Bất kỳ ai khi đi xe máy hay ôtô đều sẽ có lúc bị va chạm hay do tác nhân khách quan mà làm ảnh hưởng đến dàn nhựa trên xe của mình như nứt, vỡ. Và tất nhiên, về mặt thẩm mỹ thì những vết nứt, vỡ sẽ làm chiếc xe xuống mã đi rất nhiều.

Một vài người có thể thay nguyên dàn áo mới cho chiếc xe của mình; nhưng đôi khi chi phí khá cao hoặc không có phụ kiện để thay thế. Chính lúc này, họ tìm đến những người thợ hàn yếm thường ngồi trên những tuyến phố chuyên về sửa chữa xe như phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ,.... Và có thể hiểu đơn giản rằng công việc của những người thợ hàn yếm chính là khôi phục lại tình trạng ban đầu của những chi tiết nhựa trên xe thông qua những miếng nhựa vụn từ vỏ xe đã bỏ đi.

Chú Thạch chuẩn bị tháo phần đầu nhựa của đầu xe để hàn lại.

Chú Thạch chuẩn bị tháo phần đầu nhựa của đầu xe để hàn lại.

Đến khu chuyên sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe trên phố Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm, nếu bạn hỏi chú Thạch hàn yếm thì ai cũng sẽ dễ dàng chỉ cho bạn vị trí của người thợ hàn yếm với gần 25 năm làm nghề này. Nói chuyện với chú Thạch, chúng tôi có thể thấy trong ánh mắt chú ánh lên sự yêu nghề bởi theo lời kể của chú thì trong 25 năm làm nghề chú chưa bao giờ nghỉ ngơi hay có ý định chuyển sang một nghề khác. Dù rằng nghề hàn yếm này khá độc hại bởi hàng ngày những người thợ như chú sẽ phải tiếp xúc với khói từ nhựa chảy.

Chú Thạch lại rất lạc quan : "Nghề này làm mãi rồi quen, cái khói này mình hít hàng ngày nên lâu dần cũng chả thấy cay hay khét gì cả đâu. Tuy nhiên là nếu hôm nào cảm thấy mệt thì mình nghỉ không làm, lâu lâu thì đi khám một cái cho yên tâm."

Khói độc hại từ nhựa nóng chảy luôn đe doạ sức khoẻ những người thợ làm nghề hàn yếm như chú Thạch.

Khói độc hại từ nhựa nóng chảy luôn đe doạ sức khoẻ những người thợ làm nghề hàn yếm như chú Thạch.

Cái nghề hàn yếm này đến với chú Thạch rất tình cờ, giống như một cái duyên nghề. 80 chú đi bộ đội ở biên giới phía Bắc, đến năm 85 thì giải ngũ và được cử sang Liên Xô tham gia lao động cho đến năm 90 thì về Việt Nam. Chú bắt đầu mày mò tự học nghề hàn yếm và hành nghề từ đó cho đến nay.

Chú Thạch kể rằng, những món đồ cần thiết như que sắt nung thời đấy làm gì có bán sẵn, mình phải vừa làm vừa xem cần những gì thì mình tự gò ra từ những thứ có sẵn như tuốc-nơ-vít hoặc que sắt thường rồi gắn chuôi gỗ để chống nóng.

Đồ nghề làm việc cơ bản của người thợ hàn yếm chỉ là một bếp dầu, vài que sắt nung và những miếng nhựa vụn.

Đồ nghề làm việc cơ bản của người thợ hàn yếm chỉ là một bếp dầu, vài que sắt nung và những miếng nhựa vụn.

Nghề này mới nhìn tưởng đơn giản bởi bộ đồ nghề rất sơ sài với chỉ cái bếp dầu, kéo, dăm ba que sắt nung và một đống nhựa vụn nhưng "nghề chơi cũng lắm công phu", không phải cứ có đồ nghề là đã làm được.

Mỗi que sắt nung trên bếp dầu đều có tác dụng riêng, cái thì để cắt, cái thì để hàn, cái thì để làm nhẵn bề mặt... Tuỳ theo từng yêu cầu mà chú Thạch sẽ chọn loại phù hợp. Ngay cả đến nhựa trên xe khi hàn, trông thì đơn giản nhưng cũng có đến 5-7 loại nhựa khác nhau. Những người thợ như chú Thạch sẽ phải tìm xem loại nhựa nào sẽ dán được bởi nếu không cùng loại nhựa thì những vết hàn sẽ không dính hoặc nếu có dính thì giòn và dễ bung khi bị va chạm.

Những vỏ xe vỡ, những mảnh nhựa vụn tưởng là vứt đi của các cửa hàng xe máy lại là nguồn nguyên liệu cho chú Thạch để hành nghề của mình.

Những vỏ xe vỡ, những mảnh nhựa vụn tưởng là vứt đi của các cửa hàng xe máy lại là nguồn nguyên liệu cho chú Thạch để hành nghề của mình.

Nghề này không phải quá khó nên chú Thạch cũng kể rằng có nhiều cậu trai ở quê lên xin theo chú học nghề lắm, nhưng chả được mấy cậu học thành nghề bởi không có sự kiên trì và đam mê thật sự. Làm cái nghề này là phải chấp nhận thương tích bởi bỏng vì nhựa nóng là điều thường xuyên, đứt tay vì cạo nhựa là chuyện bình thường và mùi khói độc hại từ nhựa.

Quan sát chú làm việc, chúng tôi càng thêm hiểu sự vất vả của cái nghề hàn yếm. Những vết nứt, vỡ bên ngoài vỏ xe thì còn dễ dàng xử lý. Nhưng với những vết vỡ bên trong các chi tiết như như các khấc gài nhỏ thì đòi hỏi những người thợ hàn yếm phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ khi làm. Ngay cả việc có những chi tiết nhựa bị nứt vỡ và không có đồ thay thế thì người thợ hàn yếm cũng phải phục dựng lại bằng những miếng nhựa vỡ.

Một chi tiết nhựa ở đầu đèn pha bị vỡ và không có đồ thay thế....

Một chi tiết nhựa ở đầu đèn pha bị vỡ và không có đồ thay thế....

... và chú Thạch đã phục chế lại chi tiết này với một miệng nhựa vỡ.

... và chú Thạch đã phục chế lại chi tiết này với một miệng nhựa vỡ.

Có thể nói, nghề hàn yếm không phải quá khó, cũng không đòi hỏi nhiều chi phí nhưng để có thể theo đuổi nghề này, những người thợ hàn yếm phải thật sự trân trọng cái nghề và phải bỏ ra nhiều công sức để thành thục trong từng đường ghép với từng miếng nhựa từ to đến nhỏ. Và chú Thạch là một trong những người thợ hiếm hoi như vậy ở Hà Nội.