Dù Honda Super Cub 50cc sẽ biến mất vào năm 2025, dấu ấn mà dòng xe này để lại trong lịch sử làng xe máy toàn cầu là không thể chối bỏ.
Honda, trong những thông cáo của mình, xác nhận hãng sẽ ngừng sản xuất Super Cub hay ít nhất là bản 50cc tại Nhật Bản. Mẫu xe này trong những năm gần đây không còn có sức hút như trước khi bị thay thế bởi xe đạp hoặc xe máy điện tiện lợi và tiết kiệm hơn. Thêm vào đó, bản này cũng không còn đáp ứng được tiêu chuẩn xả thải ngày một khắt khe.
Tuy nhiên, danh tiếng "xe chơi" với thiết kế và độ bền bỉ đặc trưng trước đây vẫn còn đó và có lẽ sẽ còn trường tồn với thời gian.
Doanh số kỷ lục
Trong hơn 65 năm, Volkswagen bán được 23 triệu chiếc Beetle. Từ 1977 tới nay, Ford F-Series bán được hơn 40 triệu xe. Toyota Corolla - "xe bán chạy nhất thế giới" thì đạt doanh số hơn 43 triệu chiếc qua 11 thế hệ.
Những con số trên cộng lại mới chỉ gần bằng Honda Super Cub - dòng xe máy huyền thoại đã vượt ngưỡng 100 triệu xe bán ra từ năm 2017. Con số trên biến Super Cub thành phương tiện chạy xăng bán chạy nhất lịch sử.
Tuy nhiên, sự vĩ đại của Honda Super Cub không chỉ thể hiện qua những con số. Đây là dòng xe đã đưa Nam Á tới với kỷ nguyên giao thông hiện đại và cũng là bước khởi đầu của Honda trong chương mới tại Bắc Mỹ. Kể từ 1958 tới nay, nhắc tới xe máy Honda là nhắc tới Super Cub.
Khởi đầu của một kỷ nguyên
Honda Super Cub là ý tưởng của Takeo Fujisawa - thiên tài kinh tế và người hùng thầm lặng của Honda khi nhận thấy người châu Âu lái NSU (một hãng xe máy Đức, viết tắt từ Neckarsulm) và Vespa. Trong khi đó, Soichiro Honda thì mơ ước giành chiến thắng giải Isle of Man TT bằng một mẫu xe máy hiệu suất cao.
Tuy nhiên, Fujisawa đã thuyết phục thành công Honda khi vạch ra chi tiết kế hoạch của mình: một mẫu xe máy "ai cũng dùng được". Ông muốn những người giao hàng có một mẫu xe gọn nhẹ lái được bằng một tay. Tuy nhiên, chiếc xe trên cũng phải đủ chắc chắn để đi trên những con đường đất (thời đó chưa được trải nhựa) và đủ rộng rãi cho người dùng mọi lứa tuổi.
Yêu cầu cuối cùng và cũng khó khăn nhất là làm sao xe đạt được công suất cao nhất so với xe 50cc thời đó với kết quả đạt được ngoài mong đợi. Chiếc Super Cub 50 sản xuất đầu tiên vào 1958 (10 năm sau ngày Honda thành lập) có động cơ van trên 4 thì đơn xy-lanh đầu tiên trên thị trường với vòng tua máy tối đa lên tới 9.500 vòng/phút đi kèm hộp số bán tự động 3 cấp với ly hợp ly tâm.
Yếm nhựa bảo vệ người lái khỏi gió và bụi bẩn, lốp 17 inch phù hợp vận hành đa địa hình thay vì lốp nhỏ của xe tay ga hiện đại sau này và trọng tâm thấp (nhờ động cơ đặt giữa và thấp) giúp mang lại độ cân bằng ổn định là một số điểm nhấn chính.
Thành công ngay lập tức
Ngay sau khi ra mắt, Honda Super Cub đã gây sốt tại Nhật. Tới năm thứ 2, dòng tên này chiếm 60% doanh số xe máy bán ra tại Nhật. Tuy nhiên, tham vọng của Honda không dừng ở biên giới trong nước mà hướng sang thị trường Mỹ béo bở bên kia bờ Thái Bình Dương. Ở thời điểm đó, tại Mỹ chỉ có khoảng 60.000 xe máy bán ra mỗi năm - con số chỉ bằng "số lẻ" của doanh số Super Cub tại Nhật (160.000).
Với mức giá dễ tiếp cận (295 USD vào năm 1963, tương đương khoảng 3.000 USD bây giờ) và những ưu điểm nhắc tới phía trên, Honda Super Cub cũng lập tức trở thành hiện tượng tại Mỹ. Tuy nhiên, người dân tại đây mua xe không vì tính thực tiễn như tại Nhật mà để chơi xe nhiều hơn.
Dù thế nào đi nữa, Honda Super Cub cũng có doanh số tăng nhanh chóng mặt tại sân chơi mới. Chủ tịch Honda Mỹ thời đó là Kihachiro Kawashima đôi lúc còn phải... lái xe tải bàn giao Super Cub vì nhu cầu mua quá lớn.
Thành công của Super Cub tạo tiền đề cho Honda mở rộng mảng kinh doanh xe máy lên đáng kể và lấn sân sang cả các phân khúc cỡ lớn hơn trước đây của người Anh hay Mỹ. Không hề quá khi nói rằng đây chính là nhân tố chủ chốt đưa Honda trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới.
Sau ngày bùng nổ tại Mỹ, Honda Super Cub lấn sân sang Đông Nam Á nhưng ở tốc độ chậm hơn. Thị trường đón nhận xe nồng nhiệt nhất là Việt Nam với hơn 750.000 chiếc xe Honda, chủ yếu là Honda Super Cub nhập khẩu trong giai đoạn chiến tranh.
Tuy nhiên, Super Cub cũng nhanh chóng trở thành "xe quốc dân" tại nhiều quốc gia khác trong khu vực nhờ một số chỉnh sửa nhất định, chẳng hạn như xe "bekbek" tại Indonesia hay XRM110 tại Philippines. Tới 1986, một bản 100cc dành riêng cho thị trường Đông Nam Á xuất hiện càng giúp tăng cường thêm độ phủ của Super Cub trong khu vực.
Chỉ còn là hoài niệm
Sự xuất hiện của Honda Wave và Dream vào cuối thế kỷ trước và vô vàn các đối thủ mới từ các thương hiệu toàn cầu khiến Super Cub có doanh số đi xuống dần đều. Thời kỳ đỉnh cao của dòng xe này là vào giai đoạn quanh 1982 với gần 3 triệu xe bán ra trên toàn cầu mỗi năm.
Tuy vậy, Super Cub vẫn duy trì được mức doanh số ổn và xe cũ xuất hiện thường xuyên ở rất, rất nhiều quốc gia. Nguyên nhân là bởi những giá trị cốt lõi của Honda Super Cub vẫn còn đó: đơn giản về mặt cơ khí, lái thích, rẻ và tiện lợi.
Dù Honda Super Cub 50cc không còn được sản xuất, phiên bản 125cc vẫn sẽ còn đó như một cách để duy trì tên tuổi của dòng xe huyền thoại này.