Khi nhìn thấy CSGT thì người đi xe đạp sẵn sàng bê xe trèo qua dải phân cách xuống đường gom hoặc băng qua làn đường nhiều làn ô tô để trốn chạy.
Ngày 15-11, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đã yêu cầu các Đội Cảnh sát giao thông phụ trách tuyến cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp đi sân bay Nội Bài tăng cường xử lý nghiêm và tuyên tuyền để người dân đạp xe đạp thể dục hiểu và nắm rõ không đi vào đường dành cho ô tô gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội.
Theo đó, tình trạng xe đạp lưu thông trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp đi sân bay Nội Bài đã diễn ra một vài năm trở lại đây, dù đây là tuyến đường cấm người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô-tô, xe gắn máy lưu thông.
Tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc từ 80-90 km/giờ, nhưng hằng ngày, từ 5 giờ sáng, vẫn có nhiều tốp người điều khiển xe đạp phớt lờ biển cấm, dàn hàng đi vào làn đường dành riêng cho ô tô với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và những người khác tham gia giao thông.
Cụ thể, hiện nay cầu Nhật Tân chỉ cho xe thô sơ (xe đạp) hoạt động từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khoẻ của nhân dân.
Đoạn Võ Nguyên Giáp từ Cầu sông Thiếp đến gần sân bay Nội Bài là đường dành riêng cho xe ô tô, hai bên có tổ chức đường gom cho xe máy và xe thô sơ, việc người điều khiển xe thô sơ đi vào đường cấm rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an tòa giao thông.
Mặc dù thường xuyên tuyên truyền và tiến hành xử lý khá nghiêm, nhưng vẫn tồn tại những trường hợp điều khiển xe đạp đi vào tuyến cấm này.
Theo điều tra, chủ yếu là người chơi loại xe thể thao, đi thành từng tốp vào sáng sớm, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng sẽ bât chấp nguy hiểm đi vào đường dành riêng cho ô tô.
Loại phương tiện này đánh giá có tốc độ khá cao, cơ động nên khi nhìn thấy Cảnh sát giao thông thì người vi phạm sẵn sàng bê xe trèo qua dải phân cách xuống đường gom hoặc băng qua làn đường nhiều làn ô tô di chuyển tốc độc cao để trốn chạy... Hành vi này vô cùng nguy hiểm cho các phương tiện khác gây sự phản cảm và bất bình trong nhân dân.
Ghi nhận cùng tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông ứng trực từ 5h sáng ngày 15-11 trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp chỉ xử lý được duy nhất 1 trường hợp anh N.T.H (sinh năm 1986 ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội). Kết quả này thấp rất nhiều so với từ đầu tháng 11 khi đơn vị tăng cường tuần tra xử lý khi có hiện tượng vi phạm xuất hiện trở lại.
Trung tá Nhữ Quốc Hội, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 15 cho biết, có ca trực ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 11, khi thấy có lực lượng cắm chốt rất nhiều người đi xe đạp đã vô ý thức quay đầu và băng qua đường để sang làn đối diện bỏ chạy. Rất may đã không có tai nạn xảy ra.
Sau khi đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, thông qua việc xử phạt để người vi phạm tuyên truyền cho chính hội nhóm đi xe đạp, từ đầu tháng 11 trở lại đây vi phạm đã giảm đáng kể. Nhưng Phòng Cảnh sát giao thông vẫn thường xuyên cử người cắm chốt và xử lý.
Đồng thời đưa ra khuyến cáo, vào thời điểm hiện tại trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp nói riêng và đại lộ, cao tốc nói chung vào sáng sớm, chiều tối và đêm khuya có hiệ, tượng che khuất tầm nhìn.
Tuyến đường chỉ dành cho ô tô di chuyển tốc độ cao nên xe máy, xe thô sơ đi vào sẽ vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khá lớn.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ đề xuất tăng thêm chế tài xử lý, tăng cường thêm camera giám sát giao thông khu vực trên và yêu cầu các đơn vị công an địa bàn, thanh tra giao thông cùng vào cuộc, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Ðể xử lý triệt để hành vi coi thường pháp luật này rất cần sự vào cuộc, lên án của toàn xã hội, đồng thời, có chế tài mạnh hơn như: thu giữ phương tiện, tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây tai nạn giao thông.