Ý tưởng biến nhà thành xe kì tình khiến nhiều người nghe qua vẫn còn lạ lẫm đấy. Nhưng "người trong cuộc" sống trên nhà xe mỗi ngày thì lại cảm thấy rất thú vị đó nha, nên tất nhiên họ sẽ luôn "chill" ở mọi nơi mọi lúc. Trường hợp cải tạo "căn nhà di động" này thuộc về vợ chồng chị Mây Phạm và anh Duy Trương. Chị là một influencer/blogger, còn anh làm bên mảng xây dựng và hiện có công ty bán hàng trên Amazon. Nơi ở hiện tại của cả 2 là California và Los Angeles.

img
img
img
img

Lý do để vợ chồng chị Mây Phạm mua xe cũ và biến xe thành nhà rất dễ hiểu, chỉ là anh chị muốn trải nghiệm một cuộc sống khác, đơn giản vậy thôi! Đương nhiên, nhà xe không phải là tài sản duy nhất của 2 vợ chồng. Chị Mây Phạm cho biết: "Mình và chồng trước đây từng làm bên mảng địa ốc và đã có được ngôi nhà mơ ước đầu tiên do chồng tự xây từ A-Z trước 27 tuổi. Vợ chồng mình cũng ở nhiều nhà khác nhau. Đến 2020 thì muốn trải nghiệm sống trên một ngôi nhà xe. Chồng mình nuôi ý tưởng làm xe hơn 2 năm. Anh ấy đọc nhiều blogs, xem nhiều vlogs, cộng thêm anh có kinh nghiệm xây nhà từ công việc xây dựng trước đây nên có thể nói quá trình cải tạo xe diễn ra suôn sẻ".

Được biết, chiếc xe của anh chị mua là của một người quen từng được sử dụng để vận chuyển hàng hoá và có giá 15.000 USD, gần 350 triệu đồng. Bước đầu của quá trình cải tạo chính là tháo dỡ hết ngăn kệ trong xe, gỡ tấm ván sàn cũ, lau chùi những chỗ rỉ sét và sơn lại để tạo cho nhà xe một "tấm áo" mới sạch đẹp hơn. Ngoài tiền mua xe, tiền nguyên vật liệu cũng chiếm một khoản không ít. Chị Mây Phạm cho hay tổng chi phí để có một nhà xe hoàn thiện là 35.000 USD, tức 810 triệu đồng. Chính vì anh Duy Trương tự tay làm hết trong 3 tháng nên không tốn tiền thuê nhân công.

img
img

Căn nhà xe được anh chị thiết kế theo phong cách tối giản minimalistic, nên màu sắc cần tiết chế và nội thất cũng được chọn theo "style" đơn giản, thông minh và tích hợp nhiều công năng trong cùng một món. Nhờ đó, nhà xe của cặp vợ chồng Việt luôn trông tinh tế, gọn gàng, đồ đạc ít nhưng "chất".

Vợ chồng Việt biến xe thành nhà hết 800 triệu, thiết kế đẹp “xỉu” nhưng oách nhất là tiện nghi vì cần gì cũng có - Ảnh 3.

Theo chị Mây Phạm, nhà xe là một cách để tiết kiệm các chi phí trong thời kỳ dịch bệnh. Bởi nhờ có sáng kiến này nên hai vợ chồng không cần lo về tiền thuê phòng, tiền vé máy bay, ăn uống... khi đi du lịch. Chi tiêu hàng tháng chỉ cần lo tiền đi chợ, xăng xe.

Cuộc sống trên nhà xe hầu như không gây khó khăn nào cho anh chị, ngược lại còn giúp tạo cảm hứng vì mỗi ngày được ngắm một view khác nhau, từ biển xanh đến nơi hoang vu, vắng vẻ, nắng gió ngập tràn. Thế nên, anh chị có hẳn tuyển tập những bức ảnh thơ thơ "sống ảo" với loạt view "xịn đét" trên nhà xe mới tậu.

img
img
img
img

Bên trong căn nhà xe nhỏ nhưng xịn sò, đầy đủ tiện nghi của vợ chồng chị Mây Phạm:

- Để nhà xe được vận hành tốt nhất và đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt chung sẽ cần phải lắp đặt nhiều thứ. Một trong những bước đầu tiên là làm cách âm, cách nhiệt, đóng khung gỗ cho thùng nước/phòng tắm/bồn rửa tay/bàn ăn/gắn cửa sổ…

- Lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời. Theo lời kể của chị Mây Phạm, xe có tổng cộng 4 tấm quang năng thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời, 2 cục pin AGM, máy chuyển điện. Theo đó, nguồn điện có thể sử dụng cho các thiết bị gia dụng như nồi cơm điện, nồi áp suất, nồi chiên không dầu, bình đun, máy nước nóng và các thiết bị điện tử như tủ lạnh, đèn LED, quạt, điện thoại. Bên cạnh đó, trên chiếc xe còn có máy tăng sóng wifi khi đi đến những khu hẻo lánh.

- Phòng tập trung sinh hoạt gia đình là điểm nhấn đặc biệt vì vừa là phòng ngủ, vừa là phòng ăn và là nơi để làm việc/chơi nhạc cụ. Chiếc giường ngủ làm từ 3 miếng ván gấp lại, khi không ngủ thì miếng ở giữa được nâng lên thành bàn ăn, 2 miếng kia thành ghế ngồi. Ở dưới một bên ghế là chiếc đàn piano điện, khi nào cần chơi đàn chỉ cần quay nhẹ cái cần xoay là chiếc đàn piano sẽ từ dưới đưa lên.

img
img
img
img

- Bếp có chỗ chuẩn bị thức ăn, rửa chén thoải mái, bồn rửa thoát nước nhanh. Trên tường có đóng thêm kệ để hũ gia vị chắc chắn nên không bị rung khi xe chạy. Anh chị còn trang bị thêm bếp gas để nấu ngoài trời và bếp điện nấu trong nhà. Bếp cũng là nơi hai vợ chồng thích nhất vì cả 2 đều có đam mê nấu ăn.

img
img
img
img

- Những việc cần dùng đến nước như tắm, rửa chén, đồ ăn cũng không bị hạn chế vì thường 3 ngày mới cần châm nước thêm. Việc châm nước lại càng dễ vì ở trạm xăng, chợ, tiệm tiện lợi, siêu thị... đều có. Xe cũng có hệ thống nước thải đặt dưới gầm xe.

- Phòng vệ sinh cũng tiện nghi đủ đường. Chị Mây Phạm giải thích tỉ mỉ: "Bồn cầu đặt trong xe là của Thuỵ Điển với 2 ngăn và một thùng chứa. Đây là hệ thống phân hủy chất thải con người và không có mùi hôi. “Gói chất thải” dưới toilet 1 tuần thay một lần, trong đó phân chỉ như là mùn cưa sau quá trình phân hoá làm khô, thích hợp dùng để trồng cây hoặc chôn dưới đất trong lúc cắm trại nơi hoang dã, tốt cho đất. Đây được xem là một cuộc “cách mạng trong nhà vệ sinh” vì mỗi lần xả nước bồn cầu cần từ 6 đến 15 lít nước, trung bình một người/ngày sử dụng hơn 100 lít nước."

img
img

Ảnh: NVCC