J.D.Power & Associates mới đây nhất đã công bố kết quả khảo sát chất lượng xe ban đầu. J.D.Power căn cứ những lỗi mà hơn 82.000 chủ xe gặp phải khi mua các xe model 2010 từ tháng 2 đến tháng 5 năm để làm số liệu thống kê cho khảo sát này. 

Chung cuộc, hãng xe thể thao nước Đức Porsche tiếp tục dẫn đầu về chất lượng với số lỗi trung bình /100 xe là 83. Thương hiệu xe sang của Honda là Acura đứng vị trí thứ 2 (86 lỗi), Mercedes-Benz thứ ba (87 lỗi ), tiếp đó là Lexus (88 lỗi ) và Ford tiến lên vị trí thứ 5 trong năm nay (93 lỗi).  

Sau cuộc đấu tranh dai dẳng gần 3 thập kỷ, chất lượng ô tô Detroit cuối cùng đã bắt kịp các nhà sản xuất xe Nhật Bản trong Nghiên cứu Chất lượng Bước đầu (IQS) mới nhất của J.D. Power & Associates.

Tin tốt của các nhà sản xuất xe Mỹ, đặc biệt là Ford, đồng thời là tin xấu cho Toyota, hãng xe đã dày công tạo dựng danh tiếng trong suốt hơn 2 thập kỷ, liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng chất lượng của J.D.Power. Những gì IQS mang đến được, thì IQS cũng lấy đi được.  

Sự khởi sắc của xe Mỹ 

Những cỗ máy cơ bắp của 3 Ông Lớn (Big Three) từng thống trị thị trường ô tô Mỹ đã dần mờ dấu ấn do tác động của khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông. Mỹ váng vất vì shock nhiên liệu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, thì Nhật lại bứt lên từ khủng hoảng này, do ra đời các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng ngay cả khi GM, Ford và Chrysler vào guồng cạnh tranh với các đối thủ từ bên kia địa cầu trong cuộc chiến nhiên liệu, người châu Á nhanh chóng chuyển trọng tâm của mình sang hướng bền vững hơn: chất lượng. Vậy là khi xăng dầu không còn in dấu đậm trong tâm trí người tiêu dùng, họ vẫn chọn xe Nhật vì chất lượng ngày một khẳng định của chúng. 

24 năm trước, J.D.Power chỉ rõ một khoảng cách về chất lượng trong IQS rằng xe Detroit luôn luôn có gấp đôi số lỗi so với một mẫu xe tương đương của châu Á, cụ thể là của hai thương hiệu hàng đầu châu Á Toyota và Honda. Big Three ì ạch theo kịp chất lượng chung của ngành công nghiệp, chứ chưa tính tới việc có chân trong top 10 xe chất lượng trong các bảng xếp hạng của J.D.Power. Nhưng những năm gần đây, Big 3 khiến chúng ta ngày càng ngạc nhiên về tiến bộ của nó.

Có tới 4 model của Mỹ (cụ thể là Ford) nhận giải thưởng hàng đầu trong phân khúc của mình bao gồm Ford Focus, Taurus, Mustang và F-150. Thương hiệu Ford lần đầu tiên lọt vào top 5 của IQS, và nhãn hiệu xe sang của nó là Lincoln đứng thứ 9, cùng chi nhánh tại Thụy Điển của Ford là Volvo đứng trong Top 10. 

Sự bứt phá mạnh mẽ của Ford đánh dấu sự khởi sắc của công nghiệp ô tô Mỹ so với các nhà sản xuất nước ngoài trên thang điểm của J.D.Power. Sau nhiều thập kỷ, Detroit mới đánh bại các nhà nhập khẩu về chất lượng, với số lỗi trên 100 xe ít hơn, tuy không nhiều (Big Three 108 lỗi, các xe nhập khẩu 109 lỗi).

Mặc dù trong Big 3, chỉ Ford đạt được bước tiến vượt bậc, GM và Chrysler vẫn chưa lọt được vào Top 10, nhưng hai hãng này cũng đã có nhiều tiến bộ đáng kể.

David Sargent, giám đốc nghiên cứu ô tô toàn cầu của Power khẳng định dù sao, đó vẫn là một bước đột phá. “Năm nay đánh dấu bước ngoặt cho các thương hiệu Mỹ, họ tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại những đánh giá tiêu cực về chất lượng xe của họ.” 

Xe Hàn Quốc không còn là xe kém

Những năm gần đây, nhiều đối trọng mới nảy sinh trên thị trường, và người ta ngày càng phải dè chừng một đối thủ trước đó rất mờ nhạt, Hyundai.

Hyundai, nhà sản xuất xe Hàn Quốc vốn từ lâu được biết đến như hãng chuyên sản xuất dòng xe rẻ tiền, thiết kế nhàm chán, chất lượng trung bình. Nhưng cho tới nay, Hyundai ngày càng chứng tỏ mình đang tiến những bước vững chắc, không chỉ ở những con số bán hàng, mà còn ở cấp bậc trong nấc thang IQS.Năm nay, Hyundai xếp thứ 7 trong số 33 thương hiệu có mặt trong nghiên cứu của Power.

Toyota – gã khổng lồ ngủ quên

Nếu như có thương hiệu nào phải lo lắng, thì đó chính là Toyota. Câu hỏi mà nghiên cứu năm 2010 đặt ra là liệu Toyota đang thực sự gặp phải vấn đề về chất lượng, hay đó là do tác động của cuộc khủng hoảng liên quan đến hàng loạt các vụ thu hồi xe của Toyota.

Thời điểm IQS năm 2010 bắt đầu thống kê nghiên cứu trùng với thời điểm nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới dính vào vụ thu hồi hàng loạt xe do lỗi tăng tốc ngoài ý muốn.

Rõ ràng, thương hiệu xe sang Lexus của hãng vẫn về thứ 4, mẫu sedan LS chỉ mắc 55 lỗi/100xe, trở thành xe tốt nhất trong phân khúc xe hạng sang cỡ lớn.

Nhưng mặt khác, Sargent cũng ngụ ý rằng, vụ scandal có thể khiến các chủ xe quan tâm hơn đến chiếc Toyota mà mình sử dụng, và có lẽ nhờ đó mà tìm ra rằng mặc dù là có danh tiếng lâu năm, nó vẫn gặp phải những vấn đề về chất lượng không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, phương pháp nghiên cứu của IQS cũng khá gây tranh cãi. Khi Power bắt đầu nghiên cứu, không phải là hiếm trường hợp một xe có 3,4 thậm chí 5 lỗi. Thời đó, lỗi có nghĩa là lỗi thực, có thể nhỏ như bóng đèn vỡ, hoặc lớn như lỗi hệ truyền động.

Những lỗi như thế nhanh chóng biến mất khi nền công nghiệp sử dụng ngày càng nhiều hệ thống kiểm soát dây chuyền. những năm gần đây, Power điều chỉnh lại IQS, tính cảnh những lỗi thiết kế như thiếu chỗ để cốc hoặc hệ thống định vị khó sử dụng.

Các nhà phê bình cho rằng những cái đó không thể được coi là lỗi khi so sánh với những lỗi về cơ khí. Họ cũng cho rằng việc không trang bị chỗ để cốc khiến nhiều xe Đức vị đánh giá thấp hơn mức trung bình.

Sargent phản bác rằng bạn có thể sửa lỗi hệ truyền động, nhưng lại khó có thể cải thiện được một thiết kế nội thất xấu xí hay một hệ thống quá rắc rối để sử dụng.

Nhưng dù thế nào đi nữa, nghiên cứu của J.D.Power vẫn rất có sức nặng đối với người tiêu dùng. Họ đang mang đến cho Toyota nhiều danh vọng, liệu họ có tước đi điều đó? Câu đó dành cho Toyota, và dành cả cho bất kỳ hãng xe nào đang có khát khao chứng tỏ mình.
 
Những model 2010 dẫn đầu về chất lượng ở từng phân khúc theo xếp hạng của J.D.Power:
 
Sub compact: Hyundai Accent

Giá khởi điểm: 9.970 USD

Xe cỡ nhỏ: Ford Focus

Giá khởi điểm: 16.290 USD

Xe cỡ trung: Honda Accord

Giá khởi điểm:21.055 USD

Xe thể thao cỡ nhỏ: Mazda MX-5 Miata

Giá khởi điểm: 22.960 USD

Xe thể thao cỡ trung: Ford Mustang

Giá khởi điểm: 22.145 USD

Xe thể thao hạng sang: Volvo C70

Giá khởi điểm: 39.950 USD

Xe cỡ lớn: Ford Taurus

Giá khởi điểm: 25.170 USD

Xe hạng sang cỡ nhỏ: Mercedes-Benz C-Class

Giá khởi điểm: 33.600 USD

Xe hạng sang cỡ trung: Lexus GS

Giá khởi điểm: 54.070 USD

Xe hạng sang cỡ lớn: Lexus LS460

Giá khởi điểm: 65.380 USD

Xe SUV cỡ nhỏ: Toyota FJ Cruiser

Giá khởi điểm: 23.320 USD

Xe SUV hạng sang cỡ nhỏ: Acura RDX

Giá khởi điểm: 32.520 USD

Xe SUV hạng sang cỡ trung: Lexus GX 460

Giá khởi điểm: 51.970 USD

Xe SUV hạng sang cỡ lớn: Cadillac Escalade

Giá khởi điểm: 67.600 USD

Xe SUV hạng trung: Honda Accord Crosstour

Giá khởi điểm: 30.380 USD

Xe bán tải cỡ trung: Nissan Frontier

Giá khởi điểm: 17.540 USD

Xe bán tải cỡ lớn: Ford F-150

Giá khởi điểm: 21.820 USD

Minivan: Toyota Sienna

Giá khởi điểm: 24.260 USD

 
Theo MSN