Xe cứu thương không đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu nên không được quyền ưu tiên khi lưu thông.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, chiều 14-10, xe cứu thương biển số 51B-241.26 do tài xế Nguyễn Phước Thuận (47 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm lái chạy trên đường tránh Nam hầm Hải Vân, theo hành trình từ BV Ung bướu TP.HCM về Hà Tĩnh . Khi đến giao lộ với đường Hoàng Văn Thái (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), xe cứu thương vượt đèn đỏ thì bị ô tô bốn chỗ tông mạnh.
Vụ tai nạn khiến y tá trong xe cứu thương văng xuống đường, bốn người khác trên xe cũng bị thương, trong đó có một điều dưỡng viên BV quận 4 (TP.HCM).
Chở bệnh nhân đã tử vong
Ông Lê Văn Dũng (46 tuổi, ngụ quận Hải Châu) cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, ông này lái ô tô hiệu Mazda 6 của mình chạy trên đường Hoàng Văn Thái, hướng từ trung tâm đi Khu du lịch Bà Nà Hills. Khi đến giao lộ với đường tránh Nam hầm Hải Vân , lúc này là đèn xanh, ông Dũng chạy đúng tốc độ cho phép.
“Tôi không nghe còi hụ ưu tiên nên chạy bình thường vì là đèn xanh. Khi nhìn thấy thì xe cấp cứu đã ngay trước mặt nên không đạp thắng kịp” - ông Dũng cho hay.
Hình ảnh từ camera lắp tại ngã tư này cho thấy xe cấp cứu vượt đèn đỏ . Theo thông tin từ Công an huyện Hòa Vang thì xe cấp cứu nhận chạy hợp đồng chở bệnh nhân là ông Trần Đức K. (64 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) từ BV Ung bướu TP.HCM về Hà Tĩnh. Ông K. bệnh quá nặng, không thể tiếp tục chữa trị nên được đưa về nhà. Bệnh nhân đi đến tỉnh Khánh Hòa thì tử vong.
Vụ tai nạn khiến nữ y tá văng xuống đường. Ảnh: Hải Hiếu.
Lạm dụng quyền của xe ưu tiên
Theo luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty Luật TNHH LS Riêng, Đoàn LS TP.HCM, Điều 3 của Thông tư 27/2017/TT-BYT có quy định về tiêu chuẩn và sử dụng xe cứu thương. Theo đó, xe cứu thương được sử dụng vào mục đích: Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu; phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Điều này cũng nêu rõ: Không được sử dụng xe cứu thương ngoài mục đích trên. LS Phát cũng cảnh báo hiện nay một số cơ quan, cá nhân đang lạm dụng quyền của xe ưu tiên, sử dụng xe ưu tiên không đúng mục đích dẫn đến việc xảy ra một số tai nạn đáng tiếc.
Về mặt pháp lý, trong trường hợp hậu quả vụ tai nạn có người chết hoặc khiến bị tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, tài xế xe cứu thương có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Còn nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%, tài xế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, tài xế xe cứu thương còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân theo đúng quy định pháp luật. Nếu tài xế không bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng, các nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa.
Còn với tài xế ô tô bốn chỗ , nếu anh này lái xe đảm bảo đúng quy định thì anh cũng là nạn nhân trong vụ tai nạn.
LS Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội
Thứ nhất, xe này có thuộc trường hợp đang được quyền ưu tiên hay không. Theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong những loại xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự.LS Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng trong vụ việc này có hai yếu tố cần phải xem xét để xác định trách nhiệm của tài xế xe cứu thương.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2009 có quy định rất rõ như thế nào mới là “xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu”. Theo đó, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
Theo hai văn bản trên, cùng với thông tin ban đầu rằng chiếc xe cấp cứu trước thời điểm xảy ra tai nạn đang chở bệnh nhân đã tử vong, có thể khẳng định rằng xe cứu thương này không thuộc trường hợp được quyền ưu tiên và việc vượt đèn đỏ là vi phạm quy định về an toàn giao thông.
ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết Luật Giao thông đường bộ đã có quy định xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là phương tiện được ưu tiên đi trước xe khác khi đến giao lộ sau xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.
Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ có thể hiểu là đang chở bệnh nhân đến BV, hoặc mặc dù trên xe không có bệnh nhân nhưng xe nhận được cuộc gọi cần cấp cứu và trên đường đến hiện trường cứu bệnh nhân vẫn được xem là đang thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi lưu thông trên đường, xe cấp cứu phải có còi hụ, đèn báo để các phương tiện lưu thông trên đường nhận biết và giảm tốc độ, nhường đường, tránh xảy ra tai nạn va chạm.
Những trường hợp không được kể trên thì không được coi là xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ và không được quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường.