Thời gian qua, một số công ty của Mỹ như GM, Alphabet – công ty mẹ Google hay Uber đều thúc giục các nhà làm luật không áp đặt những quy định khắt khe lên xe tự lái, một lĩnh vực còn "non nớt" đang trong giai đoạn phát triển. Theo họ, những đợt thử nghiệm chính là cam kết về sự an toàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công nghệ còn tồn tại khá nhiều hạn chế, điển hình là việc các xe của Uber hay Google gặp phải không ít rắc rối trong quá trình chạy thử. Vụ tai nạn vừa qua tại Tempe, bang Arizona là sự cố chết người đầu tiên liên quan đến một phương tiện vận hành ở chế độ tự động. Điều đó càng làm xuất hiện thêm nhiều chỉ trích cho rằng sự thiếu sót về quy định tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thử nghiệm công nghệ chưa hoàn thiện, thậm chí bị lỗi trên đường công cộng.

Hé lộ giây phút xe tự lái Uber đâm chết người

Không lâu trước khi xảy ra vụ tai nạn, các lãnh đạo trong ngành công nghiệp đã bắt đầu phải đối mặt với những câu hỏi về độ tin cậy của xe tự lái. Họ "cởi mở" hơn về phương pháp thử nghiệm, nhưng không tiết lộ bí mật trong thiết kế các hệ thống.

Waymo - đơn vị xe tự lái của Alphabet – cho biết các xe của hãng đã trải qua quãng đường hơn 5 triệu dặm (hơn 8 triệu km) trong điều kiện thực tế. Bộ phận tự lái Cruise Automation của GM cũng công bố kế hoạch "dạy" cho hệ thống cách điều hướng trên các con phố đông đúc và tắc nghẽn ở San Francisco.

Mặc dù vậy, trả lời Reuters, Amnon Shashua – một lãnh đạo cấp cao của Intel – nhận định ngành công nghiệp cần làm nhiều hơn thế: "Chúng ta cần chứng minh những phương tiện này an toàn hơn rất nhiều so với con người".

Hầu hết xe tự lái được trang bị các cảm biến radar và lidar, chúng sử dụng công nghệ laser để phát hiện vật cản xung quanh phương tiện. Nhưng đến nay chưa có tiêu chuẩn liên bang nào quy định về cách thức hoạt động của những hệ thống như vậy.