Cũng giống như bao nghề nghiệp khác, nghề thợ máy không chỉ đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật mang tính lý thuyết mà còn yêu cầu cao về kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Việc rèn luyện tay nghề, nâng cao kiến thức mỗi ngày giúp người thợ máy cập nhật kịp các cải tiến về công nghệ, kỹ thuật và “bắt bệnh” xe chuẩn xác và nhanh hơn. Cứ thế, trải qua nhiều năm làm việc, bản thân mỗi người thợ sẽ tích lũy cho mình những “bí kíp” riêng giúp họ “lên tay”, trở thành một người thợ lành nghề và được khách hàng tin tưởng.

Chính vì cho rằng kinh nghiệm là “vốn liếng”, “cần câu cơm” của riêng mỗi người, mới đây, trên trang facebook Castrol, một bộ phận anh em thợ máy lâu năm trong nghề thể hiện rõ quan điểm: “bí kíp” là của riêng, chia sẻ là sẽ mất. Họ muốn làm nghề một mình, không muốn nhận thợ học việc, chia sẻ “bí kíp” rộng rãi trong cộng đồng thợ máy lại càng không.

Cộng đồng thợ máy Việt tranh luận chuyện truyền nghề - Ảnh 1.

Tranh luận về câu chuyện nên truyền nghề hay không làm “dậy sóng” cộng đồng thợ máy Việt Nam.

Cho rằng mỗi người thợ máy cần “tự thân vận động”, thợ máy có nickname TTT đã có những chia sẻ khá quyết liệt về chuyện truyền hay không truyền “bí kíp” nghề. “Để theo được nghề này cần sự chăm chỉ, cẩn thận. Lúc mới vào nghề, cá nhân tôi đã tự thân mày mò, học hỏi từ chính những vấn đề cần xử lý mà không có ai hỗ trợ. Công bằng mà nói, kiến thức từ trải nghiệm bản thân mới là kiến thức dễ học nhất, là “bí kíp” riêng của mình vậy tại sao phải đi chia sẻ, truyền dạy cho người khác?”, anh TTT cho hay.

Là thợ máy có nhiều kinh nghiệm trong nghề, anh thợ HN nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chính của một người thợ máy là sửa xe chứ không phải dạy nghề. Chuyện truyền nghề nên hay không là tùy vào suy nghĩ mỗi người. Cá nhân tôi muốn giữ “bí kíp” nghề cho riêng mình vì đó là kinh nghiệm tôi tự mày mò ra, không thể chỉ cho ai được”.

Trong khi đó, đa số các thợ máy bày tỏ quan điểm sẵn sàng truyền nghề cho lớp thợ trẻ và xem đây là cách trau dồi, học hỏi lẫn nhau. Thợ máy có nickname QA chia sẻ: “Mình nghĩ cộng đồng thợ máy nên truyền nghề với tất cả tâm huyết để đào tạo thêm nhiều người thợ giỏi. Nếu cứ suy nghĩ người này giành “vốn liếng”, sợ người kia hơn mình thì không thể nào cùng nhau phát triển được. Người làm nghề chỉ cần không ngừng học hỏi và cố gắng làm việc tốt sẽ gặt hái được thành công thôi.”

Cộng đồng thợ máy Việt tranh luận chuyện truyền nghề - Ảnh 2.

71% thợ máy bày tỏ quan điểm ủng hộ việc truyền nghề cho thế hệ trẻ trên Facebook Castrol Việt Nam.

Cũng đồng quan điểm này, thợ máy PXT bình luận: “Làm nghề này ai cũng có cái hay lẫn kinh nghiệm riêng của bản thân. Học tập lẫn nhau và bổ sung cái khuyết của bản thân từ đó trở thành 1 người thợ có tâm, được mọi người tin tưởng giao xe để sửa chữa là điều cần thiết.”

Mỗi người thợ máy có quan điểm, lựa chọn riêng về việc truyền nghề hay không. Tuy nhiên, thay vì lo sợ việc chia sẻ “bí kíp” của bản thân cho người khác sẽ khiến mình thêm một đối thủ cạnh tranh, thiết nghĩ người thợ máy cần nhìn nhận theo hướng tích cực: chia sẻ kinh nghiệm cho người trẻ không chỉ giúp nhân rộng nghề, phát triển cộng đồng thợ máy ngày càng lớn mạnh, mà còn là cách trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề của bản thân, để những kĩ năng quý giá tích góp được sau nhiều năm làm nghề không bị mai một.