Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi 1.700 đồng/lít?

Vừa qua, liên bộ Tài Chính – Công Thương đã có động thái giảm giá xăng lần thứ 2 liên tiếp, lần này xăng giảm… 600 đồng/lít. AutoPro đã có một cuộc phỏng vấn nhanh người dân về lần giảm giá này. Anh Anh Vũ, lập trình viên FPT, cho biết: “Giá xăng dạo này cứ tăng giảm thất thường, tăng thì nhiều, giảm mấy, tôi cũng nản, biết thế thôi chứ không quan tâm nhiều nữa”. Chị P. T. Lan, nhân viên Kho bạc Nhà Nước, có vẻ quan tâm hơn: “Giá xăng tăng, mặt hàng nào cũng tăng giá, mua bán gì cũng đắt đỏ. Còn giảm giá thì chẳng thấy thay đổi gì”. Hầu hết người đân đều phản ánh thắc mắc về việc giá xăng dầu luôn tăng nhiều hơn giảm, cụ thể từ đầu năm có 2 lần tăng giá (một lần vào tháng 3, một lần tháng 4) lên 3.000đ/lít trong khi tổng 2 đợt giảm giá vừa qua mới chỉ được 1.100 đồng/lít. Căn cứ vào giá xăng dầu thế giới hiện nay thì các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi 1.700 đ/lít. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, ông Vương Đình Huệ, có trả lời với báo chí: Tính giá như vậy không sai nếu tính giá trong một ngày, cách tính giá của cơ quan điều hành phải tính trung bình 30 ngày. Hơn nữa, giá bán từng ngày trên thị trường thế giới thông báo nhưng không có nghĩa các công ty kinh doanh xăng dầu của Việt Nam có nguồn xăng đó để bán ngay mà phải dự trữ, lưu thông trước đó rất lâu.
 
Tuy nhiên câu trả lời chưa được rõ ràng, bởi vì: “trước đó rất lâu” vậy lâu là bao lâu? Thời điểm xăng thế giới cao hay thấp mới có thể biết được thực tế giá xăng hiện nay bán tại nước ta là cao hay bằng với giá thế giới.
 
img
Đổ xăng thì vẫn phải đổ, nhưng người dân không còn quá quan tâm đến lần giảm giá xăng lần này.
 
Giảm giá xăng nhỏ giọt, doanh nghiệp vận tải vẫn… thất thu

Tác động của việc tăng giá xăng từ đầu năm đến nền kinh tế là rất lớn. Lấy ví dụ từ nghành vận tải, chi phí đầu vào cao, vắng khách khiến cho xe phải bỏ bến, giảm lượng xe cho đến việc giải thể doanh nghiệp. Qua 2 lần điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm, “các doanh nghiệp vận tải mới chỉ tăng cước một lần, thời điểm xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít, còn lần tăng thêm 900 đồng/lít các doanh nghiệp không tăng cước mà cố chịu đựng”, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam, đánh giá: “Dù đã có 2 lần giảm giá xăng dầu trong tháng 5 nhưng mức giảm còn rất hạn chế, chưa có tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất cũng như vận tải so với mức tăng giá hồi đầu năm”.

Vì vậy, nếu xăng chỉ giảm giá nhỏ giọt như hiện nay, việc xuống cước vận tải là điều không thể. Cước vận tải tăng cao kéo theo hầu hết những mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao, hết tháng 4 vẫn hơn 10%. CPI có dấu hiệu chậm lại nhưng cũng tăng gần 3%.
 
img
Các doanh nghiệp vận tải hiện đang khó khăn, tình trạng bỏ bến, giảm chuyến khá nhiều.

Cần đến những giải pháp tổng thể, lâu dài

Có thể thấy, việc giảm giá xăng 2 lần liên tiếp của Nhà Nước chỉ như biện pháp mang tính xoa dịu chứ hầu như chưa có tác động đến nền kinh tế vĩ mô.
Trước nay thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn loay hoay trong vòng độc quyền của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 55% thị trường. Tại những đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thị phần của Petrolimex cũng chiếm hơn 40%, nhưng ở nhiều vùng xa thì doanh nghiệp này có nơi lên đến 100%. Có thể thấy Petrolimex như đại cổ đông lớn có quyền quyết mọi yêu cầu về xăng dầu. Đến khi giá xăng dầu thế giới tăng, Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính tăng giá, giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp này than lỗ.
 
img
Người dân đang cần một sự minh bạch trong giá xăng dầu.
 
Cuộc chơi về giá đã đến lúc cần cân bằng lại, Nhà Nước không chỉ làm nhiệm vụ điều hòa thuế và bù lỗ theo Petrolimex. Giải pháp tổng thể nằm ở chỗ cố định thị trường của Petrolimex ở mức dưới 50% bằng các rào cản hành chính để đảm bảo an ninh năng lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ tăng dần thị phần. Cơ chế này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tiến tới giảm giá thành. Lúc đó, Petrolimex nghiêng về làm một doanh nghiệp công ích nhiều hơn là một đơn vị kinh doanh, hoạt động vì đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khi thành công với mô hình này, xăng thế giới và Việt Nam sẽ có cùng mức giá, lên xuống cùng lúc, theo sát giá thị trường, Nhà nước cũng không bị thất thu thuế từ xăng. Quan trọng hơn, tránh được sự hoài nghi của người dân về việc “lập lờ đánh lận con đen” của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay.