Quản trị doanh nghiệp là một công việc tương đối rõ ràng nếu chỉ xét riêng về các yếu tố cốt lõi: bảo vệ tương lai công ty cũng như danh tiếng của mình, đồng thời luôn tuân thủ luật pháp. Khi khủng hoảng xảy ra, hội đồng quản trị phải bắt đầu hành động càng nhanh càng tốt, đặt ra những giải pháp đồng thời chịu trách nhiệm quản lý để khôi phục lại lòng tin.

Khi ông Rupert Stadler – vị lãnh đạo đi vào lịch sử với tư cách là CEO Đức đầu tiên bị bắt giữ, sau đó bị từ chối bảo lãnh và tạm giam do cố gắng che đậy bê bối động cơ diesel, hội đồng quản trị của tập đoàn Volkswagen đáng lẽ ra phải kiểm soát thiệt hại càng sớm càng tốt.

Đảm bảo một sự chuyển tiếp suôn sẻ sang một lãnh đạo tạm thời khác cho Audi chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, đồng thời tạo khoảng cách giữa tập đoàn và ông Rupert Stadler để bảo vệ danh tiếng được cho là hành động đúng đắn nhất mà Volkswagen có thể làm.

CEO của Audi bị bắt nhưng cách xử lý của Volkswagen mới bị lên án - Ảnh 1.

CEO Rupert Stadler đã bất ngờ bị công tố viên Đức bắt giữ vào hôm thứ 2 vừa qua

Tuy nhiên, thay vào đó, 20 thành viên trong hội đồng quản trị của Volkswagen lại mất tới 6 giờ đồng hồ ngồi tranh cãi vào hôm thứ 2 vừa qua trước khi trì hoãn một buổi bàn bạc thảo luận khác – tất cả là ví dụ hoàn hảo về cách điều hành một công ty sai lầm. Quy mô của Volkswagen là lớn nhất nhì trên thế giới nhưng cách họ đối mặt với khủng hoảng thật sự như một công ty gia đình địa phương hạng trung – nơi sự thiếu chuyện nghiệp và trách nhiệm được thể hiện rõ nét.

Khi Audi cuối cùng cũng đưa ra được công bố đình chỉ ông Stadler và bổ nhiệm giám đốc bán hàng Bram Schot làm CEO tạm thời thì mọi việc cũng đã rồi. Thêm nữa, hãng đã công khai thừa nhận chấp nhận yêu cầu từ chức của ông Stadler, điều mà, ngay cả khi đúng, cũng không cần thiết phải công khai - khiến hãng mất đi cách sửa sai và lối thoát tốt nhất của mình lúc bấy giờ. 

Tập đoàn Đức hoàn toàn có thể đưa ra thông báo về việc cho phép ông Stadler tạm thời rời bỏ vị trí đến khi tên tuổi và thanh danh của ông được chứng minh là trong sạch ngay cả khi chuyện này có thể không bao giờ xảy ra, bởi như vậy sẽ đem lại sự tự tin cho cổ đông, khách hàng và nhân viên VW cũng như Audi – những người đang theo dõi cực kỳ sát sao sự việc.

CEO của Audi bị bắt nhưng cách xử lý của Volkswagen mới bị lên án - Ảnh 2.

Quá chậm, quá thiếu quyết đoán, VW đã tự làm ảnh hưởng tới hình ảnh của chính mình.

Hiện tại, những bằng chứng mà công tố viên Đức thu thập được đã rõ ràng – hoặc là ông Stadler không biết gì về vụ việc đang xảy ra hoặc là ông đang cố tình che đậy các chứng cớ liên quan tới mình, trong đó vế thứ 2 là có thể hơn cả - bằng chứng là hành động quyết đoán từ phía chính quyền. Danh tiếng của ông gần như chắc chắn không thể lấy lại, nhất là khi xét tới quy mô của Dieselgate cũng như việc VW là "bộ mặt" của cả nền công nghiệp ô tô Đức khiến họ không thể nào xem nhẹ những sai phạm lần này.

Sau sự việc vừa qua, có thể thấy chính hội đồng quản trị hiện thời – cũng là những người đã sa thải CEO Matthias Mueller mới chỉ 2 tháng trước một cách cực kỳ chóng vánh, cực kỳ bị động và kém cỏi trong giải quyết vấn đề. Cựu CEO Matthias Mueller đã từng bày tỏ tham vọng cải tổ lại bộ máy làm việc của Volkswagen, tuy nhiên có lẽ chính những lãnh đạo của tập đoàn phải làm mới mình nếu không muốn tập đoàn Đức càng ngày càng mất điểm hơn nữa.

Tham khảo: Autonews