Trước những cảnh tượng đau lòng mà thảm họa động đất sóng thần Nhật Bản gây ra cho người dân nơi đây, Hideo Tsurumaki – một cựu nhân viên của Toyota – đã ấp ủ ý tưởng về một mẫu ô tô có thể “bơi trong nước” với mức giá hơn 18.000 USD.
Câu chuyện bắt đầu khi Hideo Tsurumaki chứng kiến những trận sóng thần khổng lồ ập vào bờ biển Đông Bắc Nhật bản ngày 11/3/2011, cuốn theo những chiếc ô tô mà bên trong là người dân đang tìm cách chạy thoát.
Khi những chiếc xe chìm dần, ông Tsurumaki đã nghĩ đến mẹ của mình. Bà cũng sống gần bờ biển ở một khu vực dễ bị động đất và gặp khó khăn về đi lại. Tại thời điểm đó, ông nghĩ rằng nếu như những chiếc ô tô có thể nổi trên mặt nước thì số người thương vong do thảm họa tự nhiên cũng ít hơn.
Hai năm sau, cựu nhân viên của Toyota bắt tay vào chế tạo một chiếc xe điện cỡ nhỏ có thể nổi trên mặt nước, thậm chí di chuyển với tốc tộ thấp. Từ nguồn vốn ban đầu 200 nghìn Yên (1.804 USD), ông thành lập một start-up với tên gọi Fomm và dự định sẽ sản xuất 10.000 xe mỗi năm tại một nhà máy gần Bangkok (Thái Lan).
Ý tưởng của Hideo Tsurumaki bắt nguồn từ những trận sóng thần nhưng mục tiêu cuối cùng mà ông hướng tới là một mẫu xe điện nhỏ gọn, một phương tiện các gia đình giàu có thường dùng cho những chuyến đi ngắn quanh khu phố. Theo ông, hầu hết khách hàng chỉ dùng đến khả năng tự nổi của chiếc xe trong những trường hợp khẩn cấp, có khi chỉ một lần duy nhất.
Ông Hideo Tsurumaki đã dành 3 năm làm việc cùng các nhà nghiên cứu trường Đại học Tokyo Nguồn: Bloomberg
Tsurumaki đã có khoảng thời gian 3 năm làm việc cùng các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tokyo về cách thức vận hành một chiếc ô tô trong nước. Cuối cùng, ông quyết định sử dụng những bánh xe dạng tua-bin và một bộ phận phía trước có nhiệm vụ "tận dụng" dòng nước để tạo ra lực đẩy.
Năm 2016, Fomm ký kết thỏa thuận hợp tác với Trinex Assets – một công ty bất động sản Thái Lan để phát triển chiếc xe hiện đang ở nguyên mẫu thứ 4. Chủ tịch của Trinex Assets cũng điều hành một công ty sản xuất phụ tùng ô tô. Theo kế hoạch, mẫu xe sẽ được đưa lên dây chuyền sản xuất từ tháng 12 năm nay và có mặt trên thị trường trong cùng khoảng thời gian.
Ngoài doanh nghiệp của Thái, ông Tsurumaki còn thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư tên tuổi tại Nhật Bản khi hãng cung cấp thiết bị gia đình và đồ điện tử Yamada Denki vừa thành lập một liên doanh cùng Fomm. Tháng 11/2017, Fomm cũng hợp tác với nhà sản xuất thiết bị nghe nhìn Funai Electronics để hỗ trợ hoạt động sản xuất mẫu xe tại mảnh đất mặt trời mọc.
Sản phẩm của Tsurumaki sở hữu một hình dáng nhỏ gọn, thân xe trọng lượng nhẹ và các gói pin tích hợp dưới 4 ghế ngồi. Pin có thể thay thế nên người dùng không lo phải chờ đợi tới 6 tiếng đồng hồ để nạp năng lượng. Phương tiện đạt quãng đường hơn 160km với vận tốc tối đa 80km/h.
Dự kiến IPO vào năm 2020 nhưng ở thời điểm hiện tại, Fomm vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trước khi mẫu xe đến tay khách hàng. Vấn đề lớn nhất nằm ở chi phí. Xe điện có một nhược điểm là chi phí sản xuất đắt đỏ, một phần do công nghệ xuất pin. Một chiếc xe với khả năng "tự bơi" có thể còn phát sinh thêm một số chi phí khác nhằm đảm bảo nước không thể lọt vào bên trong nội thất. Mới đầu, Tsurumaki muốn thiết kế thân xe theo phong cách của những chiếc xe quân sự nhưng chính rào cản chi phí đã làm ông từ bỏ ý định.
Bên cạnh đó, sản lượng hàng năm tương đối nhỏ cũng là một yếu tố khiến Fomm gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình đàm phán với các nhà cung cấp phụ tùng. Điều đó có nghĩa là với số tiền khoảng 18.153 USD cho chiếc xe tự nổi, khách hàng có thể mua được một phương tiện lớn hơn rất nhiều.
Tsurumaki cho biết ông đang tìm cách để hạ giá bán xuống dưới 5.000 USD/xe bằng cách sử dụng các nhà cung ứng phụ tùng số lượng lớn với chi phí thấp hơn.
Trong khi đó, Ken Miyao, một nhà phân tích của hãng tư vấn Carnorama (Tokyo) nhận định: "Họ cần sản xuất ra những sản phẩm với mức giá tương đương những chiếc xe không có khả năng nổi trên mặt nước. Tôi không nghĩ rằng có ai đó lại muốn chi số tiền cao gấp đôi cho tính năng mà có thể họ chỉ sử dụng một lần trong đời".