Phần lớn tai nạn giao thông liên quan đến xe máy

Chia sẻ tại Hội thảo " An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm", do Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ) và các cơ quan liên quan tổ chức, TS. Khuất Việt Hùng - Viện trưởng TDSI - cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 73 triệu xe máy, chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, trong đó tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ TNGT đường bộ.

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT) - cho biết, tính đến tháng 9 năm nay, Việt Nam có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Việt Nam có 77 triệu xe máy, thuộc hàng cao nhất thế giới- Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Tuy nhiên, xe máy có nhược điểm là độ an toàn thấp. Bởi thực tế, có một số vụ TNGT xảy ra do vi phạm những quy tắc giao thông rất cơ bản, như: Không nhường đường khi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường... cho thấy các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường. Mặc dù là phương tiện cơ giới nhưng xe máy chưa phải chịu kiểm định an toàn kỹ thuật , dẫn tới tình trạng một số xe máy đã cũ nát, không bảo đảm an toàn vẫn được lưu hành.

Ngoài ra, những yếu kém trong công tác quy hoạch không gian đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông cho xe máy, tổ chức giao thông, kết nối giữa xe máy với các phương tiện vận tải công cộng khác còn hạn chế... Điều này tạo nên những bất lợi lớn cho việc vận tải công cộng, tạo ra ưu thế cho xe máy, dẫn tới thực trạng người dân sử dụng xe máy cho các chuyến đi dài, có lưu lượng giao thông lớn, phức tạp, tốc độ lưu thông cao dẫn tới nhiều vụ TNGT trên quốc lộ.

Bên cạnh đó, những bất hợp lý về quy hoạch, thiếu hệ thống cho người đi bộ cũng dẫn tới tình trạng lạm dụng xe máy khi dùng cả với những chuyến đi có thể đi bộ, xe đạp…

Việt Nam có 77 triệu xe máy, thuộc hàng cao nhất thế giới- Ảnh 2.

Những bất hợp lý về quy hoạch, thiếu hệ thống cho người đi bộ cũng dẫn tới tình trạng lạm dụng xe máy trong đô thị.

Hiện nay, công tác thống kê phân tích TNGT xe máy trên lượng luân chuyển gặp khó khăn và chưa có kết quả. Nguyên nhân là vì không có số liệu về công-tơ-mét của mô tô , xe máy, lý do là loại phương tiện này chưa phải đăng kiểm và cũng chưa có hệ thống ghi nhận thông tin về đồng hồ công tơ mét xe máy.

Ông Minh đánh giá, việc diễn ra thực trạng vừa nêu là do bất cập trong quy định pháp luật chưa yêu cầu kiểm định kỹ thuật và khí thải với xe máy, trong khi đây là một nội dung cần phải làm với phương tiện cơ giới đường bộ...

Nhiều nước muốn cấm xe máy

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề hội thảo, ông Daniel Hardy Wuaku - cố vấn kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ, cơ quan an toàn đường bộ quốc gia Ghana - đánh giá, người ngồi trên xe máy có nguy cơ tử vong cao gấp 26 lần so với các loại xe khác, chiếm khoảng 30% số ca tử vong do (TNGT) đường bộ trên toàn cầu.

Bên cạnh làm gia tăng số vụ TNGT, việc sử dụng xe hai và ba bánh rộng rãi còn gây ô nhiễm tiếng ồn và môi trường, gây khó khăn trong quản lý giao thông, tình trạng vi phạm giao thông (chở quá tải, quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm…) diễn ra phổ biến...

Việt Nam có 77 triệu xe máy, thuộc hàng cao nhất thế giới- Ảnh 3.

Ông Daniel Hardy Wuaku - cố vấn kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ, cơ quan an toàn đường bộ quốc gia Ghana.

Ông Daniel Hardy Wuaku cho biết, ở Ghana, Chính phủ muốn cấm hoạt động thương mại về xe máy từ lâu, nhưng hiện tại do đây là phương tiện quá phổ biến nên chưa thể thực hiện được ngay.

GS, TS. Bhargab Maitra - Viện Công nghệ Kharagpur, Ấn Độ - thông tin, tình hình ATGT đường bộ tại Ấn Độ hiện rất tệ, vì nhiều yếu tố liên quan đến xe máy, khi mỗi năm xảy ra 460.000 vụ TNGT đường bộ , làm 168.000 người thiệt mạng. Nguyên nhân được đưa ra là vì Ấn Độ thiếu quy định về việc sử dụng mô tô, xe máy, thiếu cơ sở riêng biệt ngay cả trên các tuyến đường tốc độ cao. Ngoài ra, việc gia tăng mô tô, xe máy còn gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng tắc nghẽn giao thông, và khí thải ra môi trường...