Hôm 17/9 vừa qua, ngành công nghiệp ôtô thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng đã mất đi một tượng đài lớn, đó chính là ông Eiji Toyoda, thành viên của gia đình có công gây dựng tập đoàn Toyota hùng mạnh. Theo giới truyền thông nước nhà, ông Eiji Toyoda đã mất vì bệnh tim tại bệnh viện Toyota Memorial và hưởng thọ 100 tuổi.

Có thể nói, cuộc đời ông Eiji Toyoda là những chuỗi ngày làm việc và cống hiến không mệt mỏi cho tập đoàn Toyota. Lúc sinh thời, dù đã bước sang tuổi 90, ông Eiji Toyoda vẫn hàng ngày đến văn phòng làm việc.

Về cơ bản, Eiji không phải là "khai quốc công thần" của tập đoàn Toyota. Thay vào đó, Eiji chỉ là em họ của Kiichiro Toyoda, người đã có công thành lập nhãn hiệu ôtô lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, ông lại đóng vai trò rất lớn trong quá trình tạo dựng dòng xe Toyota hiện đại, nhất là nhãn hiệu hạng sang Lexus. 

Tập đoàn Toyota sản xuất mẫu xe đầu tiên mang tên AA vào năm 1936. Trong khi đó, đến năm 1938, ông Eiji Toyoda mới bắt đầu làm việc cho tập đoàn Toyota.

Eiji Toyoda - "Cha đẻ" của dòng xe Toyota hiện đại 1
Chân dung cố chủ tịch Eiji Toyoda.

Eiji là một trong sáu thành viên nhà Toyoda từng giữ chức vị chủ tịch tập đoàn Toyota. Trong suốt thời gian làm chủ tịch, từ năm 1967-1982, Eiji Toyoda đã dẫn đường cho dòng xe Toyota hiện đại. 

Khi Eiji Toyoda nghỉ hưu vào năm 1994, tập đoàn Toyota đang lắp ráp dòng Corolla trên đất Mỹ, hoàn thành quá trình gây dựng nhãn hiệu hạng sang Lexus và bắt đầu dự án phát triển Prius, một trong những mẫu xe hybrid xăng-điện thành công nhất thế giới. 

"Eiji Toyoda đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng quá trình mở rộng của Toyota tại thị trường Bắc Mỹ và phát triển hãng thành một tập đoàn toàn cầu", ông Yoshihide Suga, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo. "Eiji Toyoda là người không thể thiếu đối với ngành công nghiệp ôtô nước nhà".

Cùng điểm lại những mốc lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của người từng giữ chức chủ tịch tập đoàn Toyota lâu nhất từ trước đến nay.

Nhà công nghiệp vĩ đại sinh ra từ xưởng dệt

Eiji Toyoda được sinh ra vào ngày 12/9/1913 tại khu vực gần Nagoya, Nhật Bản. Ông là con trai thứ hai của Heikichi và Nao Toyoda. Lớn lên trong nhà máy dệt của cha, ông Eiji Toyoda đã sớm tiếp xúc với công việc kinh doanh và các loại máy móc.

Tốt nghiệp trường Đại học Hoàng gia Nhật Bản với tấm bằng kỹ sư cơ khí, Eiji tham gia công ty TNHH Toyoda Automatic Loom Works và làm việc cho chú Sakichi Toyoda.

Vào thời điểm đó, Kiichiro, con trai ông Sakichi, đang đứng đầu một chi nhánh sản xuất ôtô của Toyoda Automatic Loom Works. Bất đồng quan điểm với cha, năm 1937, Kiichiro thành lập hãng Toyota Motor và đưa Eiji đi theo con đường của mình.

Mới ngoài 20 tuổi, Eiji Toyoda bắt đầu sự nghiệp bằng việc lau sàn nhà tại Toyota Motor. Sau đó, ông mới được cất nhắc lên phòng kế hoạch sản xuất. Ban đầu, ông được tự do làm những gì mình thích, từ sửa xe đến góp sức thành lập trụ sở công ty tại Toyota City. Đến năm 1945, Eiji Toyoda trở thành giám đốc của Toyota Motor.

Đến Mỹ và học hỏi từ Ford

Toyota và Ford đã sớm bắt đầu các cuộc thương thuyết để cùng nhau sản xuất xe tại Mỹ từ đầu những năm '40. Tuy nhiên, vào năm 1941, quân đội Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng khiến chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra và gián đoạn các cuộc thương thuyết. Mãi sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, Toyota và Ford mới trở lại bàn đàm phán nhưng chẳng đi đến đâu.

Vào năm 1950, khi chiếm đóng Nhật Bản, quân đội Mỹ đã gửi ông Eiji Toyoda đến Dearborn, bang Michigan để học hỏi về quá trình sản xuất ôtô đại trà từ Ford. Sở dĩ quân đội Mỹ làm như vậy vì cần ông Toyoda chế tạo xe tải chở lính cho mình tại Hàn Quốc.

Đến Dearborn, ông Eiji Toyoda nhận ra Ford đã đi trước hãng Toyota lúc đó còn ở quy mô rất nhỏ khá nhiều về công nghệ. Trở về Nhật Bản, ông tập trung vào việc sản xuất xe với số lượng nhỏ nhưng hiệu suất tối đa. 

Ông bắt đầu sử dụng máy IBM để cắt giảm chi phí sản xuất. Dựa trên dự án của người anh họ, Eiji Toyoda đã phát triển hệ thống sản xuất Toyota (TPS) với mục đích loại bỏ linh phụ kiện tồn kho và những lãng phí khác. Về sau, hệ thống sản xuất của Toyota thành công đến mức được rất nhiều hãng khác áp dụng, kể cả những công ty không thuộc ngành công nghiệp ôtô.

Sản xuất đại trà

Trong suốt 69 năm làm việc, ông Eiji Toyoda đã hướng tập đoàn Toyota học theo Ford và General Motors về quá trình sản xuất ôtô đại trà. Ban đầu, tập đoàn Toyota chỉ lắp ráp xe bằng linh phụ kiện do GM cung cấp. Sau đó, dưới sự lèo lái của ông Eiji Toyoda, tập đoàn Toyota đã sở hữu giá trị gấp 16 lần so với GM.

Mở rộng mạng lưới nhà máy ra nước ngoài

Dưới thời của Eiji Toyoda, tập đoàn Toyota đã xây dựng ít nhất 10 nhà máy mới, bắt đầu xuất khẩu xe sang nhiều nước, thiết lập dây chuyền lắp ráp quản lý và cung cấp vật liệu đúng thời gian đồng thời tạo danh tiếng trên thị trường toàn cầu. Nhờ định hướng của ông Eiji Toyoda, Toyota Corolla đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất mọi thời đại.

Ông Eiji Toyoda đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những ý tưởng mà sau này trở thành cốt lõi trong phương thức sản xuất của tập đoàn Toyota. Ví dụ như "kaizen", nghĩa là liên tục cải tiến. Hoặc "jidoka", nghĩa là sử dụng các loại máy có khả năng ngừng hoạt động khi phát hiện dấu hiệu bất thường để nâng cao chất lượng sản xuất.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất của ông Eiji Toyoda chính là việc đặt nền móng cho quá trình mở rộng dây chuyền sản xuất tại nước ngoài. Kết quả là liên doanh đầu tiên của tập đoàn Toyota được thành lập tại Mỹ vào năm 1983. Hãng Toyota đã làm được điều đó chỉ 1 năm sau khi ông Eiji Toyoda trao quyền chủ tịch cho em họ Shoichiro.

Eiji Toyoda - "Cha đẻ" của dòng xe Toyota hiện đại 2
Chủ tịch GM, Roger B. Smith, (bến trái) và ông Eiji Toyoda chào hỏi một công nhân dây chuyền sản xuất ôtô tại nhà máy New United Motor Manufacturing.

Liên doanh của Toyota với tập đoàn GM có tên New United Motor Manufacturing In., bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1984 tại Freemont, California, Mỹ. Thành công của liên doanh đã chứng minh nguyên tắc sản xuát của Toyota có thể được áp dụng tại nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ đó, tập đoàn Toyota mới có đủ tự tin để xây dựng các nhà máy độc lập ở Kentucky, Canada, Anh và Pháp.

Đối đầu BMW

Có thể nói, ông Eiji Toyoda chính là "cha đẻ" của dòng xe Toyota hiện đại và nhãn hiệu hạng sang Lexus. Vào năm 1983, ông Eiji Toyoda đã tán thành ý tưởng thành lập một nhãn hiệu xe hạng sang để cạnh tranh với Mercedes-Benz cũng như BMW. Mẫu xe đầu tiên của nhãn hiệu Lexus là LS400 được bày bán tại thị trường Mỹ từ năm 1989.

Eiji Toyoda - "Cha đẻ" của dòng xe Toyota hiện đại 3
Ông Toyoda phát biểu tại lễ khánh thành bảo tàng Toyota vào ngày 1/4/1989.

Sau khi thôi giữ chức chủ tịch tập đoàn Toyota, ông Eiji Toyoda vẫn tiếp tục đến văn phòng để tư vấn cho thế hệ sau. Đến năm 1994, ông Eiji Toyoda được vinh danh tại bảo tàng danh vọng của ngành công nghiệp ôtô tại Mỹ. Ông là người thứ hai được nhận vinh dự trên, sau Soichiro Honda, nhà sáng lập hãng Honda nổi tiếng.