Thành công quá lớn của Corolla cùng nhu cầu mua dòng sedan tới từ khắp nơi trên thế giới khiến Toyota buộc phải phát triển nhiều cấu trúc khung gầm khác nhau cho các thị trường khác nhau trong vài năm trở lại đây. Giờ, trong bối cảnh thương hiệu Nhật chuẩn bị ra mắt thế hệ thứ 12 của Corolla, họ cần mang chiếc sedan quy về một mối với một khung gầm toàn cầu duy nhất.

Hiện, thế hệ Corolla thứ 11 thực chất là 3 mẫu xe khác nhau sử dụng 3 khung gầm khác nhau, bán ra tại 154 quốc gia trên toàn cầu. Chiếc hatchback cũ tại châu Âu và Bắc Mỹ có tên Scion iM sử dụng khung gầm riêng, chiếc sedan tại Trung Quốc/Bắc Mỹ lại ứng dụng khung gầm khác trong khi bản wagon/sedan tại Nhật lại dùng khung gầm khác nữa.

Chiếc Corolla hatchback mới được Toyota công bố hồi đầu năm sẽ là mẫu xe khơi màn cho giai đoạn thống nhất của Corolla, theo sau sẽ là 2 bản sedan và wagon, kỹ sư trưởng của dự án, ông Yoshiki Konishi cho biết trong buổi lái thử họ tổ chức tại cao tốc Fuji phía tây Tokeo.

Toyota chuẩn bị hợp nhất 3 khung gầm Corolla, đồng bộ mọi phiên bản toàn cầu - Ảnh 1.

Corolla thế hệ mới sẽ thống nhất các phiên bản toàn cầu sau 6 năm bị nội địa hóa.

Khung gầm TNGA sẽ là "xương sống" cho mọi phiên bản Corolla và đánh dấu bước lột xác quan trọng của dòng xe cỡ nhỏ. Không chỉ giúp cải thiện giá trị thương hiệu và khả năng tiếp thị của Toyota tại một số khu vực, thay đổi khung gầm cũng cho phép hãng đơn giản hóa việc chế tạo cũng như quy trình lắp ráp xe, từ đó đạt được quy mô sản xuất tốt hơn.

16 nhà máy lắp ráp Corolla trên toàn cầu sẽ nhanh chóng được cải tiến để đạt chuẩn lắp ráp TNGA tốt nhất, dự kiến hoàn thành trong 2 năm tới. Đây cũng là đợt nâng cấp lớn nhất, nhanh nhất trong lịch sử Toyota với vốn đầu tư chắc chắn không dưới 1 tỉ USD. Hiện, cứ 10 giây trên thế giới lại có một chiếc Toyota Corolla được giao tới tay khách hàng trên toàn cầu với 1,3 triệu xe bán ra mỗi năm.

Trước đó, gần như mọi dòng xe Corolla đều sử dụng chung khung gầm. Cho tới tận năm 2012 – thời điểm thế hệ thứ 11 ra mắt, công đoạn lắp ráp mới được nội địa hóa nhiều hơn dẫn tới việc "phân nhánh" nói trên nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng địa phương hoặc đáp ứng yêu cầu pháp luật.

Tham khảo: Autonews