Tác giả báo cáo Will Barrett, giám đốc cấp cao của hiệp hội cho biết: "Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đang khiến trẻ em gặp nguy hiểm". Đáng nói, "tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng và điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm những rủi ro mà trẻ em ở Hoa Kỳ phải đối mặt khi lớn lên."

Báo cáo xác định rằng, cuộc sống của trẻ em có thể lành mạnh hơn rất nhiều nếu tất cả những người mua ô tô mới chọn các phương án không phát thải vào năm 2035; sử dụng phương tiện hạng trung và hạng nặng không phát thải như xe buýt, xe cứu thương và xe đầu kéo năm 2040 và chuyển đổi lưới điện quốc gia sang năng lượng sạch và tái tạo vào năm 2035.

Thị trường xe điện đang hạ nhiệt bỗng nhận được cú "vote" quý giá từ Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ: Chuyển sang sử dụng ô tô không phát thải giúp cứu sống 508 trẻ sơ sinh, ngăn ngừa hàng triệu bệnh tật ở trẻ em - Ảnh 1.

Xe điện giúp giảm lượng khí thải và bảo vệ môi trường tốt hơn

Báo cáo mới nhất này ước tính rằng đến năm 2050, việc chuyển đổi sang các phương tiện không phát thải và lưới điện khử cacbon sẽ đồng nghĩa với việc giảm: 2,79 triệu ca hen suyễn ở trẻ em; giảm 147.000 ca viêm phế quản cấp tính; giảm 2,67 triệu ca mắc các triệu chứng hô hấp trên và ít hơn 1,87 triệu ca các triệu chứng hô hấp dưới. Đặc biệt, 508 trẻ sơ sinh sẽ được cứu sống.

Nghiên cứu này xuất phát từ một báo cáo lớn hơn của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cho biết, việc thúc đẩy mạnh mẽ các phương tiện không phát thải sẽ tạo ra hơn 1,2 nghìn tỷ USD lợi ích sức khỏe cho Hoa Kỳ vào năm 2050.

Giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm carbon lớn nhất nước này và chiếm 28% lượng phát thải khí nhà kính, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, tiếp theo là sản xuất điện ở mức 25%.

Theo tính toán của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, xe điện tạo ra 3.932 pound carbon (khoảng 1,8kg) mỗi năm, so với 11.435 pound (5,1kg) của các phương tiện chạy bằng khí đốt.

Thị trường xe điện đang hạ nhiệt bỗng nhận được cú "vote" quý giá từ Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ: Chuyển sang sử dụng ô tô không phát thải giúp cứu sống 508 trẻ sơ sinh, ngăn ngừa hàng triệu bệnh tật ở trẻ em - Ảnh 2.

Trẻ em là đối tượng hứng chịu mạnh mẽ nhất từ tác hại của ô nhiễm môi trường - Ảnh: TTXVN

Ô nhiễm nguy hiểm hơn đối với trẻ em vì cơ thể trẻ vẫn đang phát triển. Cụ thể, trẻ em có xu hướng hít vào nhiều không khí hơn người lớn vì hơi thở của chúng nhanh hơn, kết quả là phổi và cơ thể của chúng phải hứng chịu nhiều ô nhiễm hơn. Báo cáo mới cho biết, trẻ em cũng có xu hướng dành nhiều thời gian ở bên ngoài – trong không khí có khả năng bị ô nhiễm hơn người lớn.

Đặc biệt, ô nhiễm có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ ngay cả trước khi sinh. Các nghiên cứu cho thấy việc người mẹ tiếp xúc môi trường độc hại có thể khiến trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.

Trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi mới sinh và trong suốt cuộc đời. Các bé có nguy cơ cao hơn gặp các triệu chứng như khó thở, hay các vấn đề về tim, tiêu hóa, thách thức về hệ thống miễn dịch và trí tuệ.

Ngay cả khi một đứa trẻ được sinh đủ tháng, việc tiếp xúc với ô nhiễm có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc cũng có liên quan đến nguy cơ trầm cảm, lo lắng và thậm chí tự tử cao hơn đối với cả trẻ em và người lớn.

Tiến sĩ Daniel Horton, trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu về trái đất và các hành tinh tại Northwestern từng xuất bản một số bài báo cho biết, có thể tiết kiệm được hàng tỷ đô la và cứu sống hàng trăm người ngay cả khi chỉ một số ít chuyển sang sử dụng xe điện.

"Bất cứ điều gì chúng ta có thể giảm khí thải từ giao thông vận tải đều sẽ có lợi cho việc giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí và biến đổi khí hậu", Tiến sĩ Daniel Horton nói.

Thị trường xe điện đang hạ nhiệt bỗng nhận được cú "vote" quý giá từ Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ: Chuyển sang sử dụng ô tô không phát thải giúp cứu sống 508 trẻ sơ sinh, ngăn ngừa hàng triệu bệnh tật ở trẻ em - Ảnh 3.

Chỉ cần 30% tổng số phương tiện giao thông ở khu vực Chicago được thay thế bằng xe điện sẽ cứu được hơn 1.000 mạng sống

Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2023 mô phỏng mức chất lượng không khí ở cấp độ khu vực lân cận cho thấy rằng, nếu chỉ 30% tổng số phương tiện giao thông ở khu vực Chicago được thay thế bằng phiên bản chạy điện thì sẽ cứu được hơn 1.000 mạng sống và hơn 10 tỷ USD mỗi năm do ít tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Một nghiên cứu khác tập trung vào việc thay thế 30% phương tiện hạng nặng như xe tải và xe buýt trường học ở khu vực Chicago bằng phiên bản chạy điện sẽ cứu được hơn 500 mạng sống và khoảng 5 tỷ USD mỗi năm về lợi ích sức khỏe.

Hiện Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đang khuyến khích chính phủ xây dựng các tiêu chuẩn ô nhiễm mạnh nhất có thể.

Tác giả báo cáo Will Barrett nói: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những chính sách đó được chính quyền hoàn thiện nhanh chóng để thực sự giải quyết vấn đề ô nhiễm từ những nguồn có hại này".

Theo CNN