Khoảng 16 giờ 30 phút chiều ngày 18/3, chiếc xe cứu hỏa thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy số 12 khi đang làm nhiệm vụ đã va chạm gần trực diện với một chiếc xe khách 45 chỗ trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Sau tai nạn, một chiến sĩ PCCC đã tử vong tại bệnh viện khi đang cấp cứu. Một số người khác bị thương.

Theo thông tin ban đầu, đội cứu hỏa quyết định đi ngược chiều từ đường nhánh vào cao tốc bởi làn đường nơi xảy ra tai nạn đang xảy ra ách tắc, các xe khó có thể di chuyển.

Khi vừa qua nút giao và hướng về phía làn đường bên trái (làn tốc độ cao), chiếc xe cứu hỏa bị một chiếc xe khách đâm chéo vào khoang cabin. Cả hai chiếc xe đều bị biến dạng nặng nề phần đầu.

Sau khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đoạn video trích xuất từ camera giao thông đã khiến nhiều người tranh cãi nhau, liệu xe cứu hỏa đúng hay xe khách đúng trong trường hợp này.

Xe cứu hỏa và xe khách va chạm trên cao tốc. Video ghi lại từ camera giao thông.

Theo Điều 12, Luật Giao thông đường bộ, xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều, đi vào các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Nghị định 46/2016 quy định xử phạt với hành vi đi ngược chiều trên cao tốc có nêu "trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định".

Như vậy, xét về luật, chiếc xe cứu hỏa đi đúng trong trường hợp này. Trong quá trình di chuyển, xe đã bật đầy đủ tín hiệu ưu tiên để các phương tiện khác có thể nghe và nhìn thấy từ xa.

Tranh cãi nảy lửa vụ xe khách và xe cứu hỏa va chạm đấu đầu trên cao tốc - Ảnh 2.

Chiếc xe cứu hỏa biến dạng sau tai nạn. Ảnh: FB/Otofun.

Chiều ý kiến khác từ phía một số người dân lại cho rằng, chiếc xe cứu hỏa đi đúng nhưng sang đường quá gấp dẫn đến tai nạn.

"Với tốc độ lên đến 100 km/h, trời mù, lại đang có mưa, đường trơn trượt, chiếc xe khách khó tránh khi xe cứu hỏa nhập làn bất ngờ như vậy được," một người nhận xét. "Tại sao chiếc xe cứu hỏa không rẽ vào làn khẩn cấp mà lại lao thẳng ra làn ngoài, khiến xe khác không kịp xử lý," người khác đưa ra ý kiến trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Lâm, một lái xe tại Hà Nội, chia sẻ: "Lái xe trong điều kiện thời tiết xấu hoặc đêm tối rất nguy hiểm, ngay cả với những người cầm lái lâu năm, vì tầm quan sát bị hạn chế, tâm lý, thể trạng bị ảnh hưởng. Quy tắc an toàn đối với xe cùng chiều là 3 giây khi thời tiết đẹp nhưng phải mở rộng tới 6 giây trong thời tiết xấu. Trong trường hợp này, chiếc xe khách khó tránh được."

Phản hồi lại, anh Nguyễn Thọ (Nghệ An) cho biết: "Tiếng cảnh báo xe cứu hỏa nghe rất rõ, thậm chí cách hàng cây số cũng nghe thấy. Chưa kể đến, chiếc xe khách chạy làn trong, tốc độ thấp hơn. Xe cứu hỏa đã bật còi ưu tiên từ xa, khi còn ở trong đường nhánh, sao xe khách lại không thể tránh được?"

Giải thích về việc chiếc xe cứu hỏa nhào ra làn ngoài, anh Phượng, người dân sinh sống gần khu vực, cho biết: "Theo lời người lái xe ôm gần đó thuật lại, chiếc xe khách có dấu hiệu đi về phía làn trong nên xe cứu hỏa mới phải đánh lái và chuyển ra làn ngoài. Chiếc xe khách bất ngờ cũng hướng về phía làn ngoài khiến xảy ra tai nạn."