Hiện nay, Mỹ đã bắt đầu cắt giảm lực lượng vũ trang tại khu vực Trung Đông. Do đó, những loại xe quân sự không dùng đến đang dần được phân bổ đều về các thành phố trên toàn nước Mỹ. Điển hình là MRAP, loại xe bọc thép chống bom mìn đặc biệt của quân đội Mỹ.

Trong năm 2007, quân đội Mỹ đã đặt mua khoảng 10.000 chiếc MRAP với giá 500.000 USD. Đến nay, những chiếc MRAP "về vườn" sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cảnh sát Mỹ được cấp xe bọc thép chống bom mìn 1
Dàn xe MRAP

Mới đây, lực lượng cảnh sát hạt Dallas, bang Texas đã được cấp một chiếc MRAP trị giá khoảng 600.000 USD. Theo giới truyền thông Mỹ, lực lượng cảnh sát hạt Dallas chỉ phải chi tiền để vận chuyển chiếc xe về trụ sở, đổ nhiên liệu, sơn lại và đăng ký sử dụng.

Được chế tạo vào năm 2007, chiếc MRAP cấp cho lực lượng cảnh sát hạt Dallas không được sử dụng trên chiến trường. Xe được trang bị đầy đủ lốp run-flat và lớp bọc thép chống bom mìn. 

Đại diện lực lượng cảnh sát hạt Dallas cho biết, chiếc MRAP sẽ được sử dụng để chở tử tù. Hạt Dallas tuy rộng lớn và phát triển nhưng tỷ lệ tội phạm tại đây lại khá thấp. Do đó, lực lượng cảnh sát hạt Dallas chắc chắn cũng không có nhiều việc để làm với chiếc MRAP được cấp.

Tất nhiên, đây không phải là lực lượng cảnh sát đầu tiên tại Mỹ được cấp một chiếc MRAP "về vườn" để dùng cho mục đích chấp pháp. Hồi tháng 8 vừa qua, một vài chiếc MRAP khác cũng đã đến tay các lực lượng cảnh sát tại thành phố Murfreesboro, bang Tennessee và trường Đại học Ohio ở Columbus.

Cảnh sát Mỹ được cấp xe bọc thép chống bom mìn 2

MRAP là loại xe thường được trang bị phần thân hình chữ V để làm chệch hướng lực nổ bên dưới gầm. Thiết kế đó giúp bảo vệ xe cũng như người ngồi bên trong. MRAP được thiết kế chủ yếu để chống mìn mặt đất. Ngoài ra, xe còn chịu được sức công phá của thiết bị nổ tự chế. Thiết kế của MRAP gần như không thay đổi từ thập niên '70 khi xe lần đầu tiên được bổ sung vào dòng phương tiện quân đội đặc biệt.

MRAP được chia thành 3 loại chính, tùy thuộc vào trọng lượng và kích thước. Loại 1 là MRAP-MRUV vừa nhỏ vừa nhẹ, được thiết kế để sử dụng trong thành phố. Thứ hai là loại MRAP-JERRV chuyên đảm trách những nhiệm vụ như hộ tống, chuyển quân, cấp cứu và gỡ thiết bị nổ. Trong khi đó, loại thứ 3 có khả năng gỡ mìn mặt đất và các thiết bị nổ tự chế đồng thời chở theo 6 người.

Việc sử dụng MRAP của chính phủ Mỹ đã bị khá nhiều người chỉ trích. Phần lớn đều phàn nàn về chi phí quá cao dành cho chương trình sử dụng MRAP, khoảng 17,6 triệu USD, mức tiêu thụ nhiên liệu lớn và thiết kế xe quá đa dạng. Ngoài ra, không ít người lính còn thắc mắc về thiết kế không hợp lý của một số phiên bản MRAP.