Tỷ phú đôla hoàn toàn có thể có xuất phát điểm là một người thất học, làm công việc chân tay bình thường.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng và trở nên thành công, giàu có không còn là chuyện quá xa lạ trên thế giới. Trường hợp của Masaru Wasami không phải ngoại lệ.
Wasami sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản trong một gia đình không mấy khá giả. Ông bắt đầu làm việc bán thời gian tại một cửa hàng rau củ từ năm 12 tuổi để phụ giúp người mẹ bệnh tật của mình. 3 năm sau, ông nghỉ học giữa chừng để làm việc toàn thời gian, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Năm 1970, ông khởi nghiệp với một chiếc xe tải nhỏ. Chỉ vài năm sau, công ty Maruwa Unyu Kikan của ông đã sở hữu hơn 100 chiếc xe, tạo ra dịch vụ giao hàng hiện đang đảm nhiệm mảng logistics cho các chuỗi nhà thuốc và siêu thị trên khắp Nhật Bản.
Nhờ nỗ lực hết mình, Wasami đã trở thành tỷ phú USD, một phần là nhờ quan hệ hợp tác với Amazon từ năm 2017 để quản lý dịch vụ giao hàng trong ngày tại Nhật.
Ông Masaru Wasami (trái) và một đối tác (Ảnh: Internet).
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, ông nhớ lại khoảnh khắc nảy ra ý tưởng kinh doanh vận tải: "Tôi bị mất ngủ cả đêm. Đầu ngày hôm đó, tôi nhận được một số kiện hàng nhưng vô cùng bức xúc vì sự thiếu chuyên nghiệp của nhân viên xử lý bưu kiện. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định giao hàng bằng xe tải của mình".
Quan hệ đối tác của Wasami với nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã giúp cổ phiếu Maruwa Unyu Kikan nhiều thời điểm tăng vọt. Việc sở hữu gần 60% cổ phần công ty đã giúp ông trở thành tỷ phú với tài sản khoảng 1 tỷ USD, theo Bloomberg.
Maruwa phát triển nhanh chóng sau khi Yamato Holdings Co., một trong những hãng vận chuyển bưu kiện lớn nhất Nhật Bản rút khỏi việc cung cấp giao hàng trong ngày cho Amazon để giảm bớt gánh nặng cho lực lượng lao động. Điều đó khiến Amazon chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân khác để đẩy mạnh mở rộng tại Nhật Bản – thị trường thương mại điện tử lớn thứ tư trên thế giới, nơi vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.
Trả lời phỏng vấn, Wasami cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị Amazon hợp tác với Maruwa để đảm nhận dịch vụ giao hàng trong ngày của họ trong nhiều năm. Tôi đã thuyết phục rằng họ có thể tin tưởng vào chúng tôi".
Ảnh: Internet.
Tuy nhu cầu giao hàng tăng là lợi ích cho những công ty như Maruwa nhưng nó cũng đi kèm với chi phí cao hơn đồng thời gây thiệt hại cho nhân sự. Năm 2017, Yamato đã tăng tỷ lệ giao hàng lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ trong bối cảnh thiếu hụt lao động và tăng khối lượng vận chuyển từ các nhà bán lẻ thương mại điện tử. Công ty này từng đề xuất một đợt tăng giá khác ngay trước đợt thăng thuế tiêu thụ mới vào năm 2019 tại Nhật.
Trong khi đó, Maruwa vẫn không đàm phán tăng giá với Amazon cũng như hứa hẹn mức lương cạnh tranh cho tài xế của công ty. Họ có thể kiếm được khoảng 7,2 triệu yên (khoảng 67.000 USD) mỗi năm bằng cách giao hơn 150 kiện hàng mỗi ngày.
Dịch vụ logistics cho các nhà bán lẻ thực phẩm vẫn là hoạt động kinh doanh lớn nhất của công ty nhưng thương mại điện tử giờ đây đã chiếm hơn 1/3 doanh thu vào năm 2019, tăng từ 24% trong năm 2017.
Dù đạt thành công không phải ai cũng có được, Wasami vẫn rất khiêm tốn và luôn cho rằng ông chưa làm hết sức mình. Chính vì vậy, ông tìm cách để cải thiện bản thân cũng như hoạt động kinh doanh của công ty mỗi ngày. Trong danh sách 50 người giàu nhất Nhật Bản 2022 do Forbes công bố vào cuối tháng 3 vừa qua, Wasami đứng ở vị trí thứ 49. Tài sản của ông hiện ở mức 940 triệu USD.
Nguồn: Fortune, Bloomberg