Sau 5 ngày tắc đường và chờ lấy giấy "luồng xanh" để vào thủ đô Hà Nội đến chiều 26/7, do quá thèm cơm nên tài xế Dũng và phụ xe đi đã nhờ xe ôm cạnh đường và chủ hàng mua đồ nấu cơm giúp.
18h chiều 26/7, tài xế xe đầu kéo Nguyễn Phi Dũng (SN 1985, trú tại An Khê, Gia Lai) cùng phụ xe là Nguyễn Công Đi (SN 2003, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, Gia Lai) bắt đầu bữa cơm tối sau gần 2 ngày đậu xe tại chốt số 5 cầu Phù Đổng cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đợi giấy "luồng xanh" do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp để có thể vào Hà Nội.
Tài xế Dũng (áo xanh) kể trong hơn 10 năm làm nghề chưa bao giờ anh đi chuyến hàng nào lại phải mất nhiều thời gian chờ đợi như vậy. Trước khi chưa có dịch COVID-19, anh Dũng chạy xe đầu kéo từ miền Nam ra các cửa khẩu phía Bắc lấy, trả hàng. Tuy nhiên, khi có dịch anh chuyển về chạy xe đầu kéo từ Hà Đông lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Các chuyến hàng trước ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ Lạng Sơn về Hà Đông mất 5 tiếng. Tuy nhiên, chuyến hàng lần này anh đã mất 5 ngày. Trong đó, có hơn 3 ngày tắc đường từ Hà Nội về tới cầu Phù Đổng và gần 2 ngày đợi giấy "luồng xanh" tại chốt số 5. Những ngày tắc đường trước, anh Dũng và tài xế chỉ ăn mỳ tôm và lương khô do hàng quán đóng cửa. Đến chiều nay do thèm cơm, anh đã nhờ chủ hàng và xe ôm quanh khu vực mua đồ ăn hộ.
Mặc dù mới 18 tuổi nhưng Nguyễn Công Đi đã có nhiều năm làm phụ xe. Nam phụ xe này kể, trong nhiều chuyến hàng trước đã từng phải nấu ăn ở bãi đậu, tập kết hàng tại các cửa khẩu để chờ bốc hàng. Tuy nhiên việc nấu và mua đồ ăn rất thuận tiện chứ không vất vả, thiếu thốn như lần này.
"Từ trưa đến giờ (chiều 26/7) ngửi thấy mỳ tôm là sợ rồi nên 2 anh em mới bảo nhau tìm cách nấu ăn, may mà nhờ các bác xe ôm mua hộ mấy quả trứng còn chủ xe cầm giúp ít cá khô, xúc xích nên anh em nấu ăn tạm. Nghề tài xế nay đây, mai đó nhưng hơn 10 năm làm nghề lần đầu tiên tôi rơi vào tình cảnh phải nấu ăn vì thèm cơm ngay dưới lòng đường như này...", tài xế Dũng bộc bạch.
Phụ xe Đi tâm sự cảnh tài xế, phụ xe có nhiều khó khăn, vất vả tuy nhiên được đi lại nhiều nơi thoả mong ước thủa nhỏ của anh. Nam phụ xe mong muốn thời gian tới nhanh chóng hết dịch COVID-19 để cuộc sống của người dân có thể sớm trở lại ổn định.
Trong lần về thăm nhà cách đây gần 2 tháng, vợ tài xế Dũng đã chuẩn bị cho chồng hơn 10kg gạo để phòng bị nhỡ lúc khó khăn, chờ đợi cần dùng đến. Mặc dù gạo đã để trên xe lâu nhưng được bảo quản tốt nên vẫn ngon và không bị vào hơi.
Do nấu, ngồi ăn dưới lòng đường ngay cạnh hàng cây nên khu vực tài xế Dũng và phụ xe ăn cơm có rất nhiều muỗi. Một trong những thứ không thể thiếu trong buổi tối và tại bữa ăn của 2 người là hương đuổi muỗi. "Ban ngày thì không có muỗi nhưng về chiều tối và đêm thì muỗi nhiều như rắc trấu, nếu đóng kín cửa xe bật điều hoà thì rất hoang phí tiền dầu nên 2 anh em đành đốt hương đuổi muỗi...", anh Dũng nói.
Khi bữa cơm gần kết thúc, anh Dũng tranh thủ nói chuyện với con ở quê. "Chưa bao giờ tôi xa vợ, con lâu như vậy. Lần đi này không biết bao giờ mới về vì dịch phức tạp quá, nhiều lúc tiền cũng quan trọng nhưng cứ nghĩ đến vợ con lại muốn về nhà...", nam tài xế 36 tuổi chia sẻ.
Khu vực nấu ăn của tài xế Dũng nằm ngay trước đầu xe, còn nước lấy ở trong bồn dự trữ cạnh cabin.
Chiếc bếp gas mới được người nhà chủ hàng tại Hà Đông mua giúp tài xế Dũng chiều nay 26/7. Việc nấu ăn diễn ra trong khoảng 20 phút.
Sau bữa cơm chiều, anh Dũng và phụ xe nhanh chóng thu dọn đồ. Những đồ ăn thừa, đồ nấu ăn đã qua sử dụng đều được tài xế bỏ vào túi nilon vứt đúng nơi quy định.
Mặc dù nấu ăn ngay dưới lòng đường nhưng trên xe có thùng trữ nước ngọt nên việc nấu, rửa đều rất thuận tiện.
Chỉ sau chưa đầy 10 phút tài xế Dũng và phụ xe Đi đã dọn dẹp, rửa chén bát xong.
Tài xế container nấu ăn bên lề đường xe chờ giấy thông hành qua Hà Nội (Clip: Nguyễn Việt Hùng)