Mới đây, các chuyên gia tại Autostat - công ty kinh doanh và tư vấn xe lớn tại Nga - đã thông báo kết quả nghiên cứu thị trường. 

Kết quả nghiên cứu của Autostat cho thấy nhiều điều thú vị về thị trường xe tại quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này. Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, nhiều hãng xe đã rời bỏ thị trường, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất nội địa và Trung Quốc phát triển.

HƠN 60 HÃNG XE TRUNG QUỐC ĐỔ BỘ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Autostat, đã có tới 19 hãng xe Trung Quốc chính thức gia nhập thị trường Nga trong năm nay. Các hãng xe này là: BAIC, Haima, Hongqi, Jetour, Kaiyi, Livan, Jetta, SWM, TANK, JAECOO, ORA, Wey, AITO, Forthing, Lixiang, Rising, Venucia, Voyah, Skywell. Một vài hãng xe trong số này cũng đang và sắp kinh doanh tại Việt Nam như BAIC, Haima, Hongqi hay Jaecoo.

'Cứ điểm' xe Trung Quốc ở quốc gia lớn nhất thế giới: Gần 60 hãng đã tới, bán được 1,1 triệu chiếc - Ảnh 1.

Các hãng xe được nêu tên ở trên là các thương hiệu đã chính thức giới thiệu xe, công bố kế hoạch bán xe, mở đại lý hoặc có đại lý nhượng quyền, và có trung tâm dịch vụ. Nếu tính toàn bộ các hãng xe đã chính thức xuất hiện tại Nga thì con số đã lên tới 35.

Tuy nhiên, nếu tính cả những thương hiệu có xe bán tại Nga nhưng chưa chính thức gia nhập thị trường thì con số lên tới gần 60. Một vài hãng chưa chính thức gia nhập nhưng có xe bán tại Nga có thể nêu như Zeekr, Avatr, BYD hay Xpeng.

Trong năm 2023, các thương hiệu xe Trung Quốc chính thức kinh doanh tại Nga đã giới thiệu gần 100 mẫu xe. Nếu tính thêm các mẫu xe nhập khẩu tư nhân thì con số có thể vượt 100. Tất nhiên, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng khi vẫn còn nhiều các hãng xe Trung Quốc khác muốn tới kinh doanh tại Nga.

'Cứ điểm' xe Trung Quốc ở quốc gia lớn nhất thế giới: Gần 60 hãng đã tới, bán được 1,1 triệu chiếc - Ảnh 2.

Bên cạnh thiết kế, màu sắc của xe cũng có thể cho thấy gu của khách hàng Nga. Theo Giám đốc Truyền thông Andrey Kamensky của Avilon AG, các màu cơ bản như trắng, đen, xanh dương và xám là những màu thường xuyên được người dân Nga lựa chọn. Màu bạc và xanh biển đậm cũng được nêu tên tới vì các màu này cũng tương đối cơ bản, phổ biến và không quá nổi bật.

Tuy nhiên, lựa chọn về màu sắc của khách hàng cũng khác nhau giữa các thương hiệu. 

Ông Andrey Kamensky cho biết: "Trong số các khách hàng đã mua xe của Haval, cùng với màu đen và xám thì đỏ và xanh dương cũng rất phổ biến. Đỏ cũng là màu sắc thường được khách hàng Chery lựa chọn".

'Cứ điểm' xe Trung Quốc ở quốc gia lớn nhất thế giới: Gần 60 hãng đã tới, bán được 1,1 triệu chiếc - Ảnh 3.

CỨ 100 XE BÁN RA THÌ CÓ HƠN 2 XE TỪ TRUNG QUỐC

Nghiên cứu của Autostat cũng chỉ ra nguồn gốc và số lượng xe đang tham gia giao thông tại Nga. Tính đến hết tháng 6 của năm nay, tại Nga đang có khoảng 45,7 triệu chiếc ô tô đủ điều kiện vận hành trên đường công cộng. 

Trong số này, các chuyên gia Autostat cho biết rằng có đến 15,4 triệu chiếc do các hãng xe nội địa Nga sản xuất. Xe nội địa Nga chiếm khoảng 33,7% thị phần.

Theo sau xe nội địa Nga là xe từ Nhật Bản, với 10,6 triệu chiếc và 23,2% thị phần. Đứng ở vị trí thứ 3 là các thương hiệu của châu Âu, với 9,3 triệu chiếc và có 20,4% thị phần. Các mẫu xe từ Hàn Quốc cũng khá được ưa chuộng tại Nga khi đã có tới 6,1 triệu chiếc được đăng ký, tức chiếm 13,3%. 

Các mẫu xe tại Mỹ xếp thứ 5 với 3,2 triệu chiếc - chiếm 7%, và đứng sau là các xe của Trung Quốc, với 1,1 triệu chiếc và chiếm 2,4% thị phần.

'Cứ điểm' xe Trung Quốc ở quốc gia lớn nhất thế giới: Gần 60 hãng đã tới, bán được 1,1 triệu chiếc - Ảnh 4.

Có thể thấy rằng dù các nhà sản xuất của Nga đã gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục phát triển sau khi xung đột với Ukraine xảy ra, người dân nước này không tỏ ra ngần ngại ủng hộ các xe nội địa. Số liệu của Autostat cũng cho biết rằng Bắc Caucasus là mà xe Nga chiếm ưu thế nhất, khi có thị phần lên tới 59,4%.

Số lượng xe của Trung Quốc được đăng ký xếp hạng cuối tại Nga, nhưng 1,1 triệu chiếc không phải là một con số khiêm tốn. Các nhà sản xuất xe của Trung Quốc đang gặp khó khăn tại thị trường nội địa khi năng lực sản xuất ngày một lên cao mà sức mua chững lại, khiến cho việc xuất khẩu xe là một điều tất yếu. 

Số lượng xe mà các hãng Trung Quốc bán ra nước ngoài nhiều tới nỗi đang cạnh tranh vị trí nhà xuất khẩu xe số 1 - vốn thuộc về Nhật Bản.