Tại Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển mạnh của thị trường xe ôtô với hàng chục mẫu xe mới được giới thiệu hàng năm, số lượng xe được tiêu thụ trên thị trường trong một tháng luôn lên đến vài ngàn xe. Chính vì thế, sức ép đè lên cơ sở hạ tầng - đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, các bãi đỗ xe mọc lên như nấm vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân.

Bãi gửi xe: lắm bất cập

Tuy nhiên, thực tế tại các bãi gửi xe trong khu vực Hà Nội đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập khiến nhiều người lo ngại. Trước tiên, có thể nói đến cơ sở vật chất của các bãi đỗ xe hiện nay. Ngoài một số bài xe được cơ quan chức năng quy hoạch với tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu dừng, đỗ và gửi xe thì vẫn phát sinh những bãi gửi xe tư nhân được tận dụng tại những khu đất chưa có mục đích sử dụng hoặc đang chờ quy hoạch.

Khi gửi xe ôtô tại những bãi xe này, người lái xe đã phần sẽ phải gửi xe ngoài trời với cơ sở vất chất khá tồi tàn cũng như điều kiện mặt đường bãi gửi thường là nền đất nện hoặc nền rải đá răm - điều này có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng xe. Đó là còn chưa kể những bãi để xe như vậy thường nằm phía sau khu dân cư nên việc các xe ôtô gửi tại đây bị các loại sinh vật như mèo, chuột, gián,... chui vào làm hư hỏng trong thiết bị bên trong cũng là khá bình thường.

Ngoài ra, một số bãi xe do vị trí đỗ xe hạn chế nên thường yêu cầu khách gửi lại chìa khoá xe để nhân viên tự đánh xe. Điều này ngày có vẻ không hợp lý nhưng thực tế cho thấy có khá nhiều bãi xe tư nhân tại Hà Nội áp dụng cách này để có thể thuận tiện hơn trong việc trông, giữ cũng như đánh xe ra vào.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các lái xe khi gửi ôtô tại những bãi xe này chính là việc không hề có một giấy tờ bàn giao, biên nhận gì về việc đảm bảo an toàn cho xe cũng như những đồ dùng bên trong xe. Chủ yếu, các chủ xe vẫn giao xe và chìa khoá dựa trên sự tin tưởng là "chính". Chính vì lẽ đó, khi có sự cố xảy ra, nhiều chủ xe tỏ ra khá hoang mang khi không rõ trách nhiệm của mình đến đâu, và chiếc xe hư hại của mình có được đền bù hay không.


Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại Hà Nội do nhân viên bãi xe điều khiển xe của khách hàng khiến nhiều người giật mình.

Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại Hà Nội do nhân viên bãi xe điều khiển xe của khách hàng khiến nhiều người giật mình.

Chủ xe hoang mang

Anh Hoàng Hải - nhân viên văn phòng - cho biết, gia đình anh hiện đang sử dụng một chiếc xe Ford Focus và đăng ký gửi qua đêm tại một bãi xe trên phố Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, phía bãi xe yêu cầu anh để lại chìa khoá để nhân viên trông xe có thể đưa xe của anh ra/vào lấy chỗ đỗ hoặc đường đi cho các xe khác. Mặc dù không thoải mái với vấn đề này nhưng anh Hải cho biết vì bãi đỗ xe này gần nhà và giá hợp lý nên hàng ngày anh vẫn để lại chìa khoá xe cho nhân viên. Anh Hải cho biết: "Thỉnh thoảng thấy báo chí đưa tin về tai nạn tại các bãi xe lại khiến tôi giật mình thon thót, không biết khi nào đến lượt xe mình."

Trong khi đó, chị Tuyết Hoa -nhân viên ngân hàng - cho biết ngoài việc lo lắng về sự an toàn cho tài sản của mình, chị còn lo ngại những vấn đề liên quan đến pháp lý khi có chuyện không may xảy ra trong khi bãi xe đang giữ xe và chìa khoá xe của chị. Nếu giả sử có va chạm hay tai nạn xảy ra khi nhân viên bãi trông xe điều khiển xe của mình thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Và có chắc chắn rằng tất cả các nhân viên trông xe đều có bằng lái xe ôtô để điều kiện điều khiển xe ôtô hay không?

 


Xe do người khác lái gây tai nạn sẽ phải xử lý thế nào? (ảnh minh hoạ)

Xe do người khác lái gây tai nạn sẽ phải xử lý thế nào? (ảnh minh hoạ)

Ngay cả khi đến những quán ăn, nhà hàng hay khu vui chơi giải trí, các chủ phương tiện cũng thường được nhân viên phục vụ quán yêu cầu để chìa khoá xe lại để nhân viên đưa xe đi gửi. Tuy nhiên, nhiều người dù đưa xe đưa chìa nhưng trong lòng luôn cảm thấy không yên tâm bởi chẳng có gì đảm bảo được an toàn cho chiếc xe của mình và chắc gì những nhân viên của quán đã có bằng lái đủ điều kiện điều khiển xe ôtô.

Cách đây không lâu, đã có chuyện một nữ người mẫu khá nổi tiếng tại Hà Nội bị nhân viên trông xe gần nhà hàng đêm lấy xe để đi dạo phố và chuyện chỉ vỡ lở khi nhân viên trông xe này đâm vỡ phần đầu xe của cô.

Nhân viên trông xe lái xe gây tai nạn, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Có cùng thắc mắc với nhiều độc giả, chúng tôi đã đưa câu hỏi về trách nhiệm pháp lý khi nhân viên điều khiển xe của khách gây tai nạn tới luật sư Trịnh Cẩm Bình - Công ty Luật Biển Đông - thì được luật sư cho biết: "Theo điều 623 của bộ Luật Dân sự 2005, trong trường hợp người chủ phương tiện giao xe cho nhân viên trông xe đánh xe ra/vào bãi và người này không có bằng lái xe thì khi gây tai nạn, chủ phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Còn nếu người nhân viên trông xe có bằng lái xe và gây ra tai nạn thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người bị hại."

Tựu trung lại, việc giao xe cho bên thứ 2 trông coi kèm cả chìa khóa và giao quyền điều khiển xe mình cho họ đã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, vì các chủ xe hầu như không được giao bất cứ loại giấy tờ đảm bảo nào, và cũng không thể xác định rõ được nhân viên trông xe cho mình có bằng lái hay không. Tuy nhiên, với tình cảnh thiếu điểm trông giữ xe như hiện nay, nhiều người lo lắng nếu không gửi như vậy, thì biết để xe chỗ nào?

Câu chuyện trở nên luẩn quẩn giữa rủi do và lợi ích cho người dùng ô tô. Do nhu cầu về những bãi đỗ xe, gửi xe đang tăng cao hiện nay thì việc có thêm những bãi đỗ xe tư nhân sẽ phần nào đáp ứng được yêu cầu của các lái xe. Thế nhưng các bãi để xe làm gì để bảo đảm về chất lượng nhân viên, chất lượng bến bãi cũng như an toàn cho tài sản cho khách hàng - ở đây cụ thể là một chiếc xe ôtô - thì vẫn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ và chưa có ai hồi đáp và rõ ràng, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc quản lý những điểm đỗ xe này và bảo vệ quyền lợi cho người dùng ô tô.

 

Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Công ty Luật Biển Đông
Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Công ty Luật Biển Đông

Trích điểm 2 và điểm 4 của điều 623 Luật Dân sự 2005:

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.