Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc duy trì đếm ngược đèn tín hiệu giao thông là văn minh cần thiết, vì nó minh thị rõ ràng cho người đi đường, giới tài xế biết để chủ động điều chỉnh tốc độ lái xe, dừng xe…
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm quản lý Điều hành giao thông đô thị TP.HCM (UTMC) đề xuất thành phố thí điểm bỏ đếm ngược tín hiệu thời gian trên đèn giao thông tại các giao lộ có đèn giao thông; đồng thời cho biết đang áp dụng thí điểm việc này trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1 và quận 3) và giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (Thủ Đức).
Giải thích cho đề xuất và việc thí điểm này, UTMC cho biết việc thí điểm này giúp người đi đường nâng cao ý thức chấp hành đèn tín hiệu, thay vì cố vượt khi đèn đỏ còn 2 - 3 giây, dễ gây xung đột các hướng đi. UTMC cũng cho rằng việc bỏ đếm lùi giây là để cơ quan chức năng theo dõi, ghi nhận hình ảnh và số liệu về hành vi của người tham gia giao thông, từ đó có phương án tổ chức giao thông linh hoạt, phù hợp hơn.
Đếm giây trên đèn giao thông là rõ ràng và khoa học, sao phải bỏ?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, nhiều tài xế cùng các chuyên gia cho rằng, làm như vậy là “lợi bất cập hại”, không mang lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Cùng đó, nó cũng tiềm ẩn nhiều bất lợi mà cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi được áp dụng rộng rãi.
Anh Lê Hoàng Nam (ở Tân Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, đồng hồ đếm ngược tại các ngã tư là một phát minh rất hữu ích, tạo cảm giác an toàn cho người tham gia giao thông.
“Việc tuân thủ tín hiệu đèn đã được quy định trong Luật, người nào tham gia giao thông cũng phải chấp hành, nên việc loại bỏ đồng hồ không có tác dụng đối với những hành vi vi phạm tín hiệu đèn. Khi không có thời gian đếm ngược cụ thể, họ dễ mất tập trung và dẫn đến những hành vi nguy hiểm như đi sai phần đường hoặc đi khi đèn đã chuyển sang đỏ…” anh Nam nói.
Đồng tình, anh Vũ Bá Hùng (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thực sự khi có đồng hồ đếm ngược anh yên tâm quan sát các phương tiện trên đường và lái xe qua giao lộ mà không phải thấp thỏm dán mắt vào trụ đèn để canh me nó chuyển qua vàng là phải đạp thắng gấp nếu không muốn bị phạt.
“Bao nhiêu chuyên gia mới nghĩ cách để áp dụng vào, bây giờ bỏ đếm giây có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống đèn giao thông thông minh. Việc bỏ đếm giây có thể gây khó khăn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là người già, trẻ em và người mới lái xe. Theo tôi thay vì bỏ đồng hồ đếm ngược hãy cải tiến nó”, anh Hùng kiến nghị.
Còn anh Nguyễn Công Phong (Phố Huế, Hà Nội) quả quyết, người vượt đèn đỏ thì bất chấp có đồng hồ hay không có. Đường phố Hà Nội hay TP. HCM luôn quá tải trầm trọng, người ta vượt đèn đỏ thành đám đông, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Có mặt CSGT thị họ chấp hành một tí, nhưng khi CSGT không mặt, họ lại vô tư vượt đèn đỏ.
“Nên cách tốt nhất là vẫn giữ nguyên đồng hồ đếm giây đó, có nó giúp ích rất nhiều cho những người tuân thủ luật. Thay vì tập trung vào việc bỏ đếm giây, chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Các nút giao thông hiện nay đều đã gắn camera giám sát, ai vi phạm luật giao thông thì hãy xử phạt thật nặng so với mức phạt hiện nay để răn đe”, anh Phong đề xuất.
Cải tiến đồng hồ đếm ngược và tăng cường phạt nguội
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, việc duy trì đếm ngược đèn tín hiệu giao thông là cần thiết vì nó minh thị rõ ràng cho người đi đường, giới tài xế biết để chủ động điều chỉnh tốc độ lái xe và dừng xe. Còn lý do nói có đèn đếm ngược sẽ khiến cho người tham gia giao thông tranh thủ vượt đèn vàng cũng chưa hợp lý, bởi đây hoàn toàn thuộc về ý thức của người tham gia giao thông.
“Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng không nên bỏ đèn giao thông đếm ngược, bởi sự tồn tại của nó đang rất hợp lý, là cách làm tiến bộ và giảm nguy cơ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông rất nhiều. Nó còn giúp người lái xe được chủ động, nhận biết được tình huống để không rơi vào "bẫy" đèn đỏ”, ông Thanh nói.
Ông Thanh phân tích, việc áp dụng đếm ngược số thời gian chờ đèn tín hiệu giao thông tại các ngã tư ở nước ta mới được áp dụng khoảng chục năm nay, việc này rất có tác dụng, để cho người tham gia giao thông chủ động, biết còn bao nhiêu giây xanh – đỏ.
“Hơn nữa, với những nút giao có thời gian dừng chờ lâu, lái xe máy, ô tô còn chủ động tắt máy, đỡ tốn xăng dầu, hạn chế ô nhiễm môi trường. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore thì chủ yếu dùng bộ đếm cho người đi bộ để họ biết được thời gian an toàn để băng qua đường, văn minh như vậy cơ mà.
Việc họ lấy lý do là khi có đèn đếm giây, khi còn 2, 3 giây xanh thì sẽ cố chạy qua, còn có người thấy khi còn 2, 3 giây đèn đỏ thì lập tức phóng qua, gây nguy hiểm, thậm chí là gây ra tai nạn giao thông. Cái này hoàn toàn sai lầm, vì đấy là do ý thức chấp hành chứ không phải là do đèn đếm giây tác động. Với những người ý thức kém thì kể cả không có đèn đếm thời gian thì họ vẫn cứ vượt, vẫn chạy ẩu”, ông Thanh phân tích.
Từ những phân tích trên, ông Thanh đề xuất, thứ nhất, đối với những giao lộ có đèn giao thông thông minh (kết nối về trung tâm ITS để theo dõi, giám sát, điều khiển từ xa) hay có tủ điều khiển đèn giao thông, việc kéo dài hay rút ngắn thời gian đèn đỏ/đèn xanh nhằm giải quyết tình trạng giao thông tại từng thời điểm, là điều hành theo tình huống thực tế và không cần thiết đếm giây cố định.
Thứ 2, đối với các ngã ba, ngã tư, cơ quan chức năng cần phải điều chỉnh tín hiệu đèn hết sức linh hoạt, phù hợp với lưu lượng xe chạy xe tại nút giao thông cụ thể. Có đèn báo thời gian thì tất cả mọi người đều chủ động và nó là yếu tố văn minh khi tham gia giao thông. Do đó, tôi nghĩ không nên bỏ đèn đếm thời gian đi.