Trên cánh tay anh Việt là chi chít những vết bỏng do các vụ cháy để lại. Anh nói anh cảm thấy mình may mắn vì khỏe mạnh và làm được điều anh muốn làm.
Chúng tôi gặp anh Phạm Quốc Việt - đội trưởng FAS Angel vào lúc 12 rưỡi đêm – khi anh vừa kết thúc ca trực mỗi ngày. Đấy là nếu may mắn không có vụ hỏa hoạn hay sự việc cấp bách nào xảy đến ngoài kia.
Không có áo choàng siêu nhân, không sở hữu gương mặt đẹp trai hay thân hình 6 múi, người ta vẫn gọi anh là người hùng thầm lặng. Người đàn ông chất chứa nhiều ưu tư sau thời khắc sinh tử cười khiêm tốn: “Đừng gọi tôi là anh hùng, vì các anh hùng thì không đội mũ bảo hiểm và đồ bảo hộ đâu”.
Uống chén trà đêm, anh phủi lại những vết lấm lem trên quần áo khi vừa hỗ trợ một ca bị thương nặng. Anh nói, cuộc sống của anh 4 năm nay gắn liền với “mấy cái vệt”: vệt máu, vệt ố bẩn và cả vệt mồ hôi, nước mắt khi người ta nhận ra sự mất mát nằm trên sợi chỉ mỏng manh giữa sự sống và cái chết.
Mắt có chút thâm quầng, anh Việt kể: “Tôi làm nhiều nghề lắm. Trước ở Tuyên Quang tôi làm xe ôm, sửa xe, ai thuê làm MC đám cưới, sự kiện gì tôi cũng nhận vì có chút năng khiếu. Đầu tháng 11/2016 đang trên đường đi làm về thì tôi bị tai nạn. Hôm đó thời tiết mưa lại tối muộn vắng người qua lại. Tôi đau đớn nằm đó mà không một ai dừng lại. Tôi hận thù lắm, trách họ tại sao lại thờ ơ như thế, thậm chí tôi còn vơ đũa cả nắm rằng loài người vô cảm.
Tôi nhắm mắt lại, toàn thân không thể nhúc nhích. Khoảng thời gian đó rất dài, cảm giác đủ để mọi diễn biến tâm lý nó cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Rồi tôi chợt nghĩ, rốt cuộc những người đang mặc kệ tôi nằm đây họ sợ điều gì, sợ bị liên lụy, sợ bị đổ oan, sợ không có kỹ năng giúp mình? Tôi không còn trách họ nữa, tôi dùng hết sức lực cố giơ một tay lên để họ biết tôi còn sống, tôi cần sự giúp đỡ. Cuối cùng cũng có người đến hỏi tôi: ‘Em phải làm gì để giúp anh?’. Sau này tôi thấy đây là câu hỏi rất cần thiết khi chúng ta muốn giúp ai đó hoặc muốn cầu cứu sự hỗ trợ từ ai đó”.
Anh Việt sau đó được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, chấn thương sọ não kèm đa chấn thương khắp cơ thể. Tỉnh lại sau một tuần hôn mê, việc đầu tiên anh làm là… đi thăm người đã tông xe vào anh. Điều anh không ngờ là trong chính bản thân mình đã có sự chuyển mình rõ nét.
Anh trải nghiệm cảm giác là nạn nhân, cảm giác bị bỏ rơi, rồi đến giây phút thay đổi suy nghĩ của một người từ trách móc sang tìm cách tự cứu mình. Làm sao để thay đổi nỗi sợ hãi trong lòng người bị nạn, người muốn cứu người bị nạn? Đó là thứ khiến anh Việt trăn trở, kể từ khi anh thoát khỏi vòng tay Tử thần.
Sau tai nạn, sức khỏe anh Việt không còn được như trước. Anh sợ tiếng ồn, bác sĩ nói cần nghỉ ngơi nên anh không còn làm được các công việc cũ. Tháng 4/2017, công việc bấp bênh, biến cố gia đình ập tới, sức khỏe thì không còn được như trước khiến anh mệt mỏi. “Nhưng Tử Thần mình còn ‘chiến đấu’ được thì hà cớ gì lại gục ngã trước sóng gió cuộc đời!”, anh Việt nghĩ.
Vậy là người đàn ông ấy vay bạn 200 nghìn để lên Hà Nội lập nghiệp. Thậm chí ngày anh đi còn dặn dò bạn: “Không biết chuyến này thế nào vì tao mất hết rồi”. Câu nói chua chát nhưng không hề bất lực. Anh cũng không để cuộc đời mình là 1 canh bạc, anh Việt lập kế hoạch cho cuộc sống mới ngay trong tuần đầu tiên lên Hà Nội.
Mượn “đồ nghề” của bạn, cùng với 1 triệu kiếm được từ việc chạy xe ôm công nghệ, anh Việt thuê phòng trọ ở Tả Thanh Oai. Nhìn căn phòng ọp ẹp chỉ một chiếc chăn mỏng, một chiếc gối nhưng lòng anh vẫn phơi phới một niềm tin. Ngày tháng cứ thế trôi qua, anh chạy xe ôm, có thời gian rảnh lại đi cứu người hoặc cả trong cuốc xe, chỉ cần gặp trường hợp nặng anh sẽ ưu tiên việc cứu người trên hết.
Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi, nhưng người đàn ông mang nhiều ưu tư này không muốn sống mãi như vậy. Để làm được nhiều việc mình muốn đương nhiên cần nhiều tiền hơn - anh Việt nghĩ. Cùng năm đó, anh Việt mạnh dạn xin ông chủ phòng trà ở phố Thái Hà cho anh thử hát 2 bài, nếu khán giả thích thì ông nhận anh làm việc tại đây.
Tay cầm mic, anh như gửi gắm tất cả những đau thắt, uất nghẹn suốt mấy năm vào 2 bản tình ca “tủ”, để rồi khi câu cuối ngân lên, người nghe tĩnh lặng, họ không thốt thành lời. “Đã lâu mới thấy có người hát bằng cảm xúc chứ không phải kỹ thuật”, ông chủ phòng trà nói với anh. Và anh có công việc mới.
Có thêm thu nhập, anh Việt như được tiếp thêm sức mạnh, đau đáu ý định năm nào, anh muốn thành lập 1 một đội hỗ trợ sơ cứu ngoại viện, một mô hình mới chưa được áp dụng ở Việt Nam.
Anh Việt là người đầu tiên áp dụng mô hình sơ cấp cứu ngoại viện hoạt động ở Việt Nam, không phải vì mưu cầu cá nhân hay vì sự nổi tiếng mà vì anh mong kiến thức sơ cấp cứu mình được học từ gia đình có truyền thống ngành y, từ các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước sẽ được phổ cập tới càng nhiều người càng tốt. Với những kỹ năng sinh tồn được trang bị từ trước, bất cứ ai cũng có thể thực hiện để nếu không may rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo có thể tự cứu lấy mình trước tiên.
“Tôi làm thêm truyền thông cho 1 dự án về ẩm thực Việt. Hôm ấy tôi là người trình bày kế hoạch nhưng lại đến muộn vì hỗ trợ một ca rất nặng. Đối tác người nước ngoài vô cùng tức giận, họ không nghe tôi trình bày, cũng không nhìn đến vết máu loang trên chiếc sơ mi tôi mặc”, anh Việt kể về câu chuyện khiến anh thay đổi tư duy.
Chẳng lẽ chúng ta cứ đứng im để nhìn niềm tin của con người với con người mất dần? Làm thế nào xây dựng được niềm tin giữa cộng đồng với cộng đồng trong thời điểm hiện tại? Đó là thứ nung nấu trong đầu anh Việt.
Những ngày tháng đầu thành tập đội FAS Angel (9/2019) chỉ có vài thành viên – những người anh em thân thiết của anh Việt, những người cùng chung chí hướng. Họ làm đủ mọi nghề nhưng cứ có thời gian là lao ra đường giúp người với vốn kỹ năng sơ cứu mà mình có. Họ không ngại đi học các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu cho sơ cứu. Họ cũng không sợ bị đánh (đang cứu bị đánh, đứng xem tình hình trước cũng bị đánh - PV). Họ còn đùa nhau, món họ được ăn nhiều lúc bấy giờ là “ăn đòn”, nhưng không sao, họ chỉ tập trung vào người bị nạn với tôn chỉ: Không bỏ rơi ai cả.
Đội đã thiết lập "5 không" là nguyên tắc hoạt động của mình: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không phân biệt, Không tranh cãi và Không kết án. Đây là cam kết mà tất cả các thành viên của đội đã thống nhất và tuân thủ một cách thống nhất và chặt chẽ.
“Tôi luôn nói với các tình nguyện viên của mình rằng cứu người không phải là một trò đùa, nên các bạn phải học về các kỹ thuật - kỹ năng sơ cứu thật tốt, nếu không, chuyện từ một ‘thiên thần’ trở thành ‘tội đồ’ là hoàn toàn có thể xảy đến. Vì thế nên mỗi khi không có ca hỗ trợ, các điểm trực của FAS Angel trở thành một lớp học nhỏ, nơi chúng tôi cùng nhau tập luyện các kỹ năng hỗ trợ cần thiết”, anh Việt chia sẻ.
Anh Việt chia sẻ: “Không thu phí chưa phải ý nghĩa của hành động chúng tôi đang làm. Mục đích nhân văn là ‘Không bỏ rơi ai cả’ – ngắn gọn dễ hiểu mà tôi luôn lặp đi lặp lại với các anh em cũng như với nạn nhân. Nó như 1 câu ‘thần chú 2 chiều’, người cứu hộ tự nhắc mình không bỏ rơi ai cả còn người bị nạn vì nghĩ mình sẽ không bị bỏ rơi mà nỗ lực sống, nỗ lực vượt qua”.
Người sẵn sàng lao ra “chiến tuyến”, người chấp nhận đứng sau làm hậu phương. Họ có hy sinh không? – “Chúng tôi không hy sinh, chúng tôi chỉ đang làm việc mình cần làm cho cho cuộc đời này tốt đẹp hơn”, anh Việt trả lời.
Anh Việt cho rằng người ta chỉ dùng từ hy sinh khi người ta dốc hết sức mà không nhận lại được sự hồi đáp. Còn anh, anh cảm thấy vui và hạnh phúc vì những thứ anh đang làm, điều anh đang cống hiến. Anh cũng luôn tự hào vì mình là người tiên phong khi thành lập đội cứu hộ chuyên nghiệp, cho đến nay đã giúp đỡ được hàng chục nghìn người.
“Làm từ thiện cũng là cái nghề”, “Điên mới đi giúp người không công”, “Chả ai đi lao vào chỗ nguy hiểm để tìm đến cái chết cả”… đó là những câu mà anh Việt và đồng đội thi thoảng phải nghe. Nhưng họ không chạnh lòng vì họ làm bằng cái tâm, bằng “sự tính toán” cẩn trọng để giữ thêm 1 người ở lại với cuộc đời này.
Từng tham gia rất nhiều vụ cứu nạn, cứu thành công gần 300 người nhưng vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ mới đây để cho anh thật nhiều cảm xúc.
“Con người chưa gặp nạn bao giờ thì sợ nhất là cô đơn, bị người yêu đá hoặc rất nhiều lý do khác nhưng tất cả đều không phải điều đáng sợ nhất. Con người sợ nhất là bị bỏ rơi khi gặp nạn.
Đến hiện trường, với những người có thể cứu được tôi thường nói: ‘Anh/chị không sao cả, tôi sẽ giúp mọi người’. Khi hướng dẫn họ, tôi luôn nói: ‘Hãy đi đi, dưới đó có người đón bạn, dưới đó là sự sống’. Đám cháy mới đây cũng thế, nhưng câu nói phải lặp lại nhiều nhất là: ‘Hãy bỏ tay nhau ra đi, tôi sẽ đưa từng người xuống’”.
Và việc tách 2 bàn tay đang nắm chặt nhau dường như rất khó khăn. Đối mặt với ranh giới sống – chết mong manh hơn sợi chỉ, họ chỉ muốn được chết trong vòng tay người mình thương.
Qua vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ mới đây, anh Việt nhận thấy FAS Angel đã hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả cho lực lượng chức năng cũng như người dân bị nạn. Vì vậy anh lập ra nhóm tình nguyện viên nòng cốt, hỗ trợ chuyên nghiệp cho những sự vụ tương tự.
“Vừa rồi chúng tôi đã phối hợp với cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an quận diễn tập PCCC cấp quận và được đánh giá cao hoạt động hiệu quả. Đây là điều tôi rất tâm đắc, là quyết định kịp thời và cần thiết”, anh Việt cho biết.
Ngoài công việc cứu hộ, FAS Angel còn tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sơ cứu cho các đơn vị, cơ quan, trường học.
Tâm sự với chúng tôi, anh Việt nói hỗ trợ được cộng đồng mới là bước đầu, làm sao để hỗ trợ được dài lâu và bền bỉ mà phải giảm thiểu việc xin - cho, quyên góp là vấn đề còn khó hơn. Trạm sửa xe máy là giải pháp được anh Việt đưa ra. Tại đây, doanh thu từ sửa xe được cho vào quỹ để duy trì đội. Anh Việt cũng dạy nghề cho các thành viên chưa có công ăn việc làm ổn định để họ có thêm thu nhập, yên tâm cống hiến được nhiều hơn cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, từ những kiến thức được đào tạo, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước, anh Việt tổ chức các buổi chia sẻ, đào tạo các kỹ năng sơ cứu. Các “lớp học” này hoàn toàn miễn phí đối với người dân, trẻ em vùng sâu, vùng xa, những nơi có hoàn cảnh khó khăn… và thu phí đối với các cơ quan, tổ chức có nhu cầu đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên.
Với những cống hiến cho cộng đồng, anh Phạm Quốc Việt và FAS Angel đã vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng như: Giải B chương trình sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV, vinh danh Vì một Việt Nam tử tế, vinh danh Người tốt việc tốt…
Trên cánh tay anh Việt là chi chít những vết bỏng do các vụ cháy để lại. Anh nói anh cảm thấy mình may mắn vì khỏe mạnh và làm được điều anh muốn làm. Anh nói về tình yêu. Và chúng tôi thấy người hùng trong lòng nhiều người vẫn chỉ là một “anh người yêu” bình thường của một cô gái bé nhỏ – cô gái đồng hành và hiểu cho lý tưởng của anh suốt 4 năm qua.
“I wanna go home, I got to go home, let me go home…”, đó là giai điệu quen thuộc trong bài hát Home mà anh Việt luôn nghe như 1 thói quen sau ca trực. “Tôi muốn về nhà, tôi phải về nhà”, mong muốn tưởng chừng như nhỏ bé này đôi khi là thử thách với anh Việt và đồng đội, bởi song hành với việc cứu người, nguy hiểm luôn cận kề họ. Lời bài hát như thể hiện sự mong muốn, nhắc nhở và “cam kết” anh chắc chắn về với người anh yêu, về với bình yên ấm áp ở nơi gọi là nhà.
“Tôi không thể nói với cô ấy bằng lời là anh muốn về nhà với em nhưng tôi là linh hồn của FAS. Đúng hôm tôi nghỉ nhưng chẳng may có 1 ca nặng mà xe tôi không có ở đó thì lỡ mất thời gian vàng để cứu sống họ thì tôi sẽ như nào.
Chúng tôi từng tranh cãi. Cô ấy nói tôi đi biền biệt cả tuần, ‘Em ngủ anh mới về’. Nhưng tôi trả lời: ‘Anh làm công việc này trước em, anh không thể bỏ rơi người bị nạn để ở nhà với em’. Tôi không biết có phải sứ mệnh của mình không nhưng sau thời gian ăn tối tôi muốn lái xe lên điểm trực. Như vụ cháy mới đây, nếu hôm ấy không ở đó tôi sẽ rất nuối tiếc”.
Từng là người gặp nạn, từng chịu bao biến cố, anh Việt hiểu hết những mất mát, đau đớn nhất. Nhưng anh luôn sống thật với cảm xúc của mình. Anh đang lãnh đạo cả trăm người, ra ngoài người ta gọi anh là người hùng, thiên thần áo cam nhưng anh cũng là 1 người đàn ông bình thường, cũng có lúc yếu lòng muốn dựa vào người con gái anh yêu.
“Khi tôi cố cứu 1 ai đó nhưng họ không qua khỏi, người thân gào khóc, tôi chạnh lòng lắm, chỉ muốn về nhà kỳ thật sạch, lên nói với cô ấy tôi vừa không cứu được 1 người”.
Kể về người con gái ấy, anh chỉ biết rằng đó là cô gái sẵn sàng xách bộ đồ sơ cứu ra đường tiếp ứng cho anh lao vào hiểm nguy lúc 1h sáng. Đó là cô gái không bao giờ đòi hỏi anh đưa đi hẹn hò, không bao giờ nũng nịu hoặc bắt anh bỏ công việc này. Cô ấy đồng hành với anh bằng thời gian anh thành lập FAS Angel – cùng anh vui, cùng anh cười, cùng anh khóc. Chỉ có cô ấy mới nhìn thấy phút yếu đuối nhất của “người hùng không áo choàng”.
Là đội trưởng lãnh đạo 150 người cùng rất nhiều tình nguyện viên ở Hà Nội, Mai Châu, Mộc Châu, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Nghệ An… nhưng bạn gái anh Việt tiết lộ anh chính là “chú mèo ngoan” khi trở về nhà.
Anh Việt có sở thích sưu tầm tất cả các kỉ vật mà người gặp nạn tặng anh sau khi họ qua khỏi. Anh kể: “Có lần tôi cứu 1 bé 7 tuổi bị mắc kẹt. Trên đường đi cấp cứu bé làm rơi con gấu bông. Tôi đã quay trở lại bệnh viện để trả cho bé thì mấy ngày sau bé lại mang đến tặng tôi với lý do: ‘Con muốn bạn ấy được đồng hành cùng các cô chú trong đội’. Đó là món quà khiến tôi rất xúc động”.
Không chỉ riêng anh Việt mà mỗi người trong đội anh đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung, cuộc sống đều không dễ dàng gì với họ. Họ rất khó khăn nhưng vẫn dùng tấm lòng mình giúp người bằng cả cái tâm.
Anh đề cập đến 1 thành viên trong ban Hậu cần mà anh rất trân trọng: “Bạn Nguyễn Lệ Giang rất hoàn cảnh. Đang làm kế toán nhưng chồng gặp tai nạn hỏng 1 bên mắt mất sức lao động 50% nên bạn ấy nghỉ việc về chạy xe ôm công nghệ. Nuôi 2 con nhỏ lại gánh nặng kinh tế nhưng bạn Giang vẫn sẵn lòng cùng đội từ năm 2019. Bạn ấy là động lực lớn nhất của tôi trong FAS Angel”.
Anh Việt cho biết có rất nhiều bác sĩ trẻ họ có khả năng, thời gian để làm thêm kiếm tiền nhưng họ chọn vào đội để cứu người. Anh rất trân trọng tấm lòng của các thành viên mà anh gọi là anh em chí cốt của anh trong 4 năm qua.
Mới đây, anh Phạm Quốc Việt và FAS Angel đã ghi tên mình vào danh sách tham gia Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize, thuộc hạng mục Dự án - Hạng mục vinh danh những dự án cộng đồng, CSR hoặc Phát triển bền vững có những sáng kiến đột phá, tạo được tác động sâu rộng, bền vững hoặc giải quyết được những vấn đề cấp thiết của xã hội.
Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize là Giải thưởng thường niên tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những dự án xã hội uy tín, tận tụy và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp như Ngân hàng quân đội MBBank; Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines; Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake… trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện; Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.