Bóng ma của những "nghĩa địa xe đạp" đang quay trở lại ám ảnh ngành xe điện Trung Quốc khi việc sản xuất quá mức đang gây ra tình trạng dư thừa trên toàn quốc.
Cơn sốt xe điện trên toàn cầu vài năm trước đã mở đường cho ngành xe điện Trung Quốc đạt được bước tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian qua và vươn lên trở thành một trong những cường quốc về xe điện. Tuy nhiên, đà tăng trưởng nóng của ngành xe điện tại Trung Quốc lại đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, từ vấn đề sản xuất dư thừa trong nước đến rào cản thương mại quốc tế ngày càng tăng.
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc
Sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc là kết quả của sự kết hợp giữa chính sách công nghiệp quốc gia và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Các thành phố như Hợp Phì và Vũ Hán đã trở thành những trung tâm sản xuất xe điện quan trọng, thu hút đầu tư lớn và tạo ra các cụm công nghiệp hoàn chỉnh.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền đã lôi kéo không chỉ các nhà sản xuất ô tô truyền thống như SAIC, BAIC, Geely tiến vào thị trường xe điện, mà ngay cả các công ty “ngoại đạo” như Huawei, Xiaomi cũng có thương hiệu xe điện riêng. Thậm chí cả công ty bất động sản như Evergrande cũng từng có kế hoạch tiến vào ngành xe điện trước khi sụp đổ hoàn toàn.
Ví dụ điển hình là Hợp Phì, nơi đã trở thành "kinh đô xe điện" của Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng siêu nhà máy của BYD và thiết lập một quỹ đầu tư trị giá hơn 100 tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện. Hoạt động hỗ trợ không chỉ về tài chính, mà cả về chính sách.
Ví dụ để tạo điều kiện cho siêu nhà máy của BYD, chỉ trong một đêm, hơn 1.000 xe tải đã được huy động để chở và san lấp đất, tạo ra mặt bằng đủ phẳng cho nhà máy của công ty. Khi hãng xe điện Nio gặp khó khăn, chính quyền tỉnh Hợp Phì cũng đầu tư 11,2 tỷ Nhân dân tệ để công ty này chuyển trụ sở, nhà máy sản xuất xe và pin, trung tâm nghiên cứu đến địa phương này. Kết quả là, Hợp Phì hiện có 6 nhà sản xuất xe điện và hơn 500 nhà cung cấp linh kiện xe điện đang hoạt động.
Tuy nhiên, thành công cá biệt của Hợp Phì nhanh chóng được các chính quyền địa phương học tập và bắt chước. Điều này dẫn đến việc xây dựng quá nhiều nhà máy sản xuất xe điện trên toàn quốc. Ngay cả khi các công ty hoạt động kém hiệu quả, chính quyền địa phương vẫn liên tục rót tiền đầu tư để giữ họ tồn tại. Cuối cùng, điều này đang làm ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đã nhanh chóng rơi vào trạng thái dư thừa và tạo ra một tình trạng cung vượt cầu nghiêm trọng.
Hậu quả của tình trạng dư thừa này là một "cuộc chiến giá" gay gắt giữa các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Các công ty buộc phải cắt giảm chi phí bằng mọi cách, gây áp lực lên toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn làm suy giảm khả năng đổi mới của ngành.
Rào cản thương mại quốc tế
Khi thị trường trong nước đã quá dư thừa, các nhà sản xuất xe điện không còn lối thoát nào khác ngoài thị trường quốc tế. Thế nhưng, lối thoát này cũng không hề dễ dàng khi các thị trường nước ngoài không hề có những ưu ái như họ từng có khi ở trong nước.
Không lâu sau khi hiện diện tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, các hãng xe điện phải đối mặt với hàng loạt biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt. Nước Mỹ đã áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Liên minh Châu Âu cũng đã áp thuế 37,6%. Các mức thuế này gần như đã đóng sầm cánh cửa vào 2 thị trường xuất khẩu lớn đối với xe điện Trung Quốc, buộc các nhà sản xuất phải tìm kiếm các thị trường mới.
Đối mặt với rào cản tại các thị trường phát triển, các hãng xe điện Trung Quốc đã chuyển hướng sang các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, với nhiều thị trường tiềm năng như Thái Lan, Việt Nam. Tuy nhiên, chính các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lại đang cho thấy sự thờ ơ của mình với các thị trường mới này.
Ví dụ như hãng BYD – nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc – cho dù đã bắt đầu giới thiệu và bán xe tại thị trường Việt Nam, nhưng lại không đầu tư vào hệ thống trạm sạc – một yếu tố không thể thiếu đối với các loại xe điện hiện nay. Trong khi hãng VinFast đã phát triển khoảng 150.000 trạm sạc tại Việt Nam, hãng BYD lại phụ thuộc vào các nhà cung cấp thứ 3, vốn đang vô cùng ít ỏi.
Giảm giá để “xả hàng”
Ngay cả tại Thái Lan, mặc dù BYD đã mở nhà máy sản xuất, nhưng chính công ty lại đề ra các chính sách khiến người dùng quay lưng. Cụ thể, để nhanh chóng giành lợi thế tại một thị trường đầy cạnh tranh như Thái Lan, BYD đã sử dụng một chiêu bài quen thuộc – hạ giá.
Vào tháng 1 năm 2023, mẫu xe Atto 3 của BYD có giá 1,2 triệu baht, nhưng đến hiện tại, hãng đã giảm giá thêm 340.000 baht, tương đương mức giảm hơn 30% chỉ sau một năm, làm người tiêu dùng nổi giận. Kéo theo đó là cuộc điều tra của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan khi họ nhận được hàng chục đơn khiếu nại từ người mua xe.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra ở Việt Nam khi mẫu xe điện được coi là rẻ nhất Việt Nam, Wuling Mini EV tiếp tục giảm giá tới 60 triệu đồng, xuống mức giá dưới 200 triệu lần đầu tiên trong lịch sử (197 triệu đồng). Mặc dù là mẫu xe giá rẻ nhất thị trường nhưng doanh số của Wuling Mini EV lại không thật sự tốt. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các mẫu xe Trung Quốc đang cố hạ giá “sập sàn” để xả hết lượng hàng tồn.
Vậy nên thay vì đưa ra một cam kết lâu dài để tạo nên một thị trường bền vững, hàng loạt động thái của Wuling hay nhiều hãng xe điện Trung Quốc cho thấy họ chưa sẵn sàng để đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Nhiều người lo ngại rằng trên thực tế, các thị trường mới nổi lân cận đang trở thành bãi đáp cho cơn lũ xe điện giá rẻ Trung Quốc – vốn đã quá dư thừa trong nước và đang tìm lối thoát.
Nguy cơ của một "nghĩa địa xe điện"
Với tình trạng thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp và thị trường trong nước đã bão hòa, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang đối mặt với một viễn cảnh đáng lo ngại. Liệu tình trạng dư thừa này có tạo nên một “nghĩa địa xe điện” – tương tự như “nghĩa địa xe đạp” từng xảy ra trước đây – có thể tái hiện tại Trung Quốc hay không?
Các “nghĩa địa xe đạp” này từng là nỗi ám ảnh của các thành phố khi hàng loạt startup chia sẻ xe đạp phá sản và không còn cách nào khác ngoài việc vứt bỏ những chiếc xe đạp của mình. Giờ đây điều tương tự có thể sẽ lại đến với ngành xe điện Trung Quốc nếu tình trạng sản xuất dư thừa hiện tại không được giải quyết.
Nổi lên từ những khoản đầu tư và hỗ trợ khổng lồ của chính phủ, giờ đây, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang kẹt ở giữa ngã ba đường. Tốc độ tăng trưởng quá nóng đã khiến thị trường nội địa trở nên dư thừa quá mức chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng để xuất khẩu ra thị trường quốc tế cũng không hề dễ dàng khi tại đây không hề có những ưu đãi như tại thị trường Trung Quốc.