Đi chung ô tô trong khoảng không gian quá hẹp là điều kiện virus nCoV lây lan do có tiếp xúc gần.
Ngồi chung xe trong 1 không gian hẹp hoàn toàn có thể lây nhiễm
Theo Bộ Y tế, đến 10h ngày 14/3, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca nhiễm Covid-19. Ca nhiễm này là người TP.HCM, 31 tuổi đã đi chung xe với bệnh nhân số 45 từ Bình Thuận về TP.HCM.
Trước đó, bệnh nhân số 45 là đối tác của bệnh nhân số 34, họ đã có cuộc trao đổi và ăn tối, sau đó đã nhiễm virus từ bệnh nhân số 34. Đến nay, chồng, con, con dâu, cháu nội của bệnh nhân số 34 cũng đều đã nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, khả năng lây lan phụ thuộc vào 3 yếu tố: Nguồn lây, lượng virus và khoảng cách tiếp xúc.
Với các tình huống này, PGS Trần Đắc Phu – Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, tình huống ngồi chung xe trong 1 không gian hẹp hoàn toàn có thể lây nhiễm Covid-19.
Trường hợp bệnh nhân số 35 chỉ tiếp xúc gần chỉ 10 phút với người mang bệnh sau đó đã bị nhiễm virus. Ngồi chung xe ô tô nhất là những hành trình dài đều có nguy cơ lây. Đặc biệt là khoảng cách gần, ngồi ngay bên cạnh mình hoặc ghế trên với người mang virus.
Khả năng lây khi người mang virus phát tán virus ra bề mặt xe.
Tại Thái Lan vào tháng 1, quốc gia này báo cáo có một vài người đã nhiễm virus Covid- 19 khi họ làm tài xế chở khách du lịch từ Trung Quốc - nơi đang lưu hành dịch nhưng không biết trước để phòng.
PGS Phu cho biết, virus SARS-CoV-2 lây qua các giọt bắn bắn trực tiếp với người xung quanh hoặc các đồ dùng trong xe và người ngồi gần sờ vào các vật dụng đó vô tình đưa virus vào cơ thể mình.
Khi người bị bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ thì các virus sẽ bám vào bề mặt của xe như ghế ngồi, cửa, tay cầm. Người khác không biết cầm, nắm, sờ vào rồi đưa lên mặt, mắt, mũi là cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể dù bạn là người ngồi chung, lái xe hay hành khách đi lên xe sau đó.
Chuyên gia khuyến cáo tốt nhất nên che mũi, miệng khi có ho và hắt hơi bằng khăn giấy. Sau đó, rửa tay sạch sẽ. Nhiều người lái xe hay hành khách mang găng tay, đeo khẩu trang khi đi xe cũng không an toàn vì đeo găng tay nhưng đưa lên mắt, mũi, miệng thì cũng không có tác dụng.
Quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên và không sờ vào ghế xe, thành xe. Có thể những người đi trước đó mang virus rồi phát tán ra xe mà bạn không biết.
Với những người làm nghề lái xe như lái xe taxi, grab, xe du lịch thì thường xuyên lau bề mặt trong xe với cồn sát trùng, lau kỹ các ngóc ngách. Khách đi xe nên chủ động mang theo nước rửa tay để rửa tay sạch, đây là nguyên tắc số 1.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những sai lầm của người bệnh đã nguy hiểm cho cộng đồng. Ví dụ, bệnh nhân số 34 đến từ vùng dịch và khi về Việt Nam bệnh nhân vẫn giao lưu với cộng đồng và dẫn tới con số lây nhiễm cao.
Trước con số lây nhiễm từ bệnh nhân số 34, bác sĩ khuyến cáo những người có tiếp xúc với bệnh nhân này cần nhanh chóng khai báo y tế. Bởi nếu không khai báo đầy đủ, trung thực, có thể sẽ phát tán nguồn lây cho nhiều người trong cộng đồng. Hiện nay, ca bệnh 34 đã lây sang F2, nhưng việc khai báo không đúng, thiếu trách nhiệm thì con số này có thể lên tới Fn.