Những diễn biến trên thị trường lại khiến khách hàng hoang mang. Câu hỏi "Đã nên mua xe chưa?" tiếp tục đè nặng tâm lý và ảnh hưởng mạnh tới quyết định xuống tiền của mỗi người. Bởi họ thấy được hai điều đang diễn ra song song: Đã tới giữa năm 2018 nhưng giá xe còn cao hơn cả năm 2017; dẫu vậy, thông tin hàng loạt xe nhập khẩu với thuế 0% đã về cảng. Có nên chờ tiếp sau tháng 6? Liệu có xe giá rẻ hay lại hụt hẫng như đầu năm nay? 

Hụt hẫng lần đầu vì Nghị định 116

Đang trong tâm trạng háo hức chờ ô tô giá rẻ, người Việt lại hụt hẫng sau khi Nghị định 116/2017 ban hành cuối năm ngoái, tạo rào cản lớn cho các doanh nghiệp trong nước nhập xe về Việt Nam. Kết quả là, trong suốt khoảng 5 tháng trời, tính từ tháng 12/2017, lượng xe nhập khẩu sụt giảm. Khan hàng khiến giá xe đẩy lên cao chứ không còn rẻ như trông đợi.

Vì sao tới cuối năm nay, người Việt vẫn khó mua được xe giá rẻ? - Ảnh 1.

Xe nhập khẩu (CBU) 4 tháng đầu năm 2018 chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Nguồn: VAMA.

Khách mua Fortuner phải bỏ thêm 200 triệu đồng mua phụ kiện. Người muốn lấy CR-V cũng phải chi 50-70 triệu đồng mua "đồ chơi" cho xe được mới giao. Anh Duy (Hà Nội) là một trong không ít người đã huỷ cọc CR-V khi biết giá xe và khoản tiền chênh phải bỏ ra để lấy được xe từ đại lý.

Xe nhập khan hàng cộng thêm việc thiếu nguồn cung từ nhà máy, nhiều xe lắp ráp cũng tranh thủ tăng giá theo đợt quanh Tết Nguyên Đán. Như vậy, người mua xe năm 2017 còn được giá tốt hơn so với lấy xe đầu năm nay.

Vì sao tới cuối năm nay, người Việt vẫn khó mua được xe giá rẻ? - Ảnh 2.

Khan hàng xe nhập, ô tô lắp ráp không tránh khỏi việc tăng giá theo vào thời điểm Tết.

Ngay cả mẫu xe có nguồn cung dồi dào như Ford Ranger cũng không tránh khỏi tình trạng cạn hàng tại các đại lý sau 5 tháng không thể nhập. Lần đầu tiên tại Việt Nam, khách mua Ranger phải bỏ thêm hàng trăm triệu đồng lắp phụ kiện mới được giao xe.

Xe nhập miễn thuế đã về, hi vọng lại nhen nhóm

Bắt đầu từ tháng 3, hơn 2.000 ô tô Honda nhập từ Thái Lan về như tháo gỡ nút thắt con đường chạm tới giấc mơ xe giá rẻ của người Việt. Đến khi ra tới đại lý, giá xe có rẻ hơn thật, nhất là giá CR-V thấp hơn thời điểm đầu năm tới gần 200 triệu đồng. Honda Civic thêm phiên bản giá thấp. Jazz là lựa chọn mới trong tầm giá hơn 500 triệu đồng.

Vì sao tới cuối năm nay, người Việt vẫn khó mua được xe giá rẻ? - Ảnh 3.

Xe Honda nhập về trong năm 2018 mở ra tia hy vọng ô tô giá rẻ với khách Việt.

Đầu tháng 5, lại thêm những chiếc Chevrolet Colorado và Trailblazer được thông quan và mở bán. Vừa ra mắt, giá xe Trailblazer đã được ưu đãi thêm tới 80 triệu đồng. Colorado được trừ tiền mặt 50 triệu đồng.

Chỉ trong riêng tháng 5, hơn 1.100 chiếc xe từ Thái Lan tiếp tục đổ về. Bước sang đầu tháng 6, lại thêm một chuyến tàu chở hàng ngàn chiếc xe miễn thuế cập cảng Hải Phòng, trong đó có xe Honda, Chevrolet và cả Ford lẫn Nissan. Các đại lý chào khách đặt cọc, nhiều người mừng vui đón xe về.

Còn nhiều yếu tố tác động, ô tô giá rẻ vẫn là ước mơ xa vời

Những tưởng xe về là giá sẽ rẻ nhưng vẫn còn nhiều yếu tố tác động khiến giá xe khó mà rẻ được về lâu về dài trong năm. Những yếu tố này chủ yếu vẫn từ mối quan hệ cung - cầu tạo nên chứ không phải sự can thiệp trực tiếp bởi thuế và các chính sách hiện tại.

Vừa mở bán, Honda đã lập kỷ lục doanh số với 2.815 xe trong tháng 4. Đóng góp chủ yếu là CR-V với 1.755 chiếc. Về không nhiều, lại bán quá chạy, nguồn cung CR-V lại cạn dần. Những đợt nhập khẩu tiếp theo với vài trăm chiếc dường như không đủ để "giải toả cơn khát" xe của khách Việt. Nhiều người vẫn đang ký chờ đại các đại lý và nhận thông báo sớm tháng 6, muộn tháng 10 mới có xe giao.

Vì sao tới cuối năm nay, người Việt vẫn khó mua được xe giá rẻ? - Ảnh 4.

CR-V bán quá chạy dẫn đến tình trạng cháy hàng sau 1 tháng kể từ khi mở bán.

Hàng ngàn chiếc xe Thái Lan vừa cập cảng cũng phải chờ kiểm định và thông quan xong mới về được đại lý. Tháng ngâu đang tới và thời điểm xe ra thị trường nhiều khả năng sẽ trùng khi đó. Theo quan niệm của nhiều khách Việt, tháng ngâu là lúc tránh mua sắm, nhất là hàng hoá giá trị cao như ô tô.

Qua tháng ngâu lại đến quý cuối năm 2018. Thông thường, đây vẫn là giai đoạn mua sắm nhộn nhịp nhất của thị trường ô tô trong nước. Sức cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung vẫn không thể bật lên như thời điểm này thì xe vẫn trong tình trạng "khan hàng" và giá nhiều khả năng sẽ ở mức cao.

Lấy ví dụ như Toyota Fortuner - mẫu SUV nhập khẩu bán chạy nhất tại Việt Nam năm ngoái - vẫn sẽ khó có giá rẻ được. Với lượng xe tiêu thụ trung bình trên dưới 1.000 chiếc/tháng như cuối quý III, đầu quý IV/2017, Fortuner khó tránh khỏi tình trạng thiếu nguồn cung nếu lượng xe nhập về "nhỏ giọt" và mất thời gian để được thông quan như hiện nay. Do đó, chiêu thức tăng giá bằng cách đề xuất mua phụ kiện là điều khó tránh khỏi ở mỗi đại lý.

Chính thực tế đó đang khiến quyết định mua xe hay không của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thực tiễn: cần hay không cần, thay vì nghĩ về chuyện rẻ hay không rẻ.