Ma tốc độ cũng chào thua

Phân hạng TFD được coi là phương tiện tăng tốc nhanh nhất trên Trái Đất: nhanh hơn cả chiến đấu cơ cất cánh tại tàu sân bay với sự trợ lực từ bệ phóng, thậm chí nhanh hơn cả…vận tốc phóng tàu con thoi.

Phân hạng này có thể chạy ¼ dặm trong khoảng 4.4* giây, đạt tốc độ khoảng hơn 530 kph. Trên thực tế, có đôi lần những chiếc xe drag động cơ phản lực đã phá kỉ lục này với thành tích khoảng hơn 3.2 giây tại vận tốc hơn 600 kph.

TFD với động cơ 8.2l có thể đạt 8500 hp và momen hơn 8100 Nm. Còn TFFC có thể đạt tới 8700 hp và 9500 Nm với dung tích động cơ tương đương. Tuy vậy, do cấu tạo khí động học và khối lượng không tối ưu như TFD, TFFC “chỉ” đạt thành tích tầm 4.6 tới 4.7 giây và vận tốc hơn 520-530 km/h.
 
 Không ai đo thời gian tăng tốc 0-100 km/h, bởi thời gian tăng tốc từ 0-160km/h mới có 0,8 giây. Thậm chí công suất để vận hành bộ tăng áp cũng tới 900 hp! Người ta thường phải gắn càng dài với bánh phụ vào gầm ở phía đuôi xe để tránh “bốc đầu”. Với xe máy, biện pháp này có thể thay bằng việc dùng càng sau rất dài.
 

img

 
Để phanh những chiếc xe này, người ta dùng dù chứ không phải những loại phanh thông thường. Động cơ cũng không thể ngắt được khi đã “vào cầu”. Nó chỉ dừng khi ngừng cung cấp nhiên liệu.
 
Áp lực tác dụng lên người lái khi tăng tốc có thể lên tới 8G khi xe chạy được nửa quãng đường, còn áp lực phanh có thể tới 5G. Áp suất khủng khiếp này có thể gây rách màng nhĩ, 1 chấn thương mà các tay lái drag thường gặp. Với xe F1, áp lực khi phanh cũng ở con số 5G, nhưng khi tăng tốc, nó chỉ vào khoảng 2G.

Đo những con số này gần như là không thể, bởi động cơ không thể hoạt động được trong…10 giây mà không hỏng, thậm chí nổ tung! Vì thế không đủ thời gian cho bất cứ bàn thử dyno nào đo được công suất. Các thông số này phải dựa trên tính toán chi tiết.

Để có những con số này, động cơ tiêu thụ từ 40-50l nhiên liệu cho 1km trên đường đua (không tính lúc đốt lốp và chờ xuất phát). Thực ra, nguyên lí của những cỗ máy công suất khổng lồ này rất đơn giản, thậm chí khá “thô sơ”. Các đội đua chỉ đơn giản nén thật nhiều không khí và nhiên liệu vào động cơ khổng lồ với nhiều chi tiết được thay bằng hợp kim nhẹ để giảm tải động cơ nhằm tăng vòng tua.

Vì vậy, chi phí cho 1 động cơ drag không quá khủng khiếp như các động cơ F1, hay thậm chí động cơ các siêu xe thương mại. Chi phí thay động cơ của Ferrari Enzo lên tới khoảng $200,000, còn giá 1 động cơ đua drag hạng top fuel chỉ vào khoảng dưới $60,000. Một điều kì thú nữa là sau mỗi lần đua vài phút, người ta mất trung bình 29 phút để tháo tung động cơ và thay thế các chi tiết hỏng, lắp ráp lại cho trận kế tiếp.
 
Các phân hạng thấp hơn như Pro Modified cũng có công suất và tính năng khủng khiếp: hơn 2000 mã lực, chạy ¼ dặm dưới 6 giây và đạt tốc độ hơn 370 km/h. Phân hạng Pro Stock cũng có thể chạy ¼ dặm chỉ trong 6.3 giây. Để tiện so sánh, chúng ta nên biết chiếc Koenigsegg CCX, siêu xe thương mại chạy ¼ dặm nhanh nhất hiện nay mất 9.9s giây, còn vua tốc độ Bugatti Veyron mất 10.2 giây.
 

img

Văn hóa Drag

Được coi không chỉ là 1 môn thể thao mà còn là một hoạt động giải trí tại Bắc Mỹ, drag là một môn thể thao tốc độ vô cùng phổ biến. Theo tính toán, vào bất kì lúc nào, trên thế giới cũng đang diễn ra hơn 300 cuộc đua drag.

Không chỉ diễn ra tại các giải chuyên nghiệp như NHRA và IHRA (international hot rod organisation), drag được tổ chức ngay cả tại các hội chợ xe độ hay các sự kiện về ô tô xe máy địa phương. Các phân hạng cũng rất đa dạng. Thống kê của NHRA cũng đã lên tới hơn 200 phân hạng.
 
Thậm chí các tay đua đường phố cũng ưa thích thể loại đua này. Hẳn các bạn còn nhớ chiếc xe cơ bắp mà diễn viên hành động nổi tiếng Vin Diesel dùng để so găng với chiếc Toyota Supra độ tại phần cuối phim The Fast and Furious. Con số 9 giây mà Vin nhắc tới chính là thời gian chạy ¼ dặm của chiếc xe.

Có thể thấy rằng, với những tay đua “máu pha xăng”, yêu tốc độ một cách cuồng nhiệt, thì những khoảnh khắc siêu ngắn nghẹt thở của drag còn thú vị hơn 300 km lặp đi lặp lại trên đường đua khép kín của các giải open-wheel.