Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 1.

Xu hướng cắt option đang nở rộ - Ảnh: Carfax

Hơn một thế kỷ sau câu nói nổi tiếng của người sáng lập hãng xe Ford, ngành công nghiệp ô tô đi đúng một vòng tròn khi các nhà sản xuất một lần nữa tìm cách đơn giản hóa quá trình sản xuất và bán hàng.

Xu hướng "cắt option"

François Bailly, giám đốc kế hoạch của Nissan châu Âu, cho biết: "Đối với các thế hệ trước, chúng tôi liên tục mở rộng các tùy chọn kèm theo xe nhưng chỉ bán được một lượng nhỏ. Chúng tôi không muốn như vậy. Bằng cách tiết chế option ở mức hợp lý, chúng tôi có thể giảm lượng hàng tồn kho, rút ngắn thời gian giao xe và không lãng phí nguồn lực nghiên cứu khi phát triển những thứ mà không ai muốn mua".

Tập đoàn Stellantis cũng giảm bớt option ô tô bao gồm cả động cơ và các gói trang trí. Năm 2019, thương hiệu Vauxhall trực thuộc có 362 sự kết hợp giữa các tùy chọn trang trí, động cơ và hộp số. Ngày nay, con số chỉ còn là 66.

Người phát ngôn của thương hiệu cho biết: "Chúng tôi đang tìm cách giảm độ phức tạp của các phiên bản để xây dựng thành một quy trình đơn giản hơn cho khách hàng". Chẳng hạn, tất cả các mẫu xe của Vauxhall có chung các option phổ biến.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 2.

Năm 2019, Vauxhall có 362 sự kết hợp option, ngày nay chỉ còn 66 - Ảnh: Vauxhall

Peugeot cũng đang áp dụng cách làm tương tự. Không tính sơn xe, chỉ có 6 option cho Peugeot 308 SW Allure.

Cắt option nhưng tăng tính năng có sẵn

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô trở nên "chắt bóp" hơn. Một số tính năng giờ đây được cài sẵn vào trong xe, thay vì ở dạng option.

Chẳng hạn, mẫu SUV cỡ nhỏ Dacia Duster, thuộc Renault, được trang bị tính năng mở khóa không cần chìa (Keyless entry). Điều này giúp giá thành sản xuất xe rẻ hơn là làm xe chỉ có tính năng cơ bản đi kèm bộ phụ kiện tùy chọn đồ sộ.

Thierry Pieton, giám đốc tài chính của Tập đoàn Renault, cho biết làm như vậy sẽ giúp giảm lượng công việc kỹ thuật, tăng khối lượng sản xuất mỗi bộ phận, từ đó làm giảm giá thành và dễ bán xe hơn.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 3.

Những chiếc xe như Dacia Duster tăng tính năng có sẵn và giảm option - Ảnh: Renault

Kumar Galhotra, chủ tịch bộ phận động cơ đốt trong Ford Blue, cũng cho rằng từ việc cắt option, chất lượng xe sẽ được cải thiện vì ít thứ để sai sót hơn.

Ford đã bắt đầu con đường đó với Puma, không còn sản xuất phiên bản ba cửa của Ford Fiesta và loại bỏ phiên bản hiệu suất ST2. "Nếu so sánh Puma với Ford Focus, sự khác biệt lớn nhất là lượng công việc làm ra những xe đó", Stuart Rowley, chủ tịch Ford châu Âu, cho hay.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 4.

Ford Fiesta không còn phiên bản ba cửa - Ảnh: Ford

Tesla đã sớm đi theo chiến lược này. Ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính có khoảng 60 sự kết hợp tùy chọn cho Model 3. Trong khi đó, Volkswagen ID.3 có tới 1.120 sự kết hợp, còn MW 3-Series có tới 5.760 sự kết hợp cho máy xăng và 9.600 sự kết hợp cho máy dầu.

Ngay cả thương hiệu xe sang như BMW cũng đang tìm cách trở nên đơn giản hơn. Giám đốc tài chính BMW Nicholas Peter nói: "Chúng tôi sẽ giảm số lượng các kết hợp có sẵn, bởi vì một số kết hợp không có ý nghĩa gì cả và không bao giờ được lựa chọn". Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Mercedes-Benz.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 5.

Những thương hiệu xe sang như BMW, Mercedes-Benz cũng không đứng ngoài cuộc - Ảnh: BMW

Tuy nhiên, Aston Martin thì ngược lại. Số lượng các kết hợp tùy chọn lại tăng tới 20%. Chuyện tương tự với Bentley và Rolls-Royce do những thương hiệu này kiếm lời từ việc làm xe theo sở thích cá nhân. Bentley hứa hẹn có tới 24 tỉ kết hợp trên một mẫu xe chưa được đặt tên sẽ được tiết lộ vào cuối tháng 5.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 6.

Trong khi đó, những thương hiệu xa xỉ như Rolls-Royce thì ngày càng mở rộng option - Ảnh: Rolls-Royce

Xu hướng tăng "option mềm"

Một điều làm giúp các hãng có thể cắt option ô tô là khả năng cập nhật qua mạng. Henrik Fisker, ông chủ của start-up xe điện Fisker, đưa ra ví dụ: Nếu mọi xe Fisker đều có vô lăng trợ lực điện, các chủ xe có thể lựa chọn nâng cấp (hoặc không) trang bị này qua mạng. Như vậy, hãng sẽ không phải bán các option vô lăng có mức độ cao cấp khác nhau một cách riêng lẻ, khiến công việc sản xuất phức tạp hơn. Hay với iX được trang bị công nghệ E Ink, BMW không cần phải bán các lựa chọn màu xe khác nhau khi màu sơn có thể thay đổi chỉ bằng cách nhấn nút.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 7.

BMW cung cấp một màu xe nhưng khách hàng có thể lựa chọn đổi màu bằng phương pháp kỹ thuật số - Ảnh: Jalopnik

Đây có thể là tương lai của option ô tô. Nhà sản xuất ô tô chỉ cần tạo ra một chiếc xe về cơ bản có đủ các phần cứng cần thiết và rồi bán các bản nâng cấp qua mạng.

Sự thiếu hụt toàn ngành

Một lý do khác thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô cắt option là việc thiếu chip, "bộ não" đằng sau hầu hết các tính năng mới trên ô tô hiện đại. Càng nhiều option thì càng cần nhiều chip.

Khách hàng BMW phàn nàn xe không có Apple CarPlay/Android Auto, trong khi MINI ngừng sản xuất phiên bản thủ công. Các khách hàng trên các diễn đàn về Range Rover Evoque chỉ trích Land Rover loại bỏ màn hình tương tác người lái do thiếu chip.

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 8.

Range Rover Evoque bị chỉ trích vì bị cắt giảm tính năng - Ảnh: Land Rover

Vì sao các hãng xe tìm cách cắt trang bị? - Ảnh 9.