6 tháng qua, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, và được ưu đãi giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ giảm còn 5 - 6 % giá trị xe.
Từ ngày 1/6/2022: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ
Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022 vừa qua, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được ưu đãi giảm 50%, theo quy định tại Nghị định 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021. Quy định này nhằm mục đích hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Như vậy, 6 tháng qua, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, và được ưu đãi giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ giảm còn 5 - 6 % giá trị xe. Chính sách ưu đãi này giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản tiền khi làm thủ tục để xe lăn bánh.
Hiện nay, hầu hết các hãng xe phổ thông đều đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Trong đó, hai hãng xe Hàn Quốc là Kia và Hyundai đang sản xuất, lắp ráp nhiều ô tô tại Việt Nam nhất. Cụ thể, Kia có khoảng 8 mẫu xe du lịch được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Những mẫu xe này của Kia bao gồm Kia Morning, Kia Soluto, Kia K3, Kia Sonet, Kia Seltos, Kia Rondo, Kia Sorento và Kia Carnival. Những mẫu xe này có mức giá giao động từ hơn 300 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng, trong đó thấp nhất là Kia Morning với giá bán từ 304 - 439 triệu đồng và cao nhất là Kia Carnival với giá từ 1,199 tỷ đồng đến 2,399 tỷ đồng. Số tiền lăn bánh tiết kiệm được khi mua các dòng xe này của Kia sẽ từ khoảng 20 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng.
Ngoài hai hãng xe Hàn, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng có chiến lược sản xuất xe tại Việt Nam. Mazda có 4 mẫu xe lắp ráp trong nước, bao gồm Mazda3, Mazda6, Mazda CX-5 và Mazda CX-8, khách hàng mua những mẫu xe này của Mazda sẽ tiết kiệm được khoảng 30-75 triệu đồng phí trước bạ.
Tháng đầu tiên chính thức áp dụng chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) doanh số bán hàng của toàn thị trường là 46.759 xe, tăng 21% so với tháng trước. Trong tháng này, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.686 xe, tăng 23% so với tháng trước.
Mặc dù mức tăng không quá đột biến, song điều đáng nói là trong thời gian đó, khi xe lắp ráp trong nước được hưởng chính sách giảm 50% phí trước bạ, hàng loạt xe nhập khẩu cũng đã được các hãng xe và đại lý giảm từ 50-100% lệ phí trước bạ. Những diễn biến này đã giúp kích cầu thị trường ô tô Việt Nam.
Bước sang năm 2022, những tháng đầu năm thị trường khá ảm đạm do rơi vào dịp tết Nguyên đán và tình hình dịch bệnh đầu năm. Theo báo cáo của VAMA, tổng doanh số bán ô tô mới trong 4 tháng đầu năm đạt 132.865 xe, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước tăng 38%, xe nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2021. Tính cả doanh số tháng 12/2021 và 4 tháng đầu năm 2022, đã có gần 180.000 xe được bán ra trong giai đoạn áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Có một vấn đề không thể không nhắc đến trong giai đoạn Nghị định 103 được áp dụng, đó là những diễn biến trên thị trường xe. Nổi bật nhất trong giai đoạn này là việc thị trường khan hiếm một số mẫu xe "hot", trong đó có cả những mẫu xe được sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính vì thế, dù được hưởng ưu đãi từ chính sách kích cầu, song nhiều người vẫn không thể mua xe hoặc nhận xe đúng thời hạn được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Thậm chí, nhiều mẫu xe còn bị bán ra với mức giá cao hơn giá niêm yết, hoặc buộc phải mua kèm gói phụ kiện. Bán tải Ford Ranger hay mẫu SUV đô thị gầm cao Kia Seltos là những minh chứng cho thấy nguồn cung khan hiếm, và người tiêu dùng gặp khó khăn hoặc thiệt thòi khi mua những dòng xe này trong thời gian qua.
Hiện tại, nhiều dòng xe vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khan hiếm, một số đại lý đã "lách" để người mua được hưởng ưu đãi, bằng cách yêu cầu người mua trả đủ tiền mua xe, sau đó xuất hóa đơn trước ngày 31/12/2022 để được hưởng ưu đãi khi làm thủ tục cho xe lăn bánh. Dù vậy, giải pháp này cũng khá rủi ro cho người dùng, vì với những khó khăn trong chuỗi cung ứng hiện nay, khách hàng có thể phải "đợi dài cổ" mới được giao xe dù đã trả đủ tiền.