20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 1.

Anh Trần Ngọc Bình, chủ tiệm sửa xe Bình Bảo ở Cần Thơ nổi tiếng trong giới chơi xe cổ miền Tây nhờ sở hữu bộ sưu tập xe máy cổ, với những cái tên đã gần như đi vào huyền thoại như Mobylette, Vespa, Lambretta, Sachs... Anh chia sẻ phải mất gần 20 năm tích lũy đủ kinh nghiệm mới có được ngày hôm nay.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 2.

Chiếc xe cổ đầu tiên đến với anh Bình là Mobylette AV85, được một người bác thân quen cho. Anh mô tả chiếc xế là không khác gì đống phế liệu và phải mất 3 năm mới có thể hoàn thiện một vẻ ngoài hoàn toàn mới cho nó. Thời điểm đó cũng là lúc anh Bình vừa mở tiệm phục chế xe nên còn khó khăn, phụ tùng xe hiếm đến nỗi phải đi qua nhiều tỉnh mới thu gom được.

Sau chiếc xe đầu tiên, anh Bình càng thấy thích hơn nghề phục chế xe cổ của mình. Anh dần mua thêm hoặc được cho những xe khác và đến nay có tổng cộng 16 chiếc, chủ yếu là Vespa. Anh thường trưng bày một số tại cửa hàng, một số khác thì để ở nhà vì không gian tiệm không đủ rộng.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 3.

Theo anh Bình, chơi xe cổ có cái thú rất riêng, khó lẫn với những thú vui khác. Xe nhập từ nước ngoài, có tuổi đời từ rất lâu và đều là "tinh hoa" cơ khí khiến cho anh mỗi lần phục chế đều như được tìm hiểu một thế giới hoàn toàn mới. Những dòng xe kiểu Vespa, Lambretta thường đẹp sang trọng trong khi Mobylette lại rất thanh lịch.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 4.

Dù sở hữu nhiều dòng xe khác nhau nhưng có một điểm chung trong bộ sưu tập của anh Bình, đó là anh thường chọn màu xanh pastel để trang trí lại cho hầu hết những chiếc xe cổ. Thoạt nhìn, màu sắc này có vẻ nhạt nhòa nhưng nếu quan sát kỹ, ánh nhũ lại khiến xe sáng lấp lánh. Đặc biệt, màu xanh nhạt có gì đó rất hợp để gán cho những thứ mang tên kỷ niệm, nó vừa mang trong mình vẻ đẹp cổ điển nhưng cũng rất tươi mới, thời trang.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 5.

Ngoài tự sưu tập xe cổ thì công việc chính của anh Bình là nhân phục chế xe cho khách. Những chiếc xe máy khi mới đến tưởng chừng chỉ có thể bán phế liệu thì khi qua tay anh, nhanh thì một tháng mà chậm thì vài tháng bỗng được lột xác hoàn toàn.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 6.

Việc phục chế xe cổ của anh Bình gồm nhiều quy trình. Đầu tiên là khâu kiểm tra xe xem cần phải can thiệp ở mức độ nào, sau đó là đi tìm linh kiện, sơn sửa lại. Khó nhất là những chiếc xe bị rỉ sét, anh Bình phải tốn nhiều công cân chỉnh, tháo lắp mang đi sơn. Công đoạn cuối cùng là chạy thử nghiệm ít nhất một tuần để đảm bảo xe có thể vận hành trơn tru rồi mới giao cho khách.

Hiện nay, phụ tùng xe cổ cũng vẫn còn hiếm nên việc chơi xe cổ phục chế là thú vui không rẻ, thường dành cho những người thực sự đam mê và cũng phải có điều kiện kinh tế một chút. Có chiếc xe thuộc dòng hiếm, mất nhiều công sức, tiền phục chế phải mất đến cả trăm triệu đồng.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 7.

Tuy vậy, việc chơi xe cổ cũng không hẳn là quá khó khăn, những người mới có thể bắt đầu từ những chiếc xe giá cả trung bình, tiền phục chế có thể rơi vào khoảng 10 triệu hoặc hơn một chút. Theo anh Bình, ngày càng có nhiều người chọn chơi xe cổ ở Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung vì sự thú vị mà chúng mang lại, nhất là những dòng xe châu Âu.

20 năm mày mò tự phục chế Vespa, Lambretta cổ của người đàn ông miền Tây - Ảnh 8.

Hiện nay, cộng đồng chơi xe ở Cần Thơ của anh Bình khá mạnh. Thời gian này, anh đang chuẩn bị cho mùa đại hội xe cổ, nơi tụ họp của những người mê kỷ niệm và trân trọng những giá trị của quá khứ được khôi phục ở hiện tại.