Tương tự chính sách VinFast đang hưởng lợi ở Mỹ

Trong báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) gửi lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, một loạt cơ chế ưu đãi cho liên quan đến ô tô điện đã được đề xuất. Khung chính sách hỗ trợ được đề xuất nhắc đến nhiều đối tượng, bao gồm: Ô tô điện; người hoặc doanh nghiệp sử dụng ô tô điện; nhà sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu; các đơn vị bảo dưỡng ô tô điện; đơn vị sản xuất pin ô tô điện; và cơ sở hạ tầng phục vụ ô tô điện.

Đề xuất người mua ô tô điện ở Việt Nam được giảm chi 1.000 USD: Những nước nào đang trợ giá? - Ảnh 1.

BMW i4 là một trong những mẫu xe điện mới mở bán tại Việt Nam. Ảnh: BMW

Bộ GTVT kiến nghị đưa 3 loại ô tô điện vào diện được hỗ trợ và ưu đãi phát triển, gồm: Xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu, và xe ô tô năng lượng mặt trời.

Hiện tại, theo Bộ GTVT thì chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào dòng ô tô điện chạy pin; hỗ trợ nằm ở thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.

Với riêng ô tô điện sản xuất hoặc lắp ráp trong nước - đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng, Bộ cũng kiến nghị bổ sung các chính sách ưu tiên trong các luật liên quan. Với ô tô điện nhập khẩu, Bộ cũng đề xuất tạo cơ chế ưu đãi thuế.

Một điều Bộ GTVT cũng nhắc đến là xây dựng và ban hành các quy định nâng cao tiêu chuẩn khí thải và giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đề xuất người mua ô tô điện ở Việt Nam được giảm chi 1.000 USD: Những nước nào đang trợ giá? - Ảnh 2.

Bộ GTVT đề xuất trợ giá trực tiếp khi mua ô tô điện. Ảnh: Minh Đức

Đối với người tiêu dùng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với ô tô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện. Bên cạnh đó cũng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công.

Đối với lệ phí trước bạ, Bộ GTVT đề xuất miễn lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022; trong 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2027), lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi; miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện trong 2 năm tiếp theo.

Thêm vào đó, để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện, Bộ GTVT đề xuất hỗ trợ cho người dân một khoản tiền khi mua ô tô điện khoảng 1.000 USD mỗi xe (tương đương gần 24 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).

Đề xuất người mua ô tô điện ở Việt Nam được giảm chi 1.000 USD: Những nước nào đang trợ giá? - Ảnh 3.

Hyundai IONIQ 5 là mẫu xe điện được lắp ráp tại Việt Nam. Ảnh: THACO

Trong số những đề xuất trên, khoản hỗ trợ trực tiếp vào giá xe khi người dân mua ô tô điện được xem là giải pháp mang tới hiệu quả dễ thấy nhất. Khoản hỗ trợ này được cho là sẽ giúp cân bằng chênh lệch giá giữa những mẫu xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong. Trên thực tế, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới cũng đang áp dụng cách thức này để thúc đẩy điện hóa giao thông.

Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho xe điện, hiện nay là quốc gia hàng đầu thế giới về tỷ lệ doanh số xe điện trên tổng doanh số xe. Trong tháng 6/2023, doanh số xe thuần điện và xe lai điện sạc ngoài (PHEV) chiếm tới 90,9% tổng doanh số. Yếu tố chính giải thích cho tỷ lệ chuyển đổi cao này là chính sách trợ giá khi mua xe điện.

Tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chính phủ nước này đã áp dụng chính sách trợ giá nhiều năm nay. Dù chính sách hỗ trợ áp dụng lâu nay đã dừng từ cuối năm 2022, nhưng các chính sách tương tự đang được triển khai, cũng nhằm thúc đẩy điện hóa giao thông tại quốc gia tỷ dân này.

Tương tự, Mỹ cũng có chính sách trợ giá. Ngoài khoản hỗ trợ của chính phủ với các xe đạt tiêu chuẩn, nhiều bang tại Mỹ cũng có chính sách tương tự. Như tại bang California (nơi chiếm khoảng 40% lượt đăng ký xe điện toàn nước Mỹ), bang này hỗ trợ khoản hoàn thuế nhiều nghìn đô la cho người dân khi thuê hoặc mua xe điện; đó cũng là chính sách mà VinFast đang được hưởng lợi, giúp tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hệ thống trạm sạc có cơ hội phủ rộng nhanh hơn?

Trong số những đề xuất như đã nêu, Bộ cũng đề xuất bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô điện và sản xuất pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; ưu đãi đầu tư với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện và pin xe điện; miễn giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền và nhập khẩu tổng thành, linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin ô tô điện.

Đề xuất người mua ô tô điện ở Việt Nam được giảm chi 1.000 USD: Những nước nào đang trợ giá? - Ảnh 4.

EBOOST là một trong các đơn vị tham gia làm trạm sạc công cộng tại Việt Nam.

Đối với hạ tầng trạm sạc phục vụ ô tô điện, Bộ GTVT đề xuất ban hành Quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc mà phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc trên thế giới; quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo.

Bộ cũng kiến nghị cho phép xây dựng trạm sạc công cộng tại các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc; nghiên cứu miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc, và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc công cộng.

Đề xuất khác của Bộ GTVT cũng nhằm phát triển trạm sạc là ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay để sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện nhằm xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc công cộng; ưu đãi tiền tiền thuê đất; hỗ trợ tiếp cận quỹ; miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo; ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.