Có 2 trường hợp có thể xảy ra với lớp sơn trên một chiếc xe đã 25 tuổi. Một, sơn nhìn vẫn mới và mặc dù bị trầy xước đâu đó, chất lượng của chúng vẫn ở mức chấp nhận được và chỉ cần sửa chữa lại đôi chút. Hai, lớp sơn đã mờ dần với nhiều khu vực bị bong tróc sơn phủ. Có thể nói hầu hết xe lớn tuổi trên thị trường đều thuộc 1 trong 2 dạng này tùy thuộc vào việc hãng xe sản xuất ra chúng là ai và sử dụng công nghệ sơn gì.

Một số hãng xe toàn cầu thì cố gắng thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới càng nhanh càng tốt trong khi số còn lại chọn phương pháp an toàn – chỉ sử dụng công nghệ sơn mới khi chúng đã đạt tới độ hoàn hảo.

Ferrari có thể nói là hãng xe đi theo hướng đầu tiên khi vừa công bố công nghệ sơn ở nhiệt độ thấp không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo, thậm chí còn gia tăng chất lượng sơn xe – một trong những điểm "ăn tiền" nhất của một thương hiệu siêu xe đắt tiền với lớp sơn đôi lúc có giá trị lên tới hàng chục ngàn USD.

Theo công bố mới của Ferrari, họ đã hợp tác với PPG để trở thành hãng xe đầu tiên sử dụng công nghệ sơn phủ có tên Low Cure. Low Cure bản chất là một hệ thống sơn 2 thành phần với một lớp sơn phủ bên ngoài được pha chế vô cùng đặc biệt giúp công đoạn "nấu" xe chỉ cần mức nhiệt 100 độ C thay vì 150 độ C như thông thường. Ngoài ra, nhựa Low Cure chứa một chất làm cứng mới cho phép tăng cường độ chống chịu của sơn với nước cũng như hóa chất khác.

Với công nghệ sơn mới, Ferrari chỉ cần nấu siêu xe ở 100 độ C thay vì 150 độ C như trước - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của Low Cure không nằm ở đó mà ở chỗ cả thân xe lẫn các linh kiện cùng sợi carbon đều có thể được "nhúng" cùng lúc, nhờ đó đạt độ đồng nhất màu sắc tới hoàn hảo trên các vị trí khác nhau. Việc có tới 2 lớp sơn cũng cho phép hãng cung cấp cho khách hàng tới 61 màu sơn cơ bản.

Hồi năm 2004, Ferrari cũng là một trong những hãng xe đầu tiên ứng dụng hệ thống sơn nước. Ưu điểm của cả hệ thống này lẫn Low Cure mới là giúp họ cắt giảm chi phí năng lượng trong khi cải thiện độ bền sơn.

Tham khảo: Motor1