Video ghi lại cảnh Tesla Cybertruck phóng như bay trên cao tốc mới được InsideEV đăng tải cuối tuần qua đã khẳng định một điều: hệ thống truyền động đa mô tơ trên dòng tên này đã ở (ít nhất) nửa sau giai đoạn phát triển mà thông thường chỉ cần vài tháng thử nghiệm thực tiễn ở các điều kiện thời tiết khác nhau nữa là có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Xét tới việc thiết kế Cybertruck chắc chắn không thể thay đổi nhiều vì hạn chế của chất liệu thép không rỉ vốn không thể uốn cong tạo hình tùy ý, Tesla gần như đã có bộ khung hoàn chỉnh cho dòng bán tải từ trước khi xe ra mắt vào tháng 11 vừa rồi. Vậy tại sao hãng chỉ đặt mốc mục tiêu bắt đầu đi vào lắp ráp rất khiêm tốn là cuối 2021?

Có 2 nguyên nhân lớn nhất khiến Tesla không dám đưa Cybertruck vào lắp ráp sớm bất chấp việc càng ra mắt muộn, đối thủ lớn nhất của họ là Ford với F-150 EV càng có nhiều lợi thế. Đầu tiên, hãng phải tìm cách để dòng tên này (và cả phiên bản thu nhỏ ra mắt sau với kích thước tương đồng Ford Ranger) vượt qua được các bài thử nghiệm an toàn để đạt chuẩn mở bán. Với thiết kế dạng mũi nhọn như hiện tại, đây hoàn toàn không phải thử thách dễ giải quyết.

Tesla Cybertruck bon bon trên quốc lộ

Tiếp theo, bất chấp tiếng vang có được nhờ là người tiên phong trong lĩnh vực xe điện, Tesla chưa bao giờ được đánh giá cao trong khâu sản xuất. Chưa có bất kỳ mẫu xe nào của họ mở bán được đúng thời hạn vì các rắc rối liên quan tới vấn đề này.

Chắc hẳn không ít người còn nhớ khi Model 3 chính thức mở bán, tình thế nghẽn cổ chai trong lắp ráp tồi tệ tới mức CEO Elon Musk đứng ngồi không yên và phải xuống nhà máy hối thúc tình hình tới mức nào. Ngay cả ở thời điểm hiện tại tổng sản lượng xe của họ vẫn chỉ dừng ở mức cực kỳ khiêm tốn. Có lẽ thứ mà Tesla đang chờ là nhà máy Gigafactory mới tại Trung Quốc hoàn thiện trong vòng vài năm tới.

Tham khảo: InsideEVs

Video này cho thấy Tesla đã hoàn thiện đáng kể Cybertruck nhưng không bán sớm vì nguyên nhân khó nói - Ảnh 2.