Cách đây không lâu, chiếc cuối cùng trong tổng số 279 máy bay vận tải quân sự C-17 Global Master III được chế tạo tại nhà máy lâu đời nhất của Boeing ở Long Beach thuộc phía nam bang California, Mỹ, đã cất cánh để bàn giao cho Không quân Qatar, kết thúc kỷ nguyên của cơ sở này.

 

Cận cảnh chiếc Boeing C-17 cuối cùng xuất xưởng.

Máy bay vận tải hạng nặng C-17 được chế tạo để thay thế cho dòng C-141 Starlifter đã cũ của Không quân Mỹ vào cuối thập niên 1970. Giới chức quân sự Mỹ khi đó đã yêu cầu phải có một loại máy bay vận tải cỡ lớn có thể tiếp dầu trên không và cất/hạ cánh được ở những sân bay dã chiến trên tiền tuyến.

Với bản thiết kế mẫu máy bay mới mang tên C-17 hoàn hảo, Tập đoàn McDonnell Douglas đã giành được hợp đồng chế tạo vào năm 1981. C-17 có khả năng chuyên chở siêu hạng và có thể cất/hạ cánh tại 19.000 sân bay trên toàn thế giới, kể cả những sân bay “nhếch nhác” nhất. Do đó, máy bay C-17 được sử dụng rộng rãi tại các căn cứ tiền tuyến như ở Afganistan.

 

Xem cảnh Boeing C-17 hạ cánh xuống đường băng toàn bụi đất.

Chiếc C-17 đầu tiên đã cất cánh bay thử lần đầu vào năm 1991, nhưng không được suôn sẻ như mong muốn bởi cấu trúc cánh không đạt yêu cầu và vấp phải những vấn đề khác trong quá trình phát triển như vượt quá ngân sách, chậm tiến độ.

Mãi tới năm 1995, các vấn đề này mới được giải quyết căn bản và phi đội đầu tiên của Không quân Mỹ đã đưa C-17 vào hoạt động. Vào năm 1997, McDonnell Douglas đã được sáp nhập vào Tập đoàn Boeing khi đã chuyển giao 223 chiếc C-17 cho Không quân Mỹ.

Mỗi chiếc “Đức phật” có trọng tải hơn 80 tấn, chuyên dùng để chở quân, hàng hóa và vũ khí trang bị, bao gồm cả xe tăng M1 Abrams. Được vận hành bởi phi hành đoàn 3 người, bao gồm phi công chính, phi công phụ và cơ giới trên không, máy bay được lắp 4 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F117-PW-100 với công suất lực đẩy lên tới 18.143 kg. Điểm đặc biệt của loại động cơ này là được tích hợp hệ thống đảo chiều lực đẩy để dẫn luồng khí từ động cơ ra trước hoặc sau để tránh hút phải bụi hoặc mảnh vụn xung quanh.

Các máy bay vận tải C-17 của Mỹ đã vận chuyển binh sĩ và trang bị vũ khí để hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bosnia và Kosovo. Chúng cũng đảm bảo hậu cần cho các lực lượng Mỹ đóng tại Iraq và Afghanistan.

Ngoài ra, thông thường, khi Tổng thống Mỹ bay trên chiếc “Không lực 1”, bao giờ cũng có 1 chiếc C-17 bay kèm, chở theo xe cộ, thiết bị và một số nhân sự. Ngoài Không quân Mỹ, hiện nay C-17 có có mặt trong biên chế của Không quân cá nước như Kuwait, Úc, Canada, Ấn Độ, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Anh và cả khối NATO.

Nhiều năm trước, C-17 đã thiết lập nhiều kỷ lục trong quá trình bay thử nghiệm, cất cánh với lượng hàng 20 tấn chỉ cần quãng đường dưới 427 m.

 

Boeing C-17 đáp nhầm xuống sân bay dân sự nhỏ Peter O. Knight.

Năm 2012, một chiếc C-17 đã chứng minh khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn khi đáp nhầm xuống sân bay dân sự nhỏ Peter O. Knight ở Tampa, bang Florida, Mỹ thay vì căn cứ MacDill nằm ngay bên cạnh. Thật bất ngờ, chiếc máy bay không những không xông ra ngoài mà còn chỉ cần chạy hết 2/3 đường băng dài chừng 1.000m là dừng lại. Đây là những thành tích không tệ với một chiếc máy bay lớn như vậy.

Với chiếc cuối cùng bàn giao cho khách hàng, nhà máy của Boeing ở Long Beach được cho là sẽ đóng cửa vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, khiến khoảng 500 nhân viên mất việc.

Vân Sơn - Tham khảo Popular Mechanics