Nhắc đến hệ thống cửa cánh chim, chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ tới mẫu siêu xe Mercedes-Benz SLS AMG đình đám. Thậm chí, thành viên nhà Mercedes-Benz còn được gắn liền với cái tên siêu xe cửa cánh chim.

Từ trước đến nay, trên thị trường ô tô thế giới, không có quá nhiều mẫu xe được trang bị hệ thống cửa cánh chim như Mercedes-Benz SLS AMG. Mẫu xe mới nhất có hệ thống cửa cánh chim chính là Tesla Model X.


Cửa cửa Tesla Model X có thể mở lên dù bị kẹp sát giữa hai xe.

Cửa cửa Tesla Model X có thể mở lên dù bị kẹp sát giữa hai xe.

Có thể nói, hệ thống cửa cánh chim mang đến thiết kế bắt mắt, độc đáo và “chất” hơn hẳn cho xe. Bên cạnh đó, cửa cánh chim còn có một số ưu điểm không thể phủ nhận khác như tiết kiệm không gian khi mở lên. Điều này đã được chứng minh thông qua Tesla Model X hoàn toàn mới. Nhờ đó, hệ thống cửa cánh chim tỏ ra là một lựa chọn hợp lý cho xe đô thị.

Một ưu điểm khác của hệ thống cửa cánh chim là không gian cho người sử dụng ra vào rộng hơn. Ưu điểm này giúp người dùng xe cửa cánh chim ra vào dễ dàng và không gặp khó khăn trong việc bê đồ.

Tiện lợi và “ngầu” như thế nhưng hệ thống cửa cánh chim lại không được nhân rộng cho nhiều mẫu xe. Lý do vì sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cửa cánh chim rất khó thiết kế

Đưa bản lề lên trên thay vì nằm ngang nghe có vẻ không phải là một vấn đề quá phức tạp. Tuy nhiên, thật sự thì đằng sau thiết kế cửa cánh chim là những thách thức không dễ giải quyết.


Bản thiết kế cửa cánh chim của siêu xe Mercedes-Benz SLS AMG.

Bản thiết kế cửa cánh chim của siêu xe Mercedes-Benz SLS AMG.

Thách thức đầu tiên là trọng lượng của cửa cánh chim. Hệ thống cửa cánh chim thường khá nặng, đòi hỏi đi kèm bản lề thật khỏe. Đó là còn chưa kể đến hệ thống trợ lực để người sử dụng không phải vật lộn với việc nhấc cửa lên.

Giải pháp có thể là sử dụng thanh xoắn trên nóc như xe DeLorean trong quá khứ. Đây là thanh có nhiệm vụ xoắn vào để tạo ra áp lực khi cửa đóng. Khi cửa mở, thanh xoắn lại vặn ra. Trong khi đó, ở dòng xe hiện đại như Tesla Model S, hệ thống cửa mở cánh chim được chỉnh điện.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở đó. Khi thiết kế, các kỹ sư phải đảm bảo trần xe không bị oằn vì cửa cánh chim. Các kỹ sư phải tìm chỗ đặt thanh xoắn và cấu trợ lực trong trần xe chứ không phải ở cửa.

Ngoài ra, các kỹ sư còn phải tính toán làm sao để cửa cánh chim đóng khít với thân xe. Bị rò nước vào trong khi trời mưa là hiện tượng chung của xe cửa cánh chim. Bản thân ông Elon Musk, CEO của hãng Tesla, khẳng định đã nghiên cứu kỹ vấn đề này trước khi đưa cửa cánh chim lên Model X.

Đôi khi cửa cánh chim rất bất tiện


Với tay tới cửa cánh chim để đóng không phải chuyện ai cũng làm được.

Với tay tới cửa cánh chim để đóng không phải chuyện ai cũng làm được.

Bất tiện lớn nhất của xe cửa cánh chim có lẽ là việc người sử dụng rất khó để đóng mở thủ công vì cánh cửa bị đẩy lên quá cao. Với thế ngồi trong xe, người lái buộc phải vươn mình lên để đóng cửa. Đây quả thật là một cực hình đối với những người có thân hình thấp bé. Tất nhiên, với xe có cửa cánh chim chỉnh điện như Tesla Model X, điều này sẽ được giải quyết.


Người cao lại có thể bị cộc đầu vì cửa cánh chim.

Người cao lại có thể bị cộc đầu vì cửa cánh chim.

Bất tiện thứ hai là người sử dụng có thể bị cộc đầu vào cánh cửa, đặc biệt là những người cao ráo. Trên thực tế, trước ngày Tesl Model X chính thức ra mắt, đã có một đoạn video ghi lại tai nạn nho nhỏ tương tự. Trong đó, một người phụ nữ đã bị cộc đầu vào cửa cánh chim của Tesla Model X nguyên mẫu.

Vấn đề an toàn

An toàn là một trong những rào cản lớn nhất của hệ thống cửa cánh chim. Theo tiêu chuẩn an toàn liên bang Hoa Kỳ, hệ thống cửa xe phải được thiết kế sao cho dễ mở khi xe bị lật ngửa. Điều này khiến các kỹ sư lại phải tính toán thêm khi thiết kế cửa cánh chim.

Một số giải pháp đã được đưa ra, từ thô sơ đến đắt đỏ. Điển hình như cửa cánh chim của xe DeLorean. Kính cửa sổ trên xe DeLorean có thể đạp bung dễ dàng trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, cửa cánh chim trên Mercedes-Benz SLS AMG đi kèm bu lông có thể nổ để cửa rời ra khỏi bản lề khi xe bị lật ngửa.


Thử nghiệm cửa cánh chim của Mercedes-Benz SLS AMG khi xe bị lật.

Thử nghiệm cửa cánh chim của Mercedes-Benz SLS AMG khi xe bị lật.

Tuy nhiên, giải pháp tối ưu nhất vẫn là “không dùng cửa cánh chim”. Nếu phát cuồng vì cửa cánh chim, các kỹ sư có thể chọn thiết kế như Tesla Model X. Đây là mẫu xe có hai cửa truyền thống ở trước và cửa mở khoang hành lý dạng cánh chim.

Thử thách tiếp theo là bảo vệ người ngồi trong xe khi xảy ra va chạm bên sườn. Điều này nghĩa là cửa phải thật khỏe để chịu được lực tác động từ những vụ va chạm ngang sườn. Trong khi đó, cửa cánh chim lại phải thật nhẹ để dễ đóng/mở. Mâu thuẫn nảy sinh từ đây.

Chi phí sản xuất cao hơn

Với tất cả những thách thức kể trên, để tạo ra một hệ thống cửa cánh chim hợp lý và đẹp mắt cho xe, các hãng ô tô chắc chắn phải tốn kém thời gian cũng như tiền bạc. Rõ ràng, cửa cánh chim sẽ có chi phí sản xuất cao hơn cửa thông thường. Đây cũng là một phần lý do khiến cửa cánh chim chỉ có trên những mẫu xe đắt tiền như Mercedes-Benz SLS AMG và Tesla Model X. Tại thị trường Mỹ, Tesla Model X có giá khởi điểm lên đến 132.000 USD, tương đương 2,96 tỷ Đồng.

Vũ Long