanh ở hạng 150cc bên chiếc Honda Winner.

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 2.

Tay đua "điên" Cao Việt Nam bên chiếc Honda CBR250RR ở hạng 250cc.

Dẫu vậy, cả Nam và Thanh đều có thể coi là gương mặt mới. Bởi Nam – người dẫu góp mặt ở ARRC 2017 với vị trí 16 – lại góp mặt ở hạng 250cc. Kinh nghiệm của anh chỉ dừng ở mức 150cc. Người có kinh nghiệm hơn là Bùi Duy Thông không được cử tham gia với lý do được cho là sa sút phong độ.

Vị trí khuyết mà Nam để lại được dành cho Thanh – cái tên được Honda Việt Nam kỳ vọng dù không đặt nặng nề kết quả.

Hành trang của Nam và Thanh là kỹ năng tích cóp từ các giải đấu trong nước. Mà theo họ, các đường đua tại Việt Nam còn cách các đường đua quốc tế như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ,… một khoảng cách quá xa, không phải xét theo địa lý mà xét theo chất lượng. Những khúc cua gắt cũng là điều mà họ vốn không quen và chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc.

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 3.

Các mẫu xe Honda được chăm chút kỹ lưỡng trước giờ thi đấu.

Người bạn đồng hành được Honda Việt Nam chăm chút kỹ lưỡng. Cao Việt Nam cầm lái Honda CBR250RR. Nguyễn Vũ Thanh cầm lái Honda Winner 150. Nên nhớ, cả hai mẫu xe này đã được các kỹ thuật viên "hàng tuyển" phù phép để biến thành xe đua đích thực, thay vì các mẫu xe côn tay đơn thuần. Chúng bị lược bỏ hết các chi tiết thừa nhằm giảm trọng lượng và được bổ sung hàng loạt công nghệ thích hợp với đường đua khốc liệt.

Hai tay đua được chăm chút và săn sóc để có phong độ tốt nhất. Bù lại, thành tích top 15 sẽ đặt lên vai hai 9X chưa hề có kinh nghiệm trong hạng mà mình tham gia. Vị trí này nghe chừng thấp và dễ đạt được nhưng…

Hai ngày tại chảo lửa Buriram

Chặng đầu tiên của ARRC 2018 diễn ra tại trường đua Chang International Circuit. Chặng chia làm hai vòng thi đấu chính và lấy kết quả tổng hợp để xếp hạng chung cuộc.

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 4.

Trước khi cán đích, các tay đua sẽ phải vượt qua khúc cua tử thần số 12 - nơi tạo sự xáo trộn vị trí ở những giây cuối cùng.

Cái nắng gắt của Buriram không khác gì trời Hà Nội trong mùa nóng kỷ lục vừa qua. Mặt sân nóng chắc không khác gì đường cao tốc Việt Nam nhưng thiếu phần bốc hơi tạo ảo ảnh. Di chuyển từ phòng báo chí ra ngoài là cả sự sốc nhiệt, như miếng thịt từ tủ lạnh mang ra rã đông.  

Nhưng sao có thể so với cái nhiệt đang diễn ra trên sân kia. Hai chàng trai dưới màu áo đội đua Yuzy Honda Vietnam Racing Team chịu nhiệt từ mặt sân, chịu nắng đổ từ trên trời và chịu sức ép từ các đối thủ quốc tế, trong đó có nhiều tay đua Thái Lan đã quen với khí hậu và mặt sân như thế này.

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 5.

Cái khắc nghiệt không chỉ tới từ khí hậu mà còn kỹ năng của đối thủ và sự khắt khe của luật thi đấu.

Trong ngày đầu tiên, Nguyễn Vũ Thanh vẫn rụt rè y hệt như cách em giao tiếp ngoài đường pitch. Vị trí 17 duy trì suốt khoảng 7 vòng (lap) từ vị trí xuất phát thứ 16. Tưởng như top 15 đã ngoài tầm với thì ở vòng cuối (lap 8), va chạm hàng loạt ở ngay khúc cua 12 tử thần đã khiến sự bình tĩnh của Thanh phát huy tác dụng và vượt lên đứng thứ 11/21 ở những giây cuối cùng. 5 điểm ngay lần đầu mang chuông đi đánh xứ người là kết quả động viên đáng ghi nhận. 

Cao Việt Nam bản lĩnh hơn khi dành được vị trí xuất phát thứ 17. Tuy nhiên, anh không gặp may mắn như đồng đội và xếp thứ 17 sau 10 lap.

Sang ngày thứ 2, tai nạn cũng diễn ra nhưng sự kém may mắn lại thuộc về đội của Việt Nam. Cao Việt Nam bất ngờ bị ngã khi vòng đua đầu tiên còn chưa đi được một nửa. Văng xa 50 mét, chấn thương nhẹ khiến tay đua sinh năm 1996 buộc phải chào Buriram trong sự tiếc nuối không chỉ của riêng Nam mà còn toàn đội và những người đang cổ vũ cậu ấy, trong đó có tôi.

Trong khi đó, Nguyễn Vũ Thanh dù rất cố gắng nhưng chỉ xếp thứ 13.  

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 6.

Nguyễn Vũ Thanh khá rụt rè trong lần đầu bước ra biển lớn.

"Tai nạn là điều không thể tránh khỏi trên đường đua tốc độ. Có những lúc mình nghĩ là sẽ ngã đấy mà lại lấy lại được tư thế hoặc có lúc không hiểu sao lại ngã", Thanh nói khi được hỏi về tai nạn của đàn anh.

Họ sẽ gạt đi những choáng ngợp ban đầu và những sai sót không mong muốn để hướng tới những chặng đua tiếp theo thuộc hệ thống ARRC 2018 và xa hơn thế.

Tham vọng còn đó, hẹn Úc vào tháng 4

Theo lịch được ban tổ chức công bố, giải đua mô tô châu Á (ARRC) 2018 sẽ còn 5 chặng, chặng tiếp theo diễn ra tại Úc (tháng 4), Nhật Bản (tháng 6), Ấn Độ (tháng 8), Indonesia (tháng 10) và quay lại Thái Lan (tháng 12).

Hai tay đua 9X Việt Nam trước “biển lớn” ARRC - Ảnh 7.

Quyết tâm và rèn luyện là điều mà cả Nam và Thanh sẽ phải bỏ ra nhiều hơn gấp nhiều lần đối thủ nếu muốn đạt được kỳ vọng của ban huấn luyện là top 15.

Nguyễn Vũ Thanh còn cách người đứng nhất tới hơn 3 giây. Đó là tay đua Md Helmi Azman của Malaysia bằng tuổi Thanh nhưng giải thưởng xếp đầy tủ: đứng thứ 4 ARRC 2017 hạng 150cc, đứng thứ 13 ARRC 2016 hạng 130cc, đứng thứ 2 giải đua mô tô Malaysia 2016,…

Còn với Cao Vũ Nam, đối thủ đứng vị trí cao nhất là Muklada Sarapuech của Thái Lan (sinh năm 1993). Đây là tay đua nữ hiếm hoi của giải đấu nhưng 9X này nhưng đã 3 lần tham gia ARRC với vị trí cao nhất là vô địch Dream Cup năm 2015.