Nhiều chủ sở hữu xe tại Đức khi được hỏi vẫn còn sót lại một chút ký ức về Borgward, thương hiệu ô tô "mau nở nhưng cũng chóng tàn" khi chỉ tồn tại vỏn vẹn hơn 30 năm (1929 – 1961). Dù sở hữu tầm nhìn chiến lược tốt cùng việc đi tiên phong với nhiều công nghệ ấn tượng vẫn còn được sử dụng lâu dài về sau như hệ thống treo khí nén hay hộp số điện tử nhưng mô hình kinh doanh quá tham vọng và thiếu hiệu quả đã khiến Borgward phải tuyên bố phá sản khi các đối thủ của họ thời điểm đó như Opel và Volkswagen lại làm quá tốt mảng này.

Bẵng đi gần 50 năm, cái tên Borgward bất ngờ trở lại tại Đức và ngay lập tức công bố kế hoạch giới thiệu mẫu xe đầu tiên trong giai đoạn 5 năm kế tiếp nhờ sự hậu thuẫn tài chính tới từ nhà sản xuất xe tải Trung Quốc Foton. Tới năm 2015, hãng chính thức mang concept Borgward BX7 tới tham dự triển lãm Frankfurt. Chưa đầy một năm sau, hãng đã bắt đầu giao mẫu xe này tới tay khách hàng tại... Trung Quốc trước khi trở về châu Âu vào năm 2018 – khu vực đang rất nóng lòng chờ xem liệu chiếc SUV có giúp Borgward lấy lại vị thế cạnh tranh ngày trước.

Borgward BX7: Canh bạc sống còn của thuơng hiệu xe Đức từng lẫy lừng 50 năm trước - Ảnh 1.

BX7 đánh dấu sự trở lại của cái tên Borgward.

BX7 là một chiếc SUV cỡ lớn với kích thước khá tương đồng với Q5 của Audi. Đây sẽ là mẫu xe Borgward đầu tiên quay trở lại quê nhà Đức vào quý I/2018 với 2 phiên bản phổ thông (cạnh tranh với BMW X3, Audi Q5, Mercedes-Benz GLC) và thể thao (cạnh tranh với F-Pace). Cấu hình phiên bản châu Âu sẽ có đôi chút khác biệt với bản đã ra mắt tại Trung Quốc và thương hiệu Đức cho biết chỉ công bố chi tiết vào tháng 3 tới tại Triển lãm Geneva. Tuy nhiên, một số xe đã được mang từ Trung Quốc tới đây cho các khách hàng đặt trước và báo giới chạy thử với kết quả... không được khả quan.

Đầu tiên, xe sử dụng động cơ xăng 2.0L tăng áp 4 xy-lanh khá cơ bản đi kèm hệ dẫn động 2 cầu và hộp số tự động 6 cấp. Phải nói rằng, cấu hình này trên BX7 vận hành không hề tồi khi mang lại trải nghiệm lái ổn, hệ dẫn động 2 cầu mang lại cảm giác bám đường, ôm cua tốt và nhìn chung không có nhiều điểm để chê. Thế nhưng, để có thể thật sự cạnh tranh được với tam đại gia xe sang từ Đức là Mercedes-Benz, Audi và BMW, như vậy là không đủ và thật sự BX7 cũng chẳng có điểm gì quá nổi bật ở hệ thống truyền động, tất cả chỉ dừng ở mức trung bình khá.

Borgward BX7: Canh bạc sống còn của thuơng hiệu xe Đức từng lẫy lừng 50 năm trước - Ảnh 2.

Không có nhiều điểm để chê và cũng không có nhiều điểm đáng khen ngợi.

Xét về mặt thiết kế, Borgward tự tin tuyên bố rằng thương hiệu của mình sở hữu DNA xe sang Đức và có vẻ như họ không nói quá khi chúng ta cân nhắc việc BX7... giống Audi Q5 ra sao. Không hẳn là một điều xấu nhưng như đã nói hãng (và người tiêu dùng) cần một mẫu xe mang lại cảm giác mới mẻ, tiên phong, không phải một bản sao khác của các dòng SUV hạng sang đã có mặt ngoài thị trường.

Borgward BX7: Canh bạc sống còn của thuơng hiệu xe Đức từng lẫy lừng 50 năm trước - Ảnh 3.

BX7 giống với Q5 về nhiều mặt.

Kể cả là như vậy, khi triển khai chương trình lái thử Borgward cũng không sao tái hiện được cảm giác sang trọng mà những đối thủ của mình có được mà thay vào đó tiếp tục mang lại cảm giác trung bình, chỉ na ná phiên bản cao cấp của các mẫu xe Hàn Quốc như Hyundai Tucson và Kia Sportage. Cảm giác này đến từ nội thất khi ghế ngồi dù được bọc da, hệ thống thông tin giải trí trung tâm ổn với thiết kế hiện đại, bài trí tốt nhưng lại một lần nữa thiếu đi điểm nhấn riêng biệt.

Borgward BX7: Canh bạc sống còn của thuơng hiệu xe Đức từng lẫy lừng 50 năm trước - Ảnh 4.

Nội thất Borgward BX7.

Đây có thể coi như một thất bại thực sự mà Borgward cần rút kinh nghiệm cho dòng xe tiếp theo là chiếc BX5 (ngang hàng Q3, X1). Nếu được chọn, có lẽ không ít người sẽ chọn 2 dòng xe Hàn nói trên vì giá thành phải chăng hơn trong khi giá trị mang lại có lẽ không thua BX7 là bao, chưa kể chất lượng đã được kiểm chứng.

Nói như vậy không có nghĩa BX7 không có điểm hơn so với các đối thủ. Nổi bật nhất có lẽ là không gian nội thất rộng rãi, thoáng đãng nhất là khi so sánh 2 hàng ghế sau. BX7 có cả 3 cấu hình cho 5, 6 hoặc 7 người ngồi thoải mái, điều mà hiếm mẫu xe nào cùng phân khúc làm được. BX7, tựu chung lại, là một chiếc SUV ổn... cho tới khi ta cân nhắc vấn đề giá thành.

Borgward BX7: Canh bạc sống còn của thuơng hiệu xe Đức từng lẫy lừng 50 năm trước - Ảnh 5.

Không gian rộng rãi có lẽ là ưu điểm lớn nhất mà chiếc SUV Đức sở hữu.

Với mức khởi điểm 44.000 euro ở thị trường Đức, Borgward đã tự đặt BX7 vào thế khó khi ngay lập tức ngang hàng với những Audi Q5, BMW X3 hay Mercedes-Benz GLC. Nếu được lựa chọn, có lẽ sẽ không ít khách hàng thà chọn cho mình phiên bản cao cấp nhất của Tucson – một trong những dòng SUV đang rất thành công ở châu Âu từ năm ngoái trở lại đây với doanh số trung bình 150.000 chiếc/năm và vẫn còn dư dả hơn 12.000 euro để độ xe tùy ý.

Ta có thể hiểu được phần nào tham vọng của Borgward khi không muốn phải đứng ở vị thế kẻ bám đuổi mà muốn cạnh tranh sòng phẳng với những gì mình đang có. Thế nhưng liệu điều đó có là quá sớm không khi giờ đây những cái tên họ nhắm tới lại cũng đang là những người thống trị phân khúc xe sang toàn cầu? Nếu như đây là những năm 80 của thế kỷ trước, hướng đi của Borgward có thể được lý giải nhưng trong tình cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt như hiện nay, việc chọn lựa sai lầm hoàn toàn có thể dẫn tới việc cái tên đầy hoài niệm này biến mất một lần nữa.