“Cửa tự sát” là gì?

"Suicide doors – Cửa tự sát” là cái tên dành cho một kiểu cửa độc đáo trong công nghệ chế tạo cửa xe, trong đó bản lề của cửa ở hàng ghế thứ 2 gắn ở phía sau thay vì phía trước như cửa xe thông thường. Điều đó đồng nghĩa là 2 cánh cửa trên cùng một bên sẽ mở theo 2 hướng ngược nhau.

1947 Mercury Sedan
1947 Mercury Sedan

"Cửa tự sát" từng được sản xuất đại trà vào đầu thế kỷ 20 nhưng tới thập niên 1960, loại cửa này đã bị cấm sử dụng do tính an toàn không cao. Hiện nay, "cửa tự sát" vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên những mẫu xe mới có nguồn gốc cuối thập niên 1990 và đầu 2000. Đây cũng là thời điểm mà "suicide doors" thường xuyên được nhắc tới trong các ca khúc nhạc rap.

Cadillac Ciel
Cadillac Ciel

Tại sao lại gọi là cửa tự sát?

Không cần phải bàn cãi nhiều, "Cửa tự sát" rõ ràng có nhiều ưu điểm như độc đáo, tạo vẻ sang trọng cho xe, mở cửa cabin rất rộng và dễ dàng ra vào xe. Tuy nhiên, món phụ kiện dành cho 4 bánh này có điểm yếu lớn nhất là kém an toàn.

Đối với một chiếc xe thông thường khi đang chạy, lực ép của gió sẽ khiến bạn rất khó có thể mở cửa. Xe càng chạy nhanh, lực cản lên cửa càng lớn, bạn càng khó mở rộng cửa, do đó, việc hành khách bị rơi khỏi xe đang chạy do bung cửa là rất khó xảy ra.

Đối với cửa Suicide thì lại khác, loại cửa này rất dễ bị mở bung ra do tác động khí động lực học khi xe đang chạy. Nhiều trường hợp hành khách cố gắng đóng cửa đã bị kéo ra ngoài và dẫn tới tử nạn. Đặc biệt thời điểm mới ra mắt những năm 30, ô tô còn chưa có đai an toàn và những tính năng an toàn khác như xe hiện đại, nguy cơ rơi khỏi xe khi dùng cửa này càng cao.

Một nhà báo chuyên về ô tô đã nhắc tới suicide doors như những một vũ khí giết người của những kẻ tội phạm thập niên 1930 bởi hành khách trong xe sử dụng "suicide doors" dễ dàng bị đẩy ra ngoài hơn so với nhưng loại cửa khác do bản lề của cửa tự sát lắp ở phía sau.

Tất nhiên, ở một số mẫu xe hiện đại còn sử dụng kiểu cửa này, các nhà sản xuất đã tính toán kỹ lưỡng và thêm nhiều tính năng để nó trở nên an toàn cho người dùng hơn nhiều. Chẳng hạn như với mẫu Rolls Royce Phantom, cửa sau được trang bị hệ thống khóa điện tử tự động kích hoạt khóa cửa khi xe chạy, rất an toàn. Lúc này, Suicide doors lại đem về không gian ra vào cabin rộng rãi, điểm nhấn phong cách và tạo nét quý tộc cổ điển cho xe.

Cửa tự sát và các ca khúc nhạc Rap

Đối với những tín đồ của dòng nhạc rap thì "suicide door" có lẽ không còn quá xa lạ. Ca khúc thứ 4 trong danh sách những bài hát hay nhất năm 2011 của nhà phê bình âm nhạc Jonah Weiner là ca khúc "Look at Me Now" của Chris Brown với đoạn nhạc “She wax it all off, Mr. Miyagi/ And them suicide doors, Hari Kari.” Thậm chí, một rapper khác là David Banner còn dành hẳn một ca khúc mang tên "suicide doors."

Kết cấu đặc biệt của kiểu cửa này và “công dụng” bất đắc dĩ của nó khi giới tội phạm sử dụng cũng phần nào giải thích vì sao "suicide doors" thường xuất hiện trong ca khúc hip-hop hay rap, những bài hát lột tả thế giới ngầm. Nhiều bài hát như "The Return" của Jay-Z và R.Kelly hay "Gunz Come Out" của 50 Cent's đều gắn "suicide doors" gần với hình ảnh tội phạm, vũ khí hay bạo lực. "Cửa tự sát" ngày càng phổ biến trong thế giới nghệ sỹ hip-hop khi nhiều người coi đây là một phụ kiện đắt giá.

Mazda RX8
Mazda RX8

Càng nguy hiểm, càng hấp dẫn

Mặc dù nguy hiểm là vậy nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn mạnh mẽ của loại cửa xe này. Nó tạo vẻ đặc biệt cho chiếc xe mà bạn sử dụng, hơn thế nữa, nhiều nhãn hiệu xe đắt tiền và cổ điển ưa dùng kiểu cửa này.

“Cửa tự sát” có thể được tìm thấy ở những dòng xe như Mazda RX-8, Honda Element, Toyota FJ Cruiser, BMW i3, siêu xe Spyker D12 hay xe siêu sang Rolls Royce Phantom. Nhiều nhà sản xuất như Citroën, Lancia, Opel, Panhard, Rover, Saab, Saturn, Škoda, và Volkswagen đã không ít lần giới thiệu các mẫu xe sử dụng "Cửa tự sát."