Vị tổng giám đốc đại lý – ông Pat Lind bắt đầu tự hỏi không biết có phải những sinh viên này từng nghiên cứu về đại lý của ông khi họ quyết định mua xe. Tuy nhiên, họ nói với ông rằng từ khi còn ở Trung Quốc, họ đã được khuyên mua xe ở Chicago trước khi du học Mỹ.

Đó là lý do ông Lind quyết định tài trợ cho hội du học sinh Trung Quốc – nơi sẽ gửi thông tin của đại lý cho những học sinh sắp sang Mỹ học tập.  

Doanh số bán hàng cho sinh viên Trung Quốc tăng gấp đôi và hiện chiếm khoảng 5% số xe được bán ra từ đại lý này – nơi cách ĐH Iowa 2 dặm. “Chúng tôi trở thành những người quảng cáo và mang chính mình tới trước mặt họ” – ông Lind nói.

Theo Viện Giáo dục quốc tế, số sinh viên Trung Quốc đến Mỹ ngày càng tăng, đạt 235.597 vào năm ngoái – gấp 3 lần con số 64.757 của năm học 2002-2003. Những sinh viên này thường có điều kiện gia đình khá giả hơn những sinh viên Mỹ điển hình. Thế nên, một chiếc xe có giá 50.000 USD được cho là khá hời so với ở quê nhà Trung Quốc – nơi mà những chiếc xe như thế này có giá gấp 2-3 lần do thuế nhập khẩu quá cao.

Năm ngoái, công ty tư vấn Zinch đã khảo sát 25.000 sinh viên Trung Quốc và phát hiện ra rằng 62% trong số họ có khả năng chi trả 40.000 USD mỗi năm cho việc học đại học. “Đây là một nguồn rất hấp dẫn cho các thương hiệu nước ngoài” – người sáng lập Zinch, ông Sid Krommenhoek nhận định.

Du học sinh Trung Quốc ở Mỹ chi khoảng 15,5 tỷ USD cho cả xe cũ và xe mới từ năm 2012 tới tháng 10 năm 2013 – thông tin từ ông Art Spinella, giám đốc công ty nghiên cứu marketing CNW. Trong khi đó, sinh viên Mỹ chỉ chi 4,7 tỷ USD cho những chiếc xe hơi.

Hơn một nửa số xe được mua bởi sinh viên Trung Quốc ở Mỹ trong giai đoạn 22 tháng nghiên cứu của CNW là xe mới, giá trung bình là 52.796 USD, trong đó 32% người mua trả tiền mặt. Những người mua xe cũ trung bình chi khoảng 36.500 USD và 58% trả tiền mặt.

Trong khi đó, khoảng 40% sinh viên Mỹ mua xe hơi, giá cả trung bình là 19.472 USD và chưa đến 5% trả tiền mặt.

Ông Lind cho biết hầu hết khách hàng người Trung Quốc của đại lý ông trả tiền mặt. “Nhiều lần họ tới đây chọn xe và nói ‘Tôi phải gọi cho bố mẹ tôi và bảo họ phải gửi thêm tiền. Tôi chỉ có 20.000 USD, mà chiếc xe này giá 50.000 USD”.

Thậm chí, một số đại lý còn thuê nhân viên bán hàng biết tiếng Trung Quốc để phục vụ các thượng đế đang thèm khát một chiếc xe sang trọng. Và rõ ràng doanh số bán hàng của họ có thể tăng từ 5-15%.

Ông Ralph Parshall – tổng giám đốc đại lý Mercedes ở Eugene cho biết doanh số bán hàng hàng năm của đại lý đã tăng 8% và ông bắt đầu tài trợ cho một số hoạt động của sinh viên Trung Quốc như tiệc khiêu vũ.

Hao He, 22 tuổi – sinh viên năm hai ĐH Oregon tới từ Quảng Châu, Trung Quốc cho biết cậu trả tiền mặt khi mua chiếc BMW 335i màu đen. Cậu là một thành viên của Câu lạc bộ ô tô của trường.

Nhóm này có 30 thành viên, hầu hết là người Trung Quốc. Hao He cho biết, một thành viên trong câu lạc bộ có chiếc Lamborghini, còn hầu hết thành viên khác thích BMW hơn. Hoạt động yêu thích của họ là tụ tập ở các bãi đậu xe với xế hộp của mình. “Chúng tôi không khoe khoang. Chúng tôi chỉ đỗ xe và trao đổi với nhau về cách sử dụng”.

Sinh viên năm cuối ĐH Oregon Calvin Yang, 24 tuổi – một thành viên khác của câu lạc bộ này chia sẻ, nhiều sinh viên Trung Quốc tới Mỹ và chỉ mong mua được một chiếc xe bình thường để đi lại nhưng họ sớm nhận ra mình có khả năng chi trả nhiều hơn. “Sau khi biết giá xe ở Mỹ, họ chắc chắn rằng muốn mua một chiếc. Tôi đã gặp một số sinh viên mua xe chỉ sau khi đặt chân lên đất Mỹ 3 ngày”.

Một số sinh viên thậm chí còn đổi xe liên tục. Ông Lind kể, mới đây một sinh viên Trung Quốc tới đại lý của ông mua chiếc Mercedes-Benz CLA – một chiếc sedan có giá 29.000 USD.

Sau đó, khi đã làm một chuyến tới Chicago, cậu đổi chiếc sedan lấy chiếc Acura RDX với giá 34.520 USD. Rồi cậu quay lại đại lý của ông để đổi chiếc này lấy một chiếc Mercedes – chiếc xe mà cậu mới đi được 400 dặm trước khi đổi nó lấy chiếc Lexus IS250 với giá 35.950 USD. “Cuối cùng, cậu ấy nói rằng ‘Ồ, tôi chỉ muốn thử nhiều loại xe khác nhau’”.

Theo Nguyễn Thảo - VietnamNet