Hiện nay, người ta coi xe tăng T-34 là biểu tượng của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và là một trong số những thương hiệu vũ khí Xô Viết có sức ảnh hưởng lớn nhất, không chỉ trong ngành chế tạo vũ khí mà trong cả trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Dòng xe tăng huyền thoại này được coi là nắm đấm sắt chủ lực của Hồng quân Liên Xô ngay cả trong hơn 1 thập niên sau Thế chiến thứ 2. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước khi xe tăng chiến đấu hạng nhẹ T-34 ra đời, Hồng quân Liên Xô còn có một phương tiện tác chiến rất lợi hại khác. Đó là xe ô tô bọc thép.

Có một giai đoạn trong thời Liên Xô trước đây, khi nghe tới từ “bọc thép” là người ta lập tức nghĩ đến hình ảnh những chiếc ô tô có tháp súng máy hoặc tháp pháo tăng hạng nặng chứ không phải những chiếc xe thiết giáp được chế tạo trên khung gầm xe tăng hay na ná xe tăng như thời nay.

Tính đến ngày 22 tháng 6 năm 1941, Hồng quân đã có lượng ô tô bọc thép mang tháp pháo nhiều hơn bất kỳ một đội quân nào trên thế giới. Khi Thế chiến 2 mới nổ ra, những dòng xe bọc thép của Hồng quân Liên Xô có thể chiến đấu ngang ngửa với bất kỳ loại xe tăng nào lúc bấy giờ.

O-to boc thep Lien Xo: Suc manh xe tang tren banh lop
Xe ô tô bọc thép BA-10 (đi đầu) và BA-6 (phía sau) thuộc lữ đoàn tăng số 18 trong cuộc chiến bảo vệ Moscow, ở mặt trận phía Tây, tháng 11 năm 1941

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về quá trình phát triển của một số dòng ô tô chiến đấu chủ lực của quân đội Xô viết ở giai đoạn trước và trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

BA-1: Kẻ tiên phong đặt tháp pháo tăng lên khung gầm xe tải

Cuối năm 1932, chính quyền Liên Xô non trẻ bắt đầu chuẩn bị cho các trận đánh mang tính quyết định với chủ nghĩa tư bản châu Âu. Tuy nhiên khi đó tiềm năng công nghiệp của Đế chế Nga đã bị phá hủy tới mức không thể phục hồi, các nhà máy mới vẫn chưa được xây dựng.

Trình độ kỹ thuật quân sự của Liên Xô (kế thừa của Nga) lúc đó tương đối yếu kém, thiếu những phương tiện tác chiến có hỏa lực mạnh và tính cơ động cao, lực lượng xe tăng vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, không đủ khả năng chọc thủng các tuyến phòng ngự của đối phương.

Trong hoàn cảnh như vậy, nhà máy Izhora đã tìm ra một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để chế tạo ra chiếc xe chiến đấu bọc thép đầu tiên cùng kíp lái 3 người, được đặt tên là BA-1. Hai chữ cái BA là viết tắt của cụm từ “Бронированный Автомобиль - Bronirovannyy Avtomobil” (nghĩa là “xe ô tô bọc thép”).

O-to boc thep Lien Xo: Suc manh xe tang tren banh lop
Một chiếc BA-I diễu hành trên quảng trường Đỏ ngày 7 tháng 11 năm 1934

Các kỹ sư lắp đặt lớp vỏ bọc thép độc đáo với tháp pháo xoay được từ chiếc xe tăng MS-1 lên một khung gầm của xe tải ba trục thông thường "Ford - Timken". Sự kết hợp này đã tạo ra một chiến xa có với lớp vỏ thép dày tới 8mm, tốc độ di chuyển nhanh, được trang bị một khẩu pháo 37 mm và một cặp súng máy.

Khi đó, Liên Xô đã mua của Hoa Kỳ số lượng linh kiện đủ để lắp 1000 cỗ xe chiến đấu, trang bị cho lực lượng Hồng quân một phương tiện tác chiến đột phá có tính cơ động rất cao, hỏa lực mạnh và dễ dàng thay thế, sửa chữa trong điều kiện chiến trường ác liệt.

Tuy nhiên, BA-1 khi đó còn quá nhiều điểm yếu như chỉ có thể di chuyển được trong quãng đường 5-6km, lượng khí độc và sức nóng từ khoang động cơ xâm nhập vào khoang nhân viên quá nhiều khiến nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 độ, làm hạn chế thời gian chiến đấu của chúng.

Theo Báo Đất Việt