Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ về cách Vingroup chiến đấu trong đại dịch: Trong lúc khó khăn phải làm sao để sống sót, toàn hệ thống phải tiết kiệm từng li từng tí! - Ảnh 1.

Vingroup là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam – xét cả về quy mô – tài sản lẫn sự tác động lên xã hội, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ ‘miễn nhiễm’ với đại dịch Covid-19.

Hiện Tập đoàn này đang hoạt động trong các mảng chính sau: xe máy – xe hơi, công nghệ, bất động sản, du lịch, bán lẻ, giáo dục và y tế. Trong suốt 2 năm đại dịch vừa qua, du lịch – bán lẻ - giáo dục bị ảnh hưởng xấu nghiêm trọng, những mảng còn lại tuy có ảnh hưởng nhưng chỉ bị xuống nhẹ hoặc thậm chí còn theo chiều hướng tốt như y tế.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng với VnExpress mới đây, thì không có chuyện ‘too big to fail’, nên cũng như rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, Vingroup cũng phải ‘thắt lưng, buộc bụng’ trong suốt đại dịch.

Còn điều khác biệt của Vingroup so với các đối thủ khác trên thương trường, thay vì nín thở chờ qua dịch bệnh, thì họ hành động quyết liệt hơn để tận dụng rất nhiều cơ hội mà mình thấy trong thời gian khó.

"Tác động thì nhiều, cả tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, nếu phải xét kỹ, thì tôi cho là nó có 3 tác động đáng kể sau: về tổng thể, Vingroup phải chịu tổn thất lớn; nhưng đại dịch đã tạo động lực để thay đổi - nâng cấp hệ thống quản trị mạnh mẽ hơn; nó cũng tạo cơ hội để chúng tôi phát triển các mẫu xe điện. Nói chung, các tác động rất lớn, nhưng phải chiến đấu thôi!", tỷ phú Phạm Nhật Vượng khái quát.

Cụ thể, khi gặp khó khăn thì phải bình tĩnh suy nghĩ tìm cách tháo gỡ, không hoảng loạn. Trong lúc khó khăn, mục tiêu đầu tiên của Vingroup là phải làm sao để sống sót.

Muốn thế, họ phải lập tức tiết giảm, co lại các khoản chi, đảm bảo dự phòng. Toàn bộ hệ thống phải tiết kiệm từng li, từng tí. Chuyện làm từ thiện, các bên cần bao nhiêu, sẵn sàng chi để cứu người, không tính toán. Nhưng ngược lại, nội bộ phải rất tiết kiệm, từng cán bộ nhân viên đều phải ngấm điều này.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ về cách Vingroup chiến đấu trong đại dịch: Trong lúc khó khăn phải làm sao để sống sót, toàn hệ thống phải tiết kiệm từng li từng tí! - Ảnh 2.

VinFast đang ra mắt xe điện ở thị trường quốc tế.

Vậy vì sao Vingroup rất tích cực làm từ thiện dù bản thân của mình cũng đang không dễ dàng gì? Vingroup chỉ đơn giản là thấy chết thì lao vào cứu, không so đo tính toán và đã làm thì sẽ hết mình, không kể việc thiên hạ hay của Vingroup - đương nhiên phải làm nhanh nữa.

Bởi mình khó thì còn những người khó hơn rất nhiều. Nếu mình giúp đỡ, chia sẻ được cho họ thì trong lòng thanh thản, mình có động lực để tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ hơn.

"Càng nhiều khó khăn càng nhiều cơ hội. Cùng với tìm cách sống sót, phải nghĩ cách tận dụng cơ hội mà phát triển. Trong khi nhiều đối thủ có phần chùng lại vì đại dịch, thì 6 tháng trời, lực lượng của chúng tôi làm việc tập trung luôn ở Hòn Tre, Nha Trang để nghiên cứu phát triển xe.

Đây thực sự là một trong những quyết định quan trọng, tốn kém nhưng nhờ nó, năm qua chúng tôi thiết kế được cả 5 mẫu xe điện, được công chúng Việt Nam và quốc tế đón nhận. Số đơn hàng đặt trước của VF e34, VF8, VF9 gần đây là ví dụ cho thấy mình đã đúng khi quyết định dốc toàn lực như thế", Chủ tịch Vingroup tự hào chia sẻ.

Mặt khác, ông cũng quan niệm: Dù gian khó bao nhiêu cũng không để chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình xuống cấp, không bao giờ được để mất chữ tín. Phải liên tục rèn luyện, hoàn thiện bản thân cũng như hệ thống doanh nghiệp của mình. Tai họa có thể ập xuống rất nhanh, rất khủng khiếp như đợt dịch vừa rồi, nếu yếu kém sẽ khó tồn tại.

"Tôi vẫn nhớ một câu thơ ‘Đời người ngắn, công việc nhiều quá thể. Mong ước lớn vô cùng mà gặt hái chẳng bao nhiêu’. Mà nếu có nhiều mong ước thì cuộc đời đúng là ngắn thật. Ở Vingroup, chúng tôi luôn triển khai các việc rất nhanh vì muốn tận dụng các thời cơ và vì muốn làm được càng nhiều việc cho đời càng tốt", ông Phạm Nhật Vượng lần nữa nhắc đến triết lý kinh doanh của mình.