Danh sách xe du lịch biến mất khỏi thị trường Mỹ đang ngày một dài lên trong thời gian qua. Dodge Dart và Chrysler của FCA đã ra đi. Toàn bộ đội hình xe du lịch Ford bao gồm cả Fusion và Fiesta bị loại bỏ. GM cũng quyết định dứt tình với Buick LaCrosse, Chevrolet Impala hay Cruze. Tuy nhiên, mặc cho sóng gió vẫn đang nổi lên tại thị trường Mỹ, xe cơ bắp – phân khúc đã trở thành hình ảnh văn hóa gắn liền với quốc gia này vẫn sẽ đứng vững.

"Biến mất dần dần chính là các dòng xe du lịch 4 cửa không bản sắc, không điểm nhấn, không cá tính trên thị trường", cựu giám đốc thương hiệu Dodge từ 2013 tới đầu 2018 Tim Kunikis chia sẻ. Ngược lại, các dòng xe cơ bắp "có cá tính lẫn vị thế riêng trên thị trường".

So với sedan, khoản thu mà xe cơ bắp mang về cho các thương hiệu chủ quản cũng lớn hơn đáng kể. Lấy ví dụ từ chính Fiat Chrysler (tập đoàn khởi điểm cho xu thế thanh lọc đội hình xe du lịch từ 2016), chiếc Dodge Challenger có giá bán trung bình 36.000 USD và đạt tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu ở mức tốt hơn hẳn.

Dù bán ít nhưng xe cơ bắp sẽ không bị khai tử như sedan - Ảnh 1.

Dodge Challenger 2018

Dù vẫn thấp hơn SUV/bán tải, nguồn thu này là đủ để FCA tái đầu tư vào các mặt trận khác của tương lai như xe điện. Riêng với FCA, họ gần như không mất tiền nghiên cứu và phát triển ở hạng mục xe cơ bắp trong những năm gần đây (Dodge Challenger đã dùng khung gầm phát triển từ... 2008, Charger từ 2011). Ngược lại, Ford và GM vẫn đang đổi mới các dòng xe cơ bắp của mình như Mustang hay Corvette/Camaro nhưng nhìn chung chúng vẫn mang lại lợi nhuận tốt.

Tuy vậy, cũng cần nói rằng doanh số xe cơ bắp có thể duy trì ổn định nhưng rất khó tăng, chẳng hạn Dodge Challenger đã đứng sững ở cột mốc 65.000 xe/năm trong suốt 36 tháng qua. Doanh số Mustang thì giảm 3,6% tính đến hết tháng 11 vừa qua, tuy nhiên Ford có thị trường châu Âu và Australia bù đắp lại.

Tham khảo: Autonews