Trên đường cao tốc, bạn đang lái xe xuống dốc, phía trước là hàng loạt ánh đỏ của đèn phanh. Những chiếc xe phía trước bắt đầu phanh khiến bạn và các phương tiện đằng sau cũng làm tương tự. Đi thêm vài km nữa, khi hết ùn tắc, bạn phát hiện chẳng có tai nạn, cấm đường, nút thắt giao thông hay công trình thi công. Chỉ là ùn tắc không lý do.

Các kỹ sư giao thông gọi đây là hiện tượng “tắc đường ma”. Hiện tượng này khác với giao thông hỗn loạn vào giờ cao điểm khi xe san sát nhau và đường quá tải. “Tắc đường ma” xảy ra tự nhiên khi tài xế lái xe đủ nhanh và đủ gần nhau. Mấu chốt ở đây là con người.

Do đó, nếu chỉ một phần nhỏ phương tiện tham gia giao thông là xe không người lái, tình trạng “tắc đường ma” sẽ giảm đáng kể.

Tích tiểu thành đại

Theo Benjamin Seibold, một nhà toán học chuyên nghiên cứu các mô phỏng kỹ thuật giao thông tại trường đại học Temple, “tắc đường ma” thực ra không phải do các tài xế vô ý thức hay sai lầm diễn ra trên đường. Đó là những hệu ứng nhỏ tăng dần trong cả hệ thống. “Điều thực sự xảy ra là khi đường trở nên đông đúc, xe nhích từng đoạn một và những lo lắng nhỏ tăng dần lên. Cuối cùng hàng loạt chiếc xe bất thình lình phanh lại”, ông Seibold cho biết.

Như vậy, về cơ bản tắc đường không phải lỗi của một người. Song điều đó không có nghĩa là không thể tránh được. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu những chiếc xe tự lái, loại phương tiện không có những lỗi nhỏ như con người, chạy trên đường cao tốc?

Trong năm 2014, ông Seibold và một đội nghiên cứu đã được Tổ chức Khoa học Mỹ tài trợ 1 triệu USD trong 3 năm để nghiên cứu việc xe tự hành có cải thiện giao thông như “tắc đường ma” hay không. Mặc dù vẫn ở những giai đoạn đầu của dự án, ông Seibold đã tập hợp các mô hình máy tính mô phỏng những phương thức xe tự lái có thể giảm “tắc đường ma” theo chiều hướng tích cực. Thậm chí, chỉ một tác động nhỏ của những chiếc xe không người lái cũng sẽ lan toả ra cả con đường và đóng vai trò như yếu tố phá vỡ làn sóng của những chiếc ô tô đang nhích từng cm với nguy cơ dần tạo thành trận ùn tắc khó chịu khác.

Trong một mô hình của Seibold, ông đã phát hiện nếu chiếm khoảng 2% phương tiện trên đường, những chiếc xe tự hành sẽ “lái theo một cách riêng cho phép chúng giữ một vận tốc không đổi và có thể giảm kiểu giao thông dừng-rồi-đi đến 50%."

Rô bốt lái xe như thế nào?

Làm thế nào chỉ vài chiếc xe có thể tạo ra khác biệt lớn đến vậy? Theo ông Seibold, những chiếc ô tô tự lái có thể tạo ra thêm những không gian nhỏ giữa chúng và bất cứ chiếc xe nào phía trước. Việc phanh và tăng tốc được tính toán cẩn thận. Như vậy, thay vì bám sát chiếc xe phía trước và nhấn phanh liên tục, giống như một số tài xế “cuồng chân phanh”, xe tự lái có thể để lại những không gian đủ để đi chậm lại một cách từ tốn khi giao thông đông đúc, tạo ra ít hơn những “làn sóng” phanh gấp lan toả ra cả hệ thống giao thông.

Xe không người lái còn có những khả năng mà con người không có như dự đoán tình hình giao thông phía trước. Giả sử có thể dự đoán điều xảy ra với 8 phương tiện phía trước, xe tự lái sẽ giảm “tắc đường ma” bằng cách đi chậm lại chỉ vài km/h trước khi ùn tắc xảy ra. Mặc dù xe tự hành không có nhiều thay đổi trong phong cách lái nhưng những điều chỉnh này lại có hiệu ứng lớn.

Nói một cách công bằng, Seibold biết mô hình của ông vẫn còn khá đơn giản khi bỏ qua những yếu tố như chuyển làn hay lái xe vô lý thức và những thí nghiệm sử dụng xe tự lái thực tế vẫn chưa được tiến hành. Tuy nhiên, theo ông, tất cả những bằng chứng hiện có đều chứng tỏ loại xe tự lái thực sự có tác động đáng kể đến “tắc đường ma”, rất nhanh ngay khi chúng nhập vào dòng phương tiện.

Ngọc Hòa