Nếu như năm 2022, mỗi tháng thị trường tiêu thụ trên dưới 30.000 ô tô, thậm chí nhiều tháng đạt doanh số hơn 40.000 chiếc, thì trung bình mỗi tháng năm 2023 chỉ bán ra trên dưới 20.000 chiếc. Dù lệ phí trước bạ đã giảm được gần một tháng qua song sức mua xe vẫn lẹt đẹt.

Khách chần chừ "chốt đơn"

Khảo sát một vòng các đại lý ô tô ở khu vực TP Thủ Đức, quận 1, 5 và 10 (TP HCM), phóng viên nhận thấy lượng khách đến tìm hiểu, mua ô tô khá thưa thớt, thậm chí có nơi hoàn toàn vắng bóng khách.

Tại đại lý ô tô trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP HCM), chúng tôi ghi nhận chỉ có một khách đến nhờ nhân viên bán hàng tư vấn mua trả góp một mẫu xe đa dụng. Tuy nhiên, khi được giải thích nếu mua trả góp thì phải chịu lãi suất thả nổi khoảng 11%-12%/năm và không được hưởng ưu đãi giảm giá, tặng gói phụ kiện, khách hàng này quyết định chưa mua xe.

Giảm lệ phí trước bạ vẫn chưa đủ! - Ảnh 1.

Các đại lý ghi nhận doanh số tăng sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng nhưng không đáng kể

Theo ông Tăng Trí Hưng, phụ trách kinh doanh tại một đại lý ô tô ở quận 7 (TP HCM), tiêu thụ ô tô từ đầu năm đến nay khá chậm nên các hãng xe đã có chính sách ưu đãi 50%-100% lệ phí trước bạ cho khách.

Do đó, quyết định của Chính phủ về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1-7 không tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đối với thị trường. "Đa phần khách hàng chỉ tham khảo giá, mức ưu đãi, hỗ trợ chứ chưa quyết định mua xe lúc này" - ông Hưng nói.

Về phía hãng xe, không ít hãng trước đây gần như không có chính sách ưu đãi thì nay cũng phải vào cuộc nhằm lôi kéo khách hàng. Đơn cử, Ford ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho các mẫu Everest, Territory, Explorer và Ranger Wildtrak. Trong đó, 2 mẫu xe lắp ráp trong nước là Territory và Ranger Wildtrak còn được giảm thêm 50% lệ phí trước bạ theo quy định của Chính phủ, nâng mức hưởng ưu đãi lệ phí này lên 100%.

Tương tự, các mẫu xe nhập khẩu của Volvo, Volkswagen... cũng được ưu đãi 50%-100% lệ phí trước bạ, bên cạnh tặng gói bảo dưỡng, bảo hiểm. Nhiều mẫu xe được hưởng mức ưu đãi tương đương 300-400 triệu đồng tiền mặt nhưng khách hàng dường như vẫn thờ ơ.

Giảm lãi suất là điểm cốt lõi

Ông Lê Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn Ôtô Gia Định, nhìn nhận chính sách giảm lệ phí trước bạ của nhà nước cùng với chương trình ưu đãi riêng của hãng đã đẩy mức ưu đãi với từng mẫu xe lên khá cao. Từ đó thị trường cũng phần nào chịu tác động, giúp sức mua tăng. Dẫu vậy, thị trường vẫn chưa khởi sắc như kỳ vọng.

Để sức mua đi lên, ông Tuấn cho rằng cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước, chẳng hạn giảm tiếp lãi suất cho vay, bên cạnh việc các hãng xe tích cực đưa ra nhiều mẫu mới. "Điều quan trọng khiến sức mua ô tô trên thị trường còn ì ạch là do khách hàng còn tâm lý e dè khi mua sắm tài sản tiêu sản có giá trị lớn, chưa thật sự cần thiết" - ông Tuấn nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Ngân Hà, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ô tô Phương Nguyên, cho rằng cốt lõi để thúc đẩy thị trường ô tô hồi phục tốt hơn nữa là tháo gỡ bài toán lãi suất. Bà Ngân Hà phân tích: "Dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó, phần lớn khách mua xe chọn phương án trả góp qua ngân hàng nên nếu lãi suất cao thì sẽ không kích thích tiêu dùng".

Thạc sĩ Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, chỉ rõ tình hình kinh tế thế giới hiện chưa ổn định. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn có thể duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ - dù nhiều dự báo cho rằng Mỹ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, trong khi đồng yên Nhật đang mất giá. Diễn biến này ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thị trường tiêu thụ ô tô.

"Trong bối cảnh này, mọi giải pháp hỗ trợ thị trường đều mang tính tình thế. Về lâu dài, vẫn phải chờ tín hiệu tốt hơn nữa từ kinh tế thế giới. Ở trong nước, cần tiếp tục triển khai chính sách lãi suất ưu đãi dành cho vay mua xe với thời hạn trả góp dài, giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt..." - thạc sĩ Trần Anh Tùng góp ý.