Theo quy định, kể từ ngày 1/1/2016, ô tô lưu thông trên đường phải có bình cứu hỏa phù hợp ở bên trong xe nếu không người lái sẽ bị xử phạt hành chính. Quy định này hiện đang là đề tài bàn tán sôi nổi nhất trên mạng xã hội và xuất hiện tràn lan trên các mặt báo.

Điều khiến nhiều người quan tâm nhất là đặt bình cứu hỏa ở vị trí nào trong ô tô sao cho an toàn và thuận tiện. Một số trường hợp bình cứu hỏa nổ trong ô tô trước đó càng khiến người dùng xe hơi lo ngại.

Tại nước ngoài, bên cạnh bình chữa cháy, người dân còn có một giải pháp dập lửa hiệu quả mà an toàn khác, đó là bóng cứu hỏa. Với thiết kế độc đáo và có nhiều lợi ích, bóng cứu hỏa ngày càng được người dân ở nhiều nước trên thế giới tin dùng. Vậy, bóng cứu hỏa là gì?

Lịch sử bóng cứu hỏa

Ngay từ thế kỷ 19, những quả bóng bằng thủy tinh chứa dung dịch dập lửa đã được sử dụng rộng rãi trong các vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, thiết kế của những quả bóng này nhanh chóng trở nên lỗi thời. Mãi đến vài năm gần đây, bóng cứu hỏa mới trở lại thị trường.

Những loại bóng cứu hỏa hiện đại không còn được làm bằng thủy tinh nữa. Thay vào đó, bóng cứu hỏa hiện đại có vỏ xốp bọc bằng nhựa PVC. Bên trong vỏ có tích hợp thêm ngòi nổ. Bóng cứu hỏa thường có vỏ màu sắc sặc sỡ và ghi rõ cách sử dụng cũng như cảnh báo cho người dùng.

 

Đoạn video cho thấy cách sử dụng và hiệu quả của bóng cứu hỏa.

Khi cần dập lửa, mọi người chỉ cần ném hoặc lăn quả bóng cứu hỏa vào chỗ cháy. Sau đó, ngòi nổ bên trong sẽ tự động kích hoạt quả bóng cứu hỏa. Khi quả bóng nổ, bột khô dập lửa bên trong sẽ tung ra để ngăn chặn hỏa hoạn. Thông thường, các hãng sản xuất sẽ dùng Mono Amoni Photphat (M.A.P) không độc hại cho bóng cứu hỏa.

Phương thức hoạt động của bóng cứu hỏa

Hiện trên thị trường có nhiều loại bóng cứu hỏa khác nhau như Elide Fire Ball. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của bóng cứu hỏa đều giống nhau. Khi sợi dây ngòi nổ tiếp xúc với lửa trong thời gian khoảng 3 giây, vỏ của bóng cứu hỏa sẽ vỡ để bột bên trong tung ra. Bóng cứu hỏa có thể dập lửa trong bán kính từ 4-5 mét. Ngoài ra, quả bóng sẽ phát ra âm thanh cảnh báo cho những người đứng gần để họ tránh ra chỗ khác.

Lợi ích của bóng cứu hỏa

Bóng cứu hỏa có những lợi ích riêng và có thể kết hợp với các phương tiện chữa cháy truyền thống để dập lửa nhanh hơn. Đặc biệt, bóng cứu hỏa không cần bảo dưỡng và có tuổi thọ khoảng 5 năm. Trong khi đó, bình cứu hỏa truyền thống cần được bảo dưỡng thường xuyên và tốn kém.

Sự linh hoạt khiến bóng cứu hỏa trở thành lựa chọn khôn ngoan trong nhà hoặc trên xe hơi. Khi nổ, bóng cứu hỏa không gây hỏng xe như bình chữa cháy truyền thống. Đoạn video dưới đây có thể cho thấy điều đó. Trong đoạn video, một người lính cứu hỏa cầm quả bóng trên tay và ngòi nổ được kích hoạt. Khi bóng nổ, người lính cứu hỏa hoàn toàn không hề bị thương.

 

Bóng cứu hỏa không gây thương tích cho con người.

Bản thân bột bên trong bình cứu hỏa cũng không độc hại cho con người hay động vật. Khi hết hạn sử dụng, người dùng có thể lấy bột bên trong bóng cứu hỏa và trộn với nước để làm phân bón cây.

Ngoài ra, bóng cứu hỏa còn khá nhẹ với trọng lượng chỉ khoảng dưới 1,5 kg nên trẻ em hay người lớn tuổi đều có thể cầm được. So với bình chữa cháy truyền thống, bóng cứu hỏa cũng dễ sử dụng hơn và cho phép mọi người dập lửa mà không cần đến gần đám cháy.

Tất nhiên, bóng cứu hỏa không sinh ra để thay thế bình chữa cháy truyền thống. Thay vào đó, bóng cứu hỏa là một giải pháp để tăng cường hoạt động phòng cháy chữa cháy. Đáng tin cậy, hiệu quả, không độc hại hay gây hỏng hóc, bóng cứu hỏa thực sự là một lựa chọn đáng lưu ý.